Tin thủy sản Phát triển ngành tôm phải gắn liền với thực tiễn

Phát triển ngành tôm phải gắn liền với thực tiễn

Tác giả Trung Đỉnh, ngày đăng 10/04/2017

"Phát triển ngành tôm phải gắn liền với thực tiễn" là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tại hội nghị góp ý đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Điều chỉnh một số ngành hàng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2014–2020 và triển khai kế hoạch thực hiện các đề án nêu trên trong năm 2017, vừa được UBND tỉnh tổ chức ngày 5/4.

Trong ảnh: Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo phát triển diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh để tăng sản lượng.

Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản với 301.509 ha, trong đó có 278.642 ha nuôi tôm với nhiều hình thức nuôi. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nghề nuôi tôm vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Nhất là việc đầu tư hạ tầng phục vụ vùng nuôi còn nhiều hạn chế, nuôi theo hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ. Từ con giống đến thức ăn không kiểm soát được chất lượng và giá cả. Cùng với đó là quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa tốt dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng quy hoạch, phát triển Cà Mau thành vựa tôm lớn nhất vùng ĐBSCL và cả nước, đề án xác định, đến sau năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản phải đạt 2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại. Đến năm 2030, đạt sản lượng tôm nuôi phải đạt trên 412.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, giải quyết việc làm và có thu nhập ổn định cho hơn 300.000 lao động.

Thế nhưng, nhiều đại biểu băn khoăn đến tính khả thi của đề án. Lý do đưa ra là trong giai đoạn 2010–2015, sản lượng tôm tăng trưởng trung bình chỉ đạt 4,12% năm. Để kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2 tỷ USD vào sau năm 2020, tỉnh phải sản xuất ra 280.000 tấn tôm, sản lượng tôm tăng trung bình tới 17,85%/năm, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước đây. Để thực hiện được vấn đề tăng năng suất, sản lượng trong thời gian ngắn, tỉnh phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quy hoạch, đầu tư hạ tầng để phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh từ 175 ha ở thời điểm này lên 1.000 ha vào năm 2020. Chuyển 170.000 ha nuôi tôm quảng canh lên quảng canh cải tiến, đưa năng suất tôm nuôi từ 550 kg/ha/năm lên 700 kg/ha/năm. Đồng thời tăng diện tích nuôi thâm canh (nuôi công nghiệp) thêm 3.000 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế của tỉnh. Trong quy hoạch các ngành hàng chủ lực, con tôm và các sản phẩm của con tôm là ngành hàng chủ lực, sau đó đến con cua, con cá đồng, mật ong, rồi đến cây chuối và cây gỗ. Không chỉ nuôi trồng rồi bán thô mà phải gắn với chế biến xuất khẩu.

Về đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển nghề nuôi tôm, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo, phát triển ngành tôm phải gắn liền với thực tiễn, phù hợp với từng vùng để tăng năng suất, sản lượng. Trong các chỉ tiêu, để kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2 tỷ USD vào sau năm 2020 thì phải đầu tư xây dựng hạ tầng, áp dụng công nghệ cao, phát triển cho bằng được 1.000 ha mặt nước nuôi tôm siêu thâm canh đến năm 2020. Những vùng không đủ điều kiện nuôi tôm siêu thâm canh thì chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến để ít rủi ro, ít ảnh hưởng đến môi trường nhằm phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-thuy-san-an-toan-sinh-hoc Nuôi thủy sản an toàn… huong-mo-cho-nguoi-nuoi-tom-su Hướng mở cho người nuôi…