Tin thủy sản Quản lý đất ao nhiễm phèn nâng cao năng suất tôm nuôi

Quản lý đất ao nhiễm phèn nâng cao năng suất tôm nuôi

Tác giả Thái Hà, ngày đăng 22/11/2017

Người nuôi cần quản lý tốt đất ao nhiễm phèn, từ đó có những tác động kỹ thuật tạo ra môi trường thuận lợi, phù hợp cho sự phát triển tôm nuôi, góp phần tăng năng suất.

Đất phèn gây khó cho người nuôi tôm, không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng tới năng suất. Ảnh minh họa

Vùng đất phèn khi quan sát có thể dễ dàng nhận ra, vì nền đất thường có màu xám đen, khi phơi khô đất thường có phấn trắng, trong nước ao thường có màu đỏ nhạt (màu của sắt). Vùng đất phèn thường có pH thấp, hàm lượng can xi trong nước không cao, ảnh hưởng lớn đến sự tạo vỏ của tôm. Mặt khác, đất phèn còn làm mất cân bằng áp suất thẩm thấu giữa tôm và môi trường nước, làm tôm khó lột vỏ. Đất phèn tạo ra môi trường a xít ngăn cản quá trình hoạt hóa của các enzyme trong cơ thể, làm tôm chậm lớn, giảm năng suất thu hoạch. 

Nước phèn làm giảm khả năng gắn kết giữa ôxy và hợp chất Hb (Hemoglobin) trong máu tôm. Để tồn tại được, tôm phải tăng tần suất hô hấp, dẫn đến tiêu hao nhiều năng lượng, giảm sự sinh trưởng của tôm. Hợp chất phèn lơ lửng trong nước sẽ bám vào mang, cản trở quá trình hô hấp của tôm, đặc biệt khi tôm còn nhỏ.

Khi ao bị nhiễm phèn, pH hạ thấp, hàm lượng khí độc trong nước sẽ độc hơn, ức chế quá trình hô hấp của tôm; mặt khác, các nguyên tố sắt và nhôm sẽ kết hợp với phốt pho (lân) tạo thành một hợp chất khó tan, giảm nguồn dinh dưỡng trong nước, làm cho ao khó gây màu, theo thông tin Trung tâm Thông tin KH & CN TP Hải Phòng. 

Đối với ao nuôi bị nhiễm phèn khi nuôi, tôm thường khó lột xác hoặc lột xác bị dính vỏ nhiều (giai đoạn 1 - 2 tháng), tỷ lệ phân đàn và hao hụt lớn. Do vậy không nên thả tôm mật độ dày, chỉ thả mật độ 15 - 20 con/m2 (tôm sú) và 40 - 60 con/m2 (tôm thẻ chân trắng) để hạn chế ảnh hưởng đến tôm khi xử lý môi trường.

Để phòng tính phèn cao ở ao nuôi tôm, giai đoạn đầu vụ nuôi dễ bị nhiễm lại phèn, không những ảnh hưởng đến sự ổn định của môi trường nước mà khi gặp điều kiện môi trường ôxy thấp sẽ dễ chuyển thành chất có hại H2S, ảnh hưởng lớn đến tôm. Phòng hiện tượng nhiễm lại phèn, nên kết hợp sử dụng phương pháp nâng cao ôxy, sử dụng vôi nung, cung cấp dinh dưỡng, sử dụng vi khuẩn quang hợp (EM), theo thông tin từ Hiệp hội tôm giống Bình Thuận. 

Ngoài ra, trong quá trình cải tạo ao, rải canxi, magie, photpho; đây cũng là một phương pháp tốt, sử dụng canxi, magie, photpho không tan trong nước nhưng tan trong môi trường axit yếu. Có thể sử dụng phương pháp nén phèn của người trồng lúa để nén phèn: Dùng canxi, magie, photpho 5 kg/1.000 m3, ao đáy đất cát sử dụng 3.5 kg/1.000 m3. Ao đáy cát sử dụng 2 kg/1.000 m3.

Để cải tạo đáy ao, phơi đáy ao là phương pháp cải tạo đáy ao tốt nhất mà không tốn kém; cũng là cách diệt khuẩn tốt nhất, tiết kiệm nhất. Mỗi năm, sau khi thu hoạch, nên kịp thời tháo nước để phơi đáy ao, cho lớp bùn đen tầng đáy ao ôxy hóa chuyển thành màu trắng. Thời gian phơi ao không dưới một tháng.

Sau khi phơi, tiến hành ngâm đáy ao, rửa những chất có hại trong ao, lần ngâm đầu tiên 7 - 10 ngày. Sau khi ngâm, phơi, tháo cạn nước rải vôi, cày bừa: Ao đáy cát sử dụng 52 kg/1.000 m2; đáy ao đất, cát sử dụng 112 kg/1.000 m2; đáy ao đất sử dụng 150 kg/1.000 m2; sau đó cày bừa đáy ao. Tốt nhất nên ngâm rửa ao nhiều lần. Thông qua nhiều lần cày, phơi, ngâm, sẽ loại bỏ được mùi hôi trong đáy ao, khôi phục được môi trường lành mạnh, giup tăng năng suất tôm nuôi. 


Có thể bạn quan tâm

xu-ly-rong-day-ao-nuoi-tom-gop-phan-tang-nang-suat Xử lý rong đáy ao… ca-tra-sach-tu-ao-nuoi-den-ban-an Cá tra sạch từ ao…