Phương pháp lắng lọc trong ao nuôi
Ngày nay, người nuôi ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc lắng lọc trong ao nuôi. Trong đó, có một số giải pháp lắng lọc ao nuôi đang mang lại hiệu quả như sử dụng cá rô phi, lọc tuần hoàn…
Trong ảnh: Bể ương tôm áp dụng phương pháp lọc tuần hoàn Ảnh: Trần Út
Tác dụng
Ao lắng trong nuôi trồng thủy sản ngày càng được sử dụng phổ biến và được xem là một yêu cầu kỹ thuật bắt buộc trong hệ thống nuôi, đặc biệt là các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh. Bởi, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay cùng với tình hình dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều, ao lắng đóng một vai trò quan trọng cho toàn bộ quá trình nuôi.
Sử dụng ao trữ lắng nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng nước trước khi cấp vào ao nuôi chính. Ao lắng có tác dụng loại bỏ các chất rắn thô và lơ lửng từ nguồn nước cấp và kênh mương thoát nước trước khi vào ao nuôi; Cùng đó, ao lắng cũng giúp cho việc giữ và rửa bùn cặn trong ao. Đồng thời, nước khi qua ao lắng sẽ làm giảm số lượng mầm bệnh, giải quyết cơ bản những mối nguy hại và tồn dư của các hóa chất sát trùng, diệt khuẩn trước khi cấp vào ao nuôi. Ao lắng còn là nơi lắng lọc các chất kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp nhất là trong các điều kiện thời tiết không thuận lợi như triều cường dâng, lũ lụt, mưa trái mùa… và là nơi dữ trự nước hiệu quả vào lúc hạn hán, xâm nhập mặn.
Yêu cầu khi cấp nước từ ao lắng vào ao nuôi gồm: Nước phải chứa một tuần trước khi qua sử dụng, nếu không sử dụng hóa chất xử lý; còn nước được xử lý Chlorine phải lắng 5 - 10 ngày trước khi đưa vào ao. Chỉ lấy nước vào ao chính khi kiểm tra nguồn nước phù hợp với nước ao nuôi. Theo các khuyến cáo, thông số hợp lý là ao lắng có diện tích bằng 20 - 30% diện tích ao nuôi.
Lọc nước bằng cá rô phi
Đây là một phương pháp lọc sinh học trong nuôi tôm hay còn gọi là biện pháp nuôi tôm nước xanh được áp dụng khá phổ biến tại nước ta. Bởi, sử dụng cá rô phi cũng là giống cá tốn ít chi phí, lại có hiệu quả trong việc lấy nước nuôi tôm tốt nhất và dễ làm nhất. Bằng cách nuôi cá rô phi trong ao lắng, từ đó giúp nước được đảm bảo vệ sinh trước khi nuôi, giảm bớt tối đa sự phát sinh mầm bệnh xảy ra, giúp tăng năng suất tôm nuôi. Một số lưu ý kỹ thuật cần áp dụng gồm: Ao lắng nuôi cá rô phi có diện tích 20 - 25% diện tích mặt nước nuôi; Mật độ cá rô phi thả nuôi 4 - 5 con/m2, không cho cá ăn trong suốt quá trình nuôi. Ao được thiết kế theo kiểu tuần hoàn. Nước ao nuôi sau khi thay được chảy sang ao nước thải; ở đây nước được lắng cặn một phần, sau đó được bơm sang ao lắng. Ở ao lắng cá rô phi hoạt hóa để có chất lượng tốt cung cấp lại cho ao nuôi. Cá rô phi được nuôi trong ao lắng ít nhất một tháng trước khi thả tôm giống để ổn định môi trường nước. Cấp nước từ ao lắng vào cung cấp cho hệ thống nuôi tôm đến khi mực nước đạt 1,2 - 1,5 m. Trong quá trình nuôi, định kỳ bổ sung nguồn nước từ ao lắng vào ao nuôi một tuần một lần. Sau khi cấp nước từ ao lắng vào hệ thống nuôi, cần bổ sung nước vào hệ thống ao lắng, để có thời gian cá rô phi hoạt hóa, để có nước đảm bảo chất lượng cung cấp cho ao nuôi tôm.
Hệ thống lọc tuần hoàn (RAS)
Hệ thống lọc tuần hoàn từ lâu đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Với ưu điểm là tiết kiệm nước, tỷ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường (trên 100 kg/m3), chất lượng cá nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường. RAS bao gồm một dây chuyền các quá trình bổ sung, cho phép lượng nước thải được tái sử dụng cho các bể nuôi. Hệ thống RAS bao gồm bể cá nuôi, bể lọc lắng, cơ học, bể lọc sinh học, hệ thống đường ống cấp, thoát nước và sục khí. Và được phân làm 2 loại là hệ thống nước một phần (10 - 70% lượng nước tuần hoàn/ngày) và hệ thống nước hoàn toàn (thay nước ít hơn 10% lượng nước/ngày). Trong suốt quá trình nuôi, nước sẽ tuần hoàn trong một hệ thống kín và hoàn toàn không thay nước, chỉ một lượng nhỏ nước mới được cấp thêm vào hệ thống để bù đắp cho lượng nước hao hụt do bốc hơi. Lượng nước cấp này tùy thuộc việc sử dụng hệ thống nước một phần hay hoàn toàn. Hệ thống lọc phải được vận hành liên tục suốt vụ nuôi (3 - 5 tháng), hệ thống sục khí phải được duy trì hằng ngày, do vậy nguồn điện cung cấp cho hệ thống bơm nước phải luôn ổn định. Sau khi vận hành hệ thống lọc tuần hoàn 3 ngày trở lên thì thả cá giống vào bể và cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, lượng thức ăn được điều chỉnh theo sức ăn của cá. Tại nước ta, RAS được cải tiến, áp dụng trong các trại sản xuất giống tôm từ năm 2000, nhất là các trại giống ở ĐBSCL. Hiện có hơn 50 trại tôm giống, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam áp dụng hệ thống sản xuất giống lọc sinh học tuần hoàn. Công nghệ RAS trong nuôi trồng thủy sản đang được ứng dụng tại Việt Nam dựa trên nguyên lý công nghệ và có cải tiến để phù hợp thực tế. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng nước phải đảm bảo nghiêm ngặt, vì sự suy giảm chất lượng sẽ dễ dàng dẫn đến các tiêu cực như: tăng trưởng của cá, nguy cơ xuất hiện bệnh. Tốn kém chi phí vận hành và duy trì hoạt động cũng như đòi hỏi công nhân sản xuất phải được đào tạo nên hệ thống này vẫn chưa được áp dụng phổ biến.
>> Muốn có được nguồn nước sạch phục vụ nuôi thủy sản trong tình hình dịch dệnh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay, mỗi hộ nuôi cần chú ý đầu tư cho khu nuôi của mình một diện tích đất phù hợp, thiết kế ao lắng một cách khoa học theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn là điều vô cùng cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ