Tin thủy sản Phòng, trị bệnh virus mùa xuân trên cá chép

Phòng, trị bệnh virus mùa xuân trên cá chép

Tác giả Bình An, ngày đăng 17/06/2020

Bệnh virus mùa xuân là bệnh thường gặp trên cá chép khi thời tiết lạnh, nhiệt độ nước dưới 200C có mức truyền nhiễm cao và có thể gây chết nghiêm trọng đến 70%.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của bệnh do virus Rhabdovirus carpio gây ra, là virus có dạng hình que, một đầu tròn như viên đạn, chiều dài 90 - 180 nm, rộng 60 - 90 nm. Virus gây bệnh trên cả trên cá trắng, mè hoa, cá diếc nhưng chủ yếu là trên cá chép. Bệnh phát sinh do sự biến động của nhiệt độ đặc biệt là vào lúc giao mùa, nhiệt độ nước thấp khoảng dưới 200C, khi nhiệt độ nước dưới 180C thì tỷ lệ cá chết cao hơn. Ngoài ra, do chất lượng nước kém, nghèo dinh dưỡng, mật độ nuôi cao, sức đề kháng của cá giảm, dễ nhiễm bệnh.

Dấu hiệu bệnh lý

Khi cá bị bệnh thường có trạng thái ngạt thở, tách đàn, bơi ở tầng mặt, cá mất thăng bằng bơi không định hướng. Mắt và da có hiện tượng xuất huyết. Cơ thể có màu tối, những chỗ viêm có nhiều chất nhầy, mắt lồi nhẹ, mang nhợt nhạt, các tơ mang dính kết lại, bụng chướng to, có máu loãng chảy ra từ hậu môn. Bệnh nặng cá chết nổi hoặc chết chìm ở tầng đáy. Giải phẫu bên trong thấy nội tạng xuất huyết, bóng hơi xuất huyết và teo dần một ngăn. Bụng chứa nhiều dịch nhờn, ruột chướng hơi, tụy bị sưng. Khi cá bị bệnh nặng nội tạng thường nhũn ra.

Phòng, trị bệnh

Hiện nay, đã có vaccine điều trị bệnh này nhưng hiệu quả còn thấp và chi phí điều trị cao. Để giảm thiệt hại, nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi trồng, người nuôi cần chú ý áp dụng các biện phòng bệnh từ ban đầu và trong suốt quá trình nuôi.

Chọn giống: Mua giống ở các cơ sở có uy tín, cá giống đồng đều, khỏe mạnh, sạch bệnh. Trước khi thả cần tắm cho cá bằng muối ăn (NaCl) 1,5 - 2% hoặc thuốc tím (KMnO4) 10 - 15 mg/l trong 5 - 10 phút.

Quản lý ao nuôi: Xử lý đáy ao bằng vôi bột 7 -10 kg/100 m2. Thả giống đúng thời vụ, không thả dày. Định kỳ 15 - 20 ngày thay nước, thêm nước cho ao nuôi từ 20 - 30% lượng nước trong ao, khử trùng ao nuôi bằng vôi bột với lượng 2 - 3 kg/100 m3 nước hoặc các loại hóa chất khử trùng sử dụng trong NTTS (Chlorine, Iodine...). Tạt muối xuống ao với lượng 2 kg/1.000 m³ nước, những ao rộng có thể treo túi vôi hoặc muối tại điểm cho ăn. Áp dụng các biện pháp để tăng nhiệt độ cho nước ao nuôi vào mùa đông.

Chăm sóc: Cho cá ăn đầy đủ, đảm bảo để cá phát triển. Theo dõi sức ăn của cá, hạn chế dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước ao nuôi. Định kỳ trộn Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá. Dùng chế phẩm sinh học như EMC, Bio-DW tạt xuống ao 1 - 2 lít/1.000 m³ theo chu kỳ 15 ngày/lần. Ngoài ra, có thể dùng EMC, tỏi trộn với thức ăn tinh cho cá ăn 3 - 4 ngày/tháng cũng giúp cá tăng sức đề kháng, chống chịu bệnh.

Khi phát hiện cá bị bệnh, người nuôi nên xử lý môi trường nước ao bằng BioIodine với liều lượng 1 lít/5.000 m3 nước ao nuôi; hoặc Vicato 1/3.000 m3 nước ao. Dùng kháng sinh trộn vào thức ăn như: Amoxicillin liều lượng 2 g/kg thức ăn cho cá ăn liên tục 3 - 5 ngày. Lưu ý, ngày thứ 2 trở đi liều lượng giảm đi một nửa so với ngày thứ nhất. Sử dụng kháng sinh trong trường hợp này không tiêu diệt virus mà tiêu diệt các tác nhân cơ hội như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng có thể gây bệnh.


Có thể bạn quan tâm

giai-phap-cong-nghe-san-xuat-hau-giong-thai-binh-duong-dang-bam-va-dang-don Giải pháp công nghệ sản… quan-ly-suc-khoe-thuy-san-mua-lanh Quản lý sức khỏe thủy…