Quảng Bình cần gỡ khó cho doanh nghiệp thu mua cá
Theo bà Năm, từ nhiều năm nay, tại cảng cá Nhật Lệ đã hình thành nên chợ đầu mối cung cấp hải sản biển cho các địa phương trong tỉnh và xuất ra tỉnh bạn. Chính vì vậy, tại cảng cá này có 2 DN (Dũng Đức Tài và Đức Hiếu) chuyên thu mua hải sản cho ngư dân và phân phối cho các cơ sở nhỏ lẻ tại các chợ trên địa bàn toàn tỉnh.
Vì vậy, 2 DN này luôn có hải sản đông lạnh dự trữ nhằm phân phối đủ cho thị trường. “Nếu chúng tôi không trữ hàng thì thời gian tàu cá chưa về nguồn hải sản khan hiếm sẽ tạo nên sốt giá trên thị trường ngay”, bà Năm nói.
Trước khi tình hình cá biển chết bất thường xảy ra, 2 DN đã mua dự trữ ở kho lạnh gần 500 tấn hải sản (trong đó DN Dũng Đức Tài có 270 tấn, còn lại là của DN Đức Hiếu).
Trong thời gian cá chết vừa qua thì hàng không thể xuất bán được vì người dân không ai dám mua và ăn cá. Khi có chủ trương các DN được thu mua, vận chuyển và bán hải sản biển trên căn cứ có giấy chứng nhận sản phẩm an toàn thì toàn bộ lô hàng gần 500 tấn nói trên không nằm trong diện được cấp giấy...
Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Cty Đức Hiếu cho hay: “Hai DN chúng tôi được UBND TP Đồng Hới giao nhiệm vụ mở các điểm bán cá an toàn trên địa bàn TP. Những ngày đó, chúng tôi thu mua cá cho tàu ngư dân cập cảng và đưa ra các điểm bán. Tuy nhiên, hàng tồn trong kho cấp đông phải để nguyên chứ không đưa ra bán cho bà con được”.
Số hải sản tồn đọng trong hai kho cấp đông của doanh nghiệp gồm các loại cá ngừ (giá bán 50.000 đồng/kg), bạc má (45.000 đồng/kg) và một vài loại cá khác với giá bán thấp hơn… có tổng trị giá khoảng 6-7 tỉ đồng. Bà Năm cho biết: “Số cá này được thu mua từ trước khi xảy ra vụ cá chết nên chưa được xác nhận nguồn gốc, chưa có giấy chứng nhận hải sản an toàn. Do số lượng tồn đọng quá lớn nên doanh nghiệp không còn vốn để tiếp tục thu mua hải sản cho bà con ngư dân, và cũng không còn kho để chứa nữa”.
Hải sản cấp đông tồn kho của DN Dũng Đức Tài
Tại cảng cá Sông Gianh (xã Thanh Trạch - huyện Bố Trạch) cũng đang có trường hợp tương tự. Theo bà Hoàng Thị Hương - Giám đốc Cty Phước Sang thì các DN ở đây cũng tồn một lượng hải sản trong kho lạnh cũng gần 500 tấn. “Riêng công ty của tôi tồn gần 200 tấn”, bà Hương cho biết.
Trước khó khăn này của các DN thu mua hải sản, ông Mai Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Quảng Bình cho biết, với các loại hải sản thu mua từ trước khi xảy ra vụ cá chết, chỉ cần DN làm đơn gửi lên Chi cục, Chi cục sẽ cử cán bộ về tận nơi xem xét.
“Chi cục sẽ tiến hành xác minh nguồn gốc, kiểm định chất lượng hải sản. Nếu đạt các quy định thì Chi cục cấp ngay giấy chứng nhận hải sản an toàn để doanh nghiệp bán được hàng”, ông Minh nói.
Trong chuyến công tác tại Quảng Bình mới đây của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, một số DN cũng đã trao đổi với Bộ trưởng về những khó khăn này.
Chia sẻ với DN, Bộ trưởng đã chỉ đạo giao cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN-PTNT Quảng Bình) báo cáo cụ thể và phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) để lấy mẫu xét nghiệm các lô hàng cấp đông và cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, tạo điều kiện cho DN.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ