Trồng lúa Phương pháp gieo cấy mạ khay, mạ ném ở Đông Lĩnh

Phương pháp gieo cấy mạ khay, mạ ném ở Đông Lĩnh

Tác giả Thu Thuỷ, ngày đăng 24/10/2018

Những năm qua, người dân xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) không chỉ thực hiện gieo cấy bằng phương pháp gieo mạ dược, mạ trên sân, gieo thẳng mà còn phổ biến rộng rãi phương pháp gieo cấy bằng mạ khay, mạ ném đem lại năng suất cao.

Mạ khay trên sân nhà chị Đỗ Thị Liên thôn Xuân Phong. Ảnh: Thu Thuỷ

Chủ nhiệm HTXDVNN Nguyễn Tuấn Anh cho biết: ngoài thực hiện theo phương pháp gieo cấy lúa truyền thống, hàng chục năm nay người dân Đông Lĩnh đã thực hiện gieo thẳng. Vụ mùa hàng năm, diện tích gieo thẳng thường chiếm khoảng 30% diện tích. Tuy nhiên 5 năm qua, Đông Lĩnh đã xuất hiện thêm phương thức gieo cấy mạ khay, mạ ném đem lại hiệu quả vượt trội, tập trung chủ yếu ở thôn Xuân Phong. Khởi đầu từ một hộ làm thử nghiệm 7 sào, bà con trong xóm thấy vừa dễ làm vừa giảm chi phí giống, ngày công lao động, năng suất, hiệu quả đạt cao nên áp dụng theo. Ngay sau đó, HTX đã tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về phương thức làm, thu hút trên 80 người tham gia.

Các hộ dân đã đặt mua khay để gieo mạ với giá 2.700 đồng/ khay về thực hiện. Đến nay bà con trong thôn Xuân Phong đã có kinh nghiệm làm theo phương pháp này. Các hộ đều chọn nơi râm mát trong diện tích vườn hoặc sân của nhà để đặt khay. Trước khi đổ bùn vào khay, các hộ đã lọc kỹ bùn và để độ bùn dẻo vừa phải, không được loãng quá và đặc quá khó cho sự phát triển của mạ. Sau khi ngâm thóc được 2 ngày và ủ 1 đêm sẽ rắc mộng vào khay thật đều tay và thưa hạt hơn gieo mạ sân. Sau khoảng 7 ngày khi mạ lên được 3 lá sẽ được mang ra ruộng ném. Hiện nay người dân Đông Lĩnh thực hiện theo 2 phương pháp ném mạ là để khay trên tay hoặc đổ mạ ra thúng, xô, chậu và ném trong điều kiện mực nước ở ruộng chỉ khoảng 3 cm trở lại.

Với tổng diện tích gieo cấy 263ha, vụ mùa năm nay Đông Lĩnh đã có trên 40% gieo vãi, tăng trên 10% so với những năm trước đây, tập trung chủ yếu ở thôn Xuân Phong và Vạn Toàn. Hai thôn này có tới trên 70% diện tích thực hiện gieo vãi, đa số các hộ gieo từ 4-5 sào, nhiều hộ có diện tích gieo vãi cao từ nhiều năm nay như hộ ông Nguyễn Văn Thân 8 sào, Nguyễn Văn Hồng 2 mẫu... không chỉ đạt năng suất trên 2 tạ/sào mà còn giảm được chi phí giống, ngày công lao động. Theo Chủ nhiệm HTX, người dân đã sớm áp dụng phương thức gieo vãi nên cũng dễ tiếp thu phương pháp gieo mạ khay, mạ ném.

Bởi các phương pháp này đều có tính ưu việt vượt trội hơn hẳn so với cấy lúa. Vụ mùa năm nay, tòan xã có trên 20% diện tích (khoảng 5ha) được áp dụng bằng phương pháp mạ khay mạ ném, trong đó thôn Xuân Phong thực hiện nhiều nhất tới 30ha. Chị Đỗ Thị Liên, thôn Xuân Phong cho biết: mọi năm chị thực hiện theo 2 phương pháp là gieo vãi và cấy lúa nhưng vụ mùa năm 2012 chị đã mua 200 khay làm mạ với giá trên 500.000đồng để thực hiện cho 6 sào, diện tích còn lại chị tiến hành gieo vãi. Đến ngày 10/7, chị đã gieo vãi xong 2 sào và đã hòan chỉnh khâu làm đất cho diện tích mạ ném, chỉ chờ mạ đủ ngày tuổi sẽ đem ra ném. Theo chị Liên, kỹ thuật làm mạ khay không khó, chỉ lưu ý trước khi rắc, mạ khay phải được gạt phẳng mặt, tới lúc ném sẽ không bị giắt và đều mạ. Hay hộ bác Nguyễn Thị Lâm cùng thôn với chị Liên đã áp dụng phương pháp gieo mạ khay 4 năm nay cũng cho rằng: phương pháp này vừa cho năng suất cao hơn lúa cấy, lại không mất công cấy, thời vụ được đẩy nhanh hơn, một mình bác có thể ném từ 5-6 sào/ngày. Do đó 6 sào lúa mùa nhà bác năm nào năng suất cũng đạt trên 2 tạ/sào với các giống chủ yếu như Q5, TBR1...

Với cách làm trên, xã Đông Lĩnh đã cơ bản giải quyết được khâu thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ không phải mất công thuê, khoán với giá gần 200.000 đồng/sào, thực hiện ném mạ chỉ mất 15 – 20 phút/sào/người trong khi lúa cấy phải mất trên dưới chục tiếng đồng hồ/sào/người. Trong vài ngày tới, xã Đông Lĩnh sẽ đồng loạt gieo cấy lúa mùa đại trà, phấn đấu tới ngày 25/7 sẽ cơ bản gieo cấy xong.


Có thể bạn quan tâm

chong-ret-cho-ma-xuan Chống rét cho mạ xuân ban-cach-diet-ray-hai-lua Bàn cách diệt rầy hại…