Phú Yên tăng cường quản lý ao nuôi thủy sản mùa nắng nóng
Mới đây, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã lấy mẫu nước tại một số vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm các chỉ tiêu hóa lý và hàm lượng vi sinh vibrio…
Kết quả, về chỉ tiêu độ kiềm ở một số điểm thu mẫu thấp, như: Phước Giang - Hòa Tâm, cầu Xác Cháy - Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) dao động từ 60 - 70 mg/l, không phù hợp với nuôi trồng thủy sản.
Chỉ tiêu NO2 (nitrit) vượt 1,88 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép tại Bài Con - Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa). Chỉ tiêu PO4 (phốt phát) vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại Vũng Diều - An Cư, Phú Mỹ - An Hiệp (huyện Tuy An) và dao động từ 0,25 - 0,75 mg/l.
Hàm lượng DO (ôxy hòa tan trong nước) tại Vũng Diều - An Cư, Phú Mỹ - An Hiệp và Vũng Tàu - Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) dao động từ 4 - 4,2 mgO2/l, thấp hơn ngưỡng cho phép, có dấu hiệu của việc ô nhiễm môi trường nước. Đối với hàm lượng tổng số vibrio spp tại cầu An Hải (huyện Tuy An) vượt ngưỡng giới hạn cho phép (2.030 CFU/ml).
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo: Hiện nay, trời nắng nóng, các hộ nuôi tôm đã thả giống tại các vùng nuôi có NO2 vượt ngưỡng giới hạn cho phép đang có nguy cơ ô nhiễm. Các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra định kỳ chất lượng nước trong ao, cần xử lý lượng thức ăn thừa, phân tôm và xác phiêu sinh vật.
Tại vùng nuôi có PO4 vượt ngưỡng giới hạn cho phép nên có nguy cơ phát triển các loài tảo, vi tảo, cần đề phòng tảo độc phát triển. Tại vùng nuôi có DO thấp, các vùng nuôi này có nguy cơ tồn đọng nhiều chất hữu cơ, người nuôi cần quản lý lượng thức ăn nuôi tôm, không để thức ăn dư thừa.
Các vùng nuôi trên có nguy cơ thiếu ôxy vào sáng sớm nên tăng cường hệ thống quạt đối với các ao có tôm lớn. Tại vùng nuôi cầu An Hải có hàm lượng vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép, người nuôi cần bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nuôi để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Người nuôi cũng cần thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi, theo dõi hoạt động của tôm, bổ sung khoáng vi lượng, vitamin và xử lý vi sinh định kỳ nhưng rút ngắn thời gian giữa hai lần xử lý nhằm làm sạch đáy ao, làm tăng sức đề kháng cho tôm.
Người nuôi cần duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,2 - 1,5m, duy trì quạt nước tránh hiện tượng phân tầng nhiệt và duy trì ôxy trong ao nuôi. Khi cấp nước vào ao, người nuôi phải cấp nước qua ao lắng, xử lý nước nhằm hạn chế lây nhiễm mầm bệnh từ ngoài vào ao nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ