Cà phê Phòng trừ sâu bệnh hại cho cà phê cuối mùa khô

Phòng trừ sâu bệnh hại cho cà phê cuối mùa khô

Tác giả H.T, ngày đăng 22/01/2019

Cuối mùa khô, đầu mùa mưa là giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa, hình thành hoa và nở hoa, đậu quả, quả non phát triển, là giai đoạn ảnh hưởng quan trọng đến năng suất, chất lượng của cây.

Vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa là giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa. Ảnh: VN+

Do đó, nhà vườn cũng cần lưu ý đến việc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây cà phê vào thời gian này.

Theo Tiến sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuấn Nam – nguyên cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thì, vào mùa khô do thời tiết khô hạn nên sâu bệnh hại cũng không đáng kể. Trong giai đoạn này, cây thường xuất hiện rệp vẩy xanh và rệp vẩy nâu. Chúng thường phát triển rất mạnh trong những tháng mùa khô và sau đó giảm dần trong những tháng mùa mưa khi thiên địch (các loại côn trùng ăn thịt rệp) xuất hiện nhiều. Rệp chích hút nhựa trên những bộ phận non của cây như: cành, lá, quả non làm cho cây bị suy yếu. Lưu ý, rệp phát triển luôn kèm theo sự có mặt của kiến và bệnh muội đen. Bệnh muội đen bao phủ lên bề mặt lá làm cho cây quang hợp kém, yếu đi và có thể chết.

Rệp không di chuyển được nên chúng sẽ phát tán mầm bệnh từ cây này sang cây khác nhờ vào kiến và các loại côn trùng. Để phòng ngừa có hiệu quả, nhà vườn cần thường xuyên kiểm tra vườn cây, làm sạch cỏ, cắt bỏ những cành cà phê mọc sát đất… để kịp thời có biện pháp phòng trừ rệp.

Tránh phun thuốc định kỳ và phun toàn bộ vườn cây. Lưu ý: chỉ phun thuốc cho những cây có rệp trên những vườn bị rệp, không phun thuốc phòng cho những cây không bị rệp và vườn chưa bị rệp để bảo vệ các loài thiên địch.

Ngoài phun thuốc diệt rệp, cần diệt trừ các ổ kiến để ngăn ngừa sự lây lan của rệp. Kiến không những bảo vệ rệp khỏi sự tấn công của các loài thiên địch mà còn mang rệp đi lây lan sang các cây khác trên vườn.

Một bệnh hại nữa xuất hiện trên cây cà phê mùa khô là mọt đục cành. Con trưởng thành đục phá bên dưới cành tơ hay bên hông chồi vượt  làm cành héo khô, chết. Chúng gây hại nặng trên vườn cà phê thiết kế cơ bản. Mọt trưởng thành đục cành và đẻ trứng, ấu trùng sống trong cành, ăn nấm Ambrosia do con trưởng thành mang vào. Khi cành khô, chúng bay ra ngoài và đục cành khác. 

Hiện nay chưa có thuốc nào để phòng trừ có hiệu quả bệnh mọt đục cành. Do đó, về biện pháp canhtác, nhà vườn nên làm vệ sinh cây dại xung quanh vườn để giảm bớt ký chủ của mọt đục cành. Cắt bỏ các cành bị mọt hại để diệt sâu non. Về biện pháp hóa học: nhà vườn quan sát nếu thấy có nhiều mọt trưởng thành, phun thuốc trừ sâu có tính thấm sâu hoặc lưu dẫn.

Tận thu tất cả các quả khô và chín còn sót lại ở trên cây và dưới đất để phòng mọt. 

Ngoài mọt đục cành, nhà vườn cần lưu ý mọt đục quả cũng là đối tượng gây thiệt hại lớn đến năng suất và chất lượng cà phê vì chúng không chỉ gây hại trên vườn cà phê mà còn gây hại cả trong quá trình bảo quản. Cần lưu ý, mọt đục quả lưu truyền quanh năm trên vườn cà phê. Chúng sống trong các quả khô dưới đất và trên cây sau vụ thu hoạch, tiếp tục lan truyền sang các quả xanh già và quả chín trong suốt mùa mưa. Mọt có thể phá hoại cả quả khô trong kho bảo quản nếu không được phơi khô và ẩm độ hạt còn cao (>13%).

Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch bằng cách tận thu tất cả các quả khô và chín còn sót lại ở trên cây và dưới đất.

- Thu hái các quả chín trên cây bất cứ lúc nào để hạn chế tác hại và cắt đứt sự lan truyền của mọt.

- Bảo quản hạt cà phê ở ẩm độ <13%.

- Thường xuyên thăm vườn để phát hiện dấu hiệu của mọt. Ở vùng bị mọt đục quả phá hoại nặng nhiều năm liền có thể dùng thuốc hóa học để phun trên toàn vườn, liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

Rệp sáp là loại dịch hại đặc biệt nghiêm trọng đối với cây cà phê, rệp sáp thường phát triển mạnh khi thời tiết nắng mưa thất thường, khí hậu nóng ẩm. Rệp sáp có thể làm cây cà phê mất năng suất nghiêm trọng, nếu nặng có thể gây thiệt hại đến 40% năng suất.

Ngoài ra, trên cây cà phê mùa này còn xuất hiện bệnh do tảo Cephaleuros virescens gây ra. Tảo này hiện diện khá phổ biến trên nhiều loại cây trồng như: sầu riêng, cam, quýt, hồng ăn trái, cà phê... Bệnh làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm cây phát triển kém.

Tảo phát triển trong điều kiện mưa nhiều, ẩm ướt. 

Biện pháp phòng trừ:

- Thực hiện bón phân, tưới nước hợp lý.

- Tạo sự thông thoáng trong vườn bằng các biện pháp tỉa cành, tạo tán.

- Nhà vườn có thể dùng thuốc gốc Đồng như: Copper Hydroxide (Champion 77WP, Champion 57.6 DP,Champion 37.5 SC, …) để phòng trừ.


Có thể bạn quan tâm

hai-phuong-phap-tuoi-ca-phe-mua-kho Hai phương pháp tưới cà… cham-soc-ca-phe-khi-thoi-tiet-bat-loi Chăm sóc cà phê khi…