Tin thủy sản Phòng chống, khắc phục ảnh hưởng mưa bão trong nuôi tôm

Phòng chống, khắc phục ảnh hưởng mưa bão trong nuôi tôm

Tác giả Thanh Trúc (Skretting Vietnam), ngày đăng 02/10/2019

Các tháng cuối năm là khoảng thời gian mà nghề nuôi tôm chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa bão gây ra. Việc chăm sóc tôm nuôi trong mùa mưa, nhất là những cơn mưa lớn hoặc liên tục gây nhiều khó khăn cho người nuôi, kể cả những người nuôi có kinh nghiệm. Do đó, công tác phòng chống, đối phó và khắc phục ảnh hưởng của mưa bão luôn là những yếu tố cần đặt lên hàng đầu trong thời điểm này.

Tăng cường quạt nước khi mưa xuống - Ảnh: SK

Tác động đến các chỉ tiêu  môi trường

Mưa lớn hoặc dai dẳng khiến lượng nước trong ao tăng nhanh, quá trình pha loãng này khiến độ pH, độ kiềm (kèm theo nước mưa có tính axit yếu) và độ mặn của nước ao nuôi giảm đột ngột. Nước ao trở nên đục hơn do mưa rửa trôi bùn đất từ bờ ao xuống và gió mạnh làm khuấy đảo bùn bã hữu cơ ở đáy ao vào các tầng nước trên. Điều này khiến cho tảo trong hệ thống nuôi không hấp thu đủ ánh sáng mặt trời và suy giảm mạnh (hay còn gọi là sụp tảo). Dẫn đến nồng độ khí độc như H2S, NH3 và NO2 trong ao nuôi cũng tăng theo. Bên cạnh đó, tiếng ồn trong lúc mưa giông, sấm chớp cũng phần nào khiến cho tôm bị stress.

Hệ lụy lớn đến nuôi trồng

Tiếng ồn của trận mưa khiến tôm sợ hãi và di chuyển xuống đáy ao, nơi ít tiếng ồn, nhiệt độ ấm hơn và ổn định hơn; tuy nhiên những nơi này lại nguy hiểm hơn vì chất thải và vi khuẩn tích tụ tại đây. Bên cạnh đó, đáy ao bị xáo trộn lên do gió to cùng với việc cả đàn cùng vùi xuống bùn khiến khí độc khuếch tán vào nước, nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn phát triển cũng bị khuếch tán vào cột nước. Hơn nữa, nhiệt độ giảm sẽ khiến tôm bỏ ăn, theo ước tính tôm giảm ăn 5 - 10% khi nhiệt độ nước giảm 10C đột ngột và giảm ăn tới 30 - 50% khi giảm 30C. Thức ăn không chỉ không được tôm tiêu thụ mà còn trở thành nguồn dinh dưỡng cho hệ vi khuẩn ở tầng đáy.

Sự thay đổi đột ngột của pH, nhiệt độ, độ mặn và tảo tàn ảnh hưởng đến hàng loạt yếu tố hóa - lý khác của môi trường ao nuôi khiến tôm lột vỏ nhiều hơn. Lột xác là thời điểm sức đề kháng của tôm thấp nhất nên dễ bị mầm bệnh tấn công; thêm nữa, nước mưa làm nồng độ các khoáng chất trong nước giảm khiến việc tái tạo vỏ càng khó khăn hơn. Số lượng lớn tôm vùi mình xuống bùn cũng khiến tôm stress bởi cạnh tranh và xâm chiếm vị trí của nhau; do vậy, xây xát là điều khó tránh khỏi trong tình trạng này, điều này càng khiến tôm dễ bị mầm bệnh xâm nhập. Một vài cá thể tôm bị nhiễm cũng là tác nhân truyền bệnh cho cả đàn và là nguyên nhân bùng phát dịch.

Mặc dù, khả năng bão hòa ôxy vào nước tăng khi nhiệt độ nước giảm xuống nhưng sự sụt giảm ôxy từ quang hợp (từ hệ tảo) cùng với sự gia tăng nhu cầu ôxy sinh học (của vi khuẩn và tôm) làm hàm lượng ôxy trong nước ao giảm mạnh. Đặc biệt, khi nhiệt độ tăng lại, vi khuẩn sẽ tăng sinh khối đột biến bởi lượng dinh dưỡng hữu cơ rất nhiều; việc này sẽ lấy đi rất nhiều ôxy trong nước khiến ao nuôi thiếu ôxy trầm trọng. Theo thống kê, tỷ lệ chết khi có mưa lớn giao động từ 2 - 3%, thậm chí tới 50% nếu mưa kéo dài cả tuần.

Biện pháp đề phòng, ứng phó và khắc phục sự cố

Biện pháp đề phòng

- Trong giai đoạn này, ao nuôi cần phải được chèn, chống tránh trường hợp bị bung bạt đáy. Các dụng cụ như máy móc, giàn quạt, hệ thống ôxy trên bờ được gom dọn và cần đặt ở những nơi khô ráo an toàn, tránh tình trạng hư hỏng và thất thoát;

- Tạt vôi bờ ao hoặc đặt các bao CaCO3 (500 kg/ha) quanh bờ ao để khi mưa xuống sẽ hòa tan CaCO3 trước khi chảy vào ao, giúp duy trì pH, độ cứng và các ion hòa tan…;

- Khơi thông các hệ thống kênh, rãnh thoát nước trong hệ thống nuôi. Nước có nhiệt độ thấp sẽ nhẹ hơn và nổi trên mặt nên cần bảo đảm có hệ thống loại bỏ bớt lớp nước mặt này;

- Kiểm tra bờ ao tránh sạt lở, máy bơm, hệ thống sục khí, quạt nước, hệ thống điện…;

- Chuyển dần sang cho tôm ăn với Lorica - một dòng sản phẩm được xây dựng chuyên biệt để hỗ trợ hệ miễn dịch của tôm trước những thời điểm bất lợi.

Biện pháp ứng phó

- Bật tất cả các hệ thống quạt nước và sục khí duy trì hàm lượng ôxy bão hòa trong nước ao (~ 5 ppm);

- Giảm ít nhất 30% lượng thức ăn hoặc tạm ngừng cho ăn nếu mưa lớn;

- Xả bớt nước mặt;

- Kiểm tra pH thường xuyên trong lúc mưa để theo dõi. Nếu thấy giảm phải bón vôi trên bờ, dùng thêm Dolomite hoặc CaCO3. Có thể dùng vôi nóng hòa tan vào nước và tạt xuống ao;

Biện pháp cải tạo ao, khắc phục sau khi mưa

- Cho ăn lại nhưng cần đảm bảo pH và hàm lượng ôxy hòa tan trong nước mức ổn định và phù hợp cho tôm;

- Tăng dần lượng thức tùy theo nhiệt độ và sản lượng tôm hiện có trong ao;

- Thêm Vitamin C, khoáng vào thức ăn cữ sáng, tối; bổ sung các thuốc hỗ trợ gan ruột vào trưa và chiều;

- Bổ sung khoáng và Kali vào trong nước;

- Duy trì hoạt động sục khí trong ao đến khi quần thể tảo mới đã phát triển ổn định trở lại;

- Thời điểm này, dịch bệnh rất dễ bùng phát. Người nuôi cần quan sát và kiểm tra tôm một cách thường xuyên, nếu tôm có hiện tượng bơi lội lờ đờ trên mặt nước hoặc dạt vào bờ ao; tôm đột ngột tăng cường độ bắt mồi, sau đó bỏ ăn. Bên trong vỏ tôm, đặc biệt ở phần giáp đầu ngực có nhiều đốm tròn màu trắng, đường kính 0,5 - 2 mm. Có thể thấy các đốm này ở đốt bụng thứ 5 và 6 hoặc khi đã bệnh nặng trên toàn thân tôm; trong một số trường hợp, tôm có thể bị đỏ thân. Sau khi các đốm trắng xuất hiện từ 3 - 10 ngày, tôm bắt đầu chết; tỷ lệ chết lên đến 100%, không thể chữa trị. Khi phát hiện cần tổ chức thu hoạch càng sớm càng tốt.

- Một số triệu chứng khác như đường ruột rỗng hoặc đứt đoạn, gan tụy teo nhỏ (1/3 so với bình thường) và bị chai, khó bóp nát. Tôm mới bị bệnh, gan tụy sưng to, màu sắc khối gan tụy nhợt nhạt hoặc trắng. Vỏ mềm. Tôm bị bệnh chết chìm dưới đáy ao. Khi phát hiện bệnh cần dừng cho ăn, thay nước và diệt khuẩn. Bỏ đói tôm từ 3 - 4 ngày, sau đó cho ăn lại với khẩu phần ăn giảm 50% so mức thông thường. 

- Sản phẩm thức ăn Lorica của Skretting được thiết kế cho những thời điểm phức tạp như lúc này. Thức ăn Lorica được bổ sung các thành phần thảo dược có tác dụng ức chế hệ vi khuẩn có hại, nâng cao sức khỏe đường ruột và sức đề kháng của tôm. Mưa bão gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi vào những tháng cuối năm nhưng đó cũng là điểm thuận lợi khi mưa giúp rửa trôi các chất thải, sau khi lũ đi qua, môi trường nước trong các đầm phá, sông, rạch trở nên sạch hơn. Đội ngũ kỹ thuật của Skretting Vietnam luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn giúp bà con kịp thời ứng phó trong thời điểm nhiều thách thức này. Chúng tôi hy vọng rằng bà con nuôi tôm sẽ vượt qua những khó khăn, khắc phục sự cố nhanh chóng và giữ vững tinh thần thẳng tiến về đích.   

Lorica - Sản phẩm chuyên biệt cho các thời điểm bất lợi


Có thể bạn quan tâm

doc-dao-nuoi-luon-khong-bun Độc đáo nuôi lươn không… xuat-khau-ca-ngu-sut-giam-o-nhieu-thi-truong Xuất khẩu cá ngừ sụt…