Tin thủy sản Quảng Bình tăng cường công tác thú y thủy sản

Quảng Bình tăng cường công tác thú y thủy sản

Tác giả Hà Kiều, ngày đăng 24/06/2016

Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, kèm theo những đợt mưa giông làm môi trường các ao nuôi trồng thủy sản thay đổi đột ngột, nên thủy sản nuôi bị sốc, giảm sức đề kháng dẫn đến mầm bệnh phát sinh. Tính đến ngày 10/6/2016 dịch bệnh Đốm trắng trên tôm nuôi tại Quảng Bình đã xảy ra với tổng diện tích 23,64ha.

Tuy dịch bệnh đã được khống chế kịp thời, hạn chế lây lan ra diện rộng, nhưng tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người nuôi; việc lạm dụng các loại hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi gây tồn dư, mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, hiện tượng cá tự nhiên chết bất thường chưa xác định được nguyên nhân đã làm ảnh hưởng đến quá trình thả giống, lấy nước.

Để chủ động ứng phó trước tình hình dịch bệnh đối với nuôi trồng thủy sản, đảm bảo yêu cầu phát triển thủy sản bền vững; thực hiện Chỉ thị số 4361/CT-BNN-TY ngày 30/5/2016 của Bộ NN và PTNT về việc tăng cường công tác thú y thủy sản, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở NN và PTNT tỉnh chỉ đạo rà soát thực hiện quy hoạch vùng nuôi hợp lý, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh, quan trắc cảnh báo môi trường để chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh.

Sở NN và PTNT cũng cần hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh; tăng cường cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy trình nuôi trồng thủy sản; kịp thời phát hiện bệnh để tổ chức triển khai chống dịch một cách có hiệu quả.

Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư trong nuôi thủy sản (con giống, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học...), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Tiếp tục theo dõi việc quan trắc, lấy mẫu và phân tích nước biển ven bờ của các cơ quan chức năng để có hướng dẫn việc lấy nước, thả giống nuôi trồng thủy sản; dự trù vật tư, hóa chất, kinh phí và tập trung nguồn lực để triển khai phòng chống dịch bệnh đặc biệt là các loại dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản.

UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức rà soát, chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản; tăng cường công tác quản lý vùng nuôi, thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh; tuyên truyền cho người nuôi trồng thủy sản, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản áp dụng đồng bộ các giải pháp nuôi tôm an toàn dịch bệnh, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh; sử dụng thuốc thú y thủy sản nằm trong danh mục cho phép, hợp lý để tránh tồn dư hóa chất, kháng sinh gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với các địa phương có diện tích thủy sản nuôi bị bệnh: Kịp thời thông báo cho cơ quan thú y; đồng thời khẩn trương hướng dẫn các hộ nuôi thu gom, xử lý, khử trùng tiêu độc ao nuôi có sự giám sát của cán bộ thú y tránh lây lan ra diện rộng; cải tạo, xử lý môi trường trước khi thả giống đúng quy trình, lịch thời vụ theo Sở NN và PTNT.


Có thể bạn quan tâm

ton-2-nam-va-500-trieu-dong-van-khong-vay-duoc-von-67 Tốn 2 năm và 500… noi-buon-cua-nhung-vua-trang-trai Nỗi buồn của những vua…