Ồ Ạt Trồng Thanh Long Ruột Đỏ
Gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Đồng Nai chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ vì giá bán cao, lời nhiều. Diện tích trồng thanh long ruột đỏ tăng nhanh. Tuy nhiên, đầu ra của loại trái cây này ra sao thì hầu hết người trồng rất mù mờ.
Thanh long ruột đỏ được trồng nhiều ở huyện Xuân Lộc và Trảng Bom, hiện diện tích đã lên đến gần 200 hécta. Giá thanh long ruột đỏ được nhiều người ví như giá vàng vì tăng giảm thất thường, có khi đầu tuần giá 50 ngàn đồng/kg, nhưng giữa tuần xuống còn hơn 20 ngàn đồng/kg và cuối tuần lại tăng lên trên 30 ngàn đồng/kg.
Diện tích tăng mạnh
Khu vực có thanh long ruột đỏ phát triển nhanh nhất là xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc). Chỉ trong gần 3 năm, diện tích thanh long ruột đỏ ở đây từ vài hécta đã tăng lên gần 100 hécta và sẽ tiếp tục tăng. Sở dĩ người dân lao vào trồng thanh long ruột đỏ là vì cây trồng này đang cho lãi “khủng”, khoảng 400 - 600 triệu đồng/hécta/năm.
Anh Nguyễn Quốc Anh ở ấp 2A, xã Xuân Hưng, nói: “Trước đây, tôi trồng điều thu nhập chỉ 20 - 30 triệu đồng/hécta/năm. Nhưng cách đây gần 3 năm, tôi chặt bỏ điều chuyển qua trồng thanh long ruột đỏ, lợi nhuận thu được trên 500 triệu đồng/hécta/năm”. Nhưng anh Quốc Anh cũng cho biết thêm, đầu tư ban đầu cho cây thanh long ruột đỏ khá lớn, khoảng hơn 200 triệu đồng/hécta, chưa kể cây thanh long ruột đỏ đòi hỏi kỹ thuật rất cao trong quá trình chăm sóc. Chỉ một sơ suất nhỏ trong khâu vuốt tai cho trái cũng có thể bỏ đi cả đợt quả.
Chị Nguyễn Thị Hiền (ấp 3, xã Xuân Hưng), cho biết: “Tôi trồng điều năng suất cũng khá, khoảng 3 tấn/hécta/năm, nhưng tôi vẫn chặt bỏ để trồng thanh long ruột đỏ. Hiện diện tích trồng thanh long ruột đỏ của gia đình tôi hơn 2 hécta. Tới đây, nếu vay thêm được vốn, tôi sẽ chuyển hết hơn 5 hécta điều còn lại sang trồng thanh long ruột đỏ”.
Theo ông Phạm Thanh Thảo, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hưng, cuối năm 2012 diện tích trồng thanh long ruột đỏ của xã mới hơn 50 hécta nhưng đến nay đã tăng gấp đôi.
Chưa rõ đầu ra
Các hộ đã trồng thanh long ruột đỏ bán cho biết, đầu ra của loại trái này chủ yếu vẫn qua thương lái nhỏ lẻ. Chỉ một số hộ có diện tích lớn, sản lượng nhiều mới bán trực tiếp cho các công ty ở tỉnh Bình Thuận. “Thanh long của tôi hầu hết bán cho thương lái. Giá bán tăng giảm thất thường, cũng có khi hôm nay vào mua với giá 30 ngàn đồng/kg, nhưng 2 - 3 ngày sau chỉ còn 25 ngàn đồng/kg” - ông Hồ Sáu (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) cho biết.
Anh Nguyễn Quốc Anh cũng thừa nhận: “Tôi bán hàng trực tiếp cho công ty nhưng mỗi ngày báo giá một khác, cũng có khi chỉ cách nhau vài ngày mà giá thanh long chênh đến hơn 20 ngàn đồng/kg. Hỏi công ty thì họ nói đợt nào hàng ít giá cao, còn hàng nhiều giá giảm”. Theo tính toán của các hộ trồng thanh long ruột đỏ, giá thanh long từ 10 ngàn đồng/kg trở lên là nông dân có lời.
Bà Đinh Thị Kiên, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kiên Kiên (tỉnh Bình Thuận), doanh nghiệp chuyên mua thanh long ruột đỏ xuất khẩu với số lượng lớn, cho biết: “Thanh long ruột đỏ được công ty mua một số xuất khẩu sang Canada, Thái Lan và Trung Quốc, song thị trường chính vẫn là Trung Quốc. Nguồn hàng xuất khẩu hiện nay khá dồi dào, nếu nông dân cứ ồ ạt tăng diện tích, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thừa”. Bà Kiên cũng nhấn mạnh thêm, thanh long ruột đỏ khó bảo quản và thị trường tiêu thụ không rộng rãi như thanh long ruột trắng.
Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, không chỉ cây thanh long ruột đỏ mà các cây trồng khác cũng rất cần các bộ, ngành trung ương có điều tra tổng thể chính xác diện tích, sản lượng của các tỉnh, kế đến là thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, từ đó khuyến cáo loại cây trồng nào nên phát triển và loại cây nào không nên phát triển. Có như vậy, các tỉnh mới có thể hướng dẫn nông dân chọn cây trồng phù hợp để có đầu ra ổn định
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ