Tin thủy sản Quản lý hệ thống lồng nuôi biển

Quản lý hệ thống lồng nuôi biển

Tác giả Ban KHKT, ngày đăng 17/04/2021

Hỏi: Vị trí đặt lồng nuôi cá chim vây vàng trên biển thích hợp? (Phạm Văn Hùng, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) 

Trả lời:

Nuôi cá lồng là hệ thống nuôi mở, môi trường nuôi chính là tự nhiên; do đó, sẽ có các mối tương tác giữa lồng nuôi và môi trường về cả hai chiều, lồng nuôi tác động đến môi trường và ngược lại. Vì vậy, cần lựa chọn địa điểm đặt lồng có chất lượng nước tốt. Không chỉ không bị ảnh hưởng từ ô nhiễm công nghiệp, mà còn phải đáp ứng các yêu cầu sinh học đối với đối tượng nuôi. Các tiêu chí này bao gồm: nhiệt độ, độ mặn và ôxy hòa tan (DO) thích hợp, cần thiết cho loài nuôi. Nước không được có chất rắn lơ lửng vượt quá ngưỡng, hạn chế xuất hiện hiện tượng tảo nở hoa và sự hiện hữu của các sinh vật gây bệnh. Lồng nuôi phải được đặt ở nơi có độ sâu thích hợp để tối đa hóa sự trao đổi nước và giữ khoảng cách an toàn với đáy biển. Với lồng nổi, có thành lưới sâu 5 m, cần độ sâu khi thủy triều thấp nhất tối thiểu 8 m. Lồng có thể đánh chìm với độ cao sóng khoảng 10 m, thì cần độ sâu tối thiểu 25 m. Tránh nơi sóng to, gió lớn như sóng cao trên 2 m và tốc độ dòng chảy lớn vì như vậy có thể làm hư hỏng lồng nuôi, trôi thức ăn, làm cho cá hoạt động yếu gây chậm lớn và dễ sinh bệnh.

Hỏi: Trong quá trình nuôi, cần quản lý hệ thống lồng HPDE như thế nào? (Nguyễn Tấn Lợi, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)

Trả lời:

Mỗi lồng trong trại nuôi phải được kiểm tra hàng ngày, điều quan trọng nhất là kiểm tra lưới. Lưới được làm từ các vật liệu kém bền hơn so với các phần khác và chúng có thể bị hư hỏng bởi nhiều yếu tố. Vì vậy, cần kiểm tra và phải đảm bảo rằng: Không có chỗ bị sờn, rách; Lưới không bị tắc bởi các sinh vật bám bẩn; Lưới được lắp đặt đúng cách, dây không bị mòn hoặc bám bẩn, hoạt động hợp lý. Cùng đó, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống dây neo, vòng khung lồng để phát hiện hư hỏng, kịp thời sửa chữa, đặc biệt là trước, sau đợt gió bão. Các lưới bị bám bẩn, các mắt lưới bị tắc làm giảm khả năng trao đổi nước vào lồng lưới và cần được vệ sinh sạch sẽ. Lưới cần được làm sạch để duy trì tính năng khi không thể thay mới. Hiện, việc vệ sinh lưới thường theo phương pháp sử dụng máy phụt nước áp lực cao. Ngoài ra, để quản lý tối ưu lồng nuôi nổi, cần có phương pháp lưu trữ hồ sơ. Cần lưu trữ các giấy tờ gốc của các bộ phận, ngày, tháng lắp đặt. Việc làm này sẽ cho phép người nuôi theo dõi các hoạt động bảo trì và thay thế các bộ phận đã quá hạn.


Có thể bạn quan tâm

tien-giang-lam-giau-tu-nghe-ca-kho-truyen-thong Tiền Giang - Làm giàu… nuoi-tom-thoi-cong-nghe Nuôi tôm thời công nghệ