Tin thủy sản Quảng Nam: Nuôi bào ngư thương phẩm ở Cù Lao Chàm

Quảng Nam: Nuôi bào ngư thương phẩm ở Cù Lao Chàm

Tác giả Thạch Hà, ngày đăng 03/10/2017

Lần đầu tiên, bào ngư vành tai được nuôi thương phẩm thí điểm tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP Hội An), do Viện Nghiên cứu NTTS III phối hợp với Sở NN&PTNT và TP Hội An tổ chức, kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản ở Quảng Nam.

Bao ngư là hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản ở Quảng Nam 

Điều kiện thuận lợi

ThS Nguyễn Văn Giang, cán bộ phụ trách mô hình của Viện Nghiên cứu NTTS III cho biết, bào ngư vành tai phân bố ở vùng biển các tỉnh miền Trung, kéo dài đến Côn Đảo, Phú Quốc tới quần đảo Trường Sa. Độ mặn, dòng thủy triều cũng như chuyển động sóng ở Cù Lao Chàm khá lý tưởng để bào ngư phát triển. Trên cơ sở khảo sát và nghiên cứu chuyên sâu, Viện đã hỗ trợ 5 hộ dân tham gia mô hình ở xã đảo Tân Hiệp 30.000 con giống bào ngư, 50% chi phí thức ăn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cùng các vật liệu phụ trợ để người dân yên tâm nuôi bào ngư. Mục đích tạo sinh kế mới cho người dân, phát triển thủy sản bền vững; vì bào ngư trong tự nhiên hiện nay cạn kiệt, dù giá trị kinh tế rất cao. Nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình ra các tỉnh duyên hải miền Trung, vùng biển Trường Sa. Bào ngư có thể nuôi trong lồng bè, trong bể xi măng, nuôi thả đáy dọc theo bờ biển.

Kỳ vọng từ hướng đi mới

Ông Trần Láng ở thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp là một trong số 5 hộ dân dân nuôi thí điểm cho biết, mặc dù đã quen với bào ngư trong tự nhiên ở Cù Lao Chàm nhưng ông Láng cùng các hộ dân tham gia mô hình phải chuẩn bị kỹ càng trước khi thả nuôi. Trên lồng nuôi bào ngư kín, ông thiết kế nắp, buộc chắc bằng dây, có thể linh hoạt đóng mở khi cần. Trong lồng nuôi, thiết kế các ống nhựa PPC được xẻ đôi, có màu tối, đường kính 200 mm, giúp bào ngư tiện bám, thuận lợi cho sinh trưởng.

Lồng nuôi bào ngư được treo trên bè nổi, cách nhau 0,5 cm, ở độ sâu 2 - 5 m. Bè nuôi được thiết kế di động để có thể di chuyển đến nhiều nơi khi có mưa bão hoặc sóng lớn. Bào ngư ăn rong biển mỗi ngày 3 lần và thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, vớt thức ăn thừa ra bên ngoài. Bào ngư giống có kích cỡ 5 mm với mật độ 100 con/lồng nuôi. Khi bào ngư đạt kích cỡ 20 mm sẽ chuyển chúng sang lồng nuôi khác có kích cỡ lưới thưa hơn, bố trí 30 - 50 con/lồng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, ấu trùng bào ngư (Trochophore, Veliger) không ăn thức ăn ngoài, sinh trưởng dựa vào nguồn noãn hoàng của trứng. Ấu trùng bám (Spat) bắt đầu ăn các loại khuê tảo đơn bào sống đáy có kích thước nhỏ đến 5 mm. Khi chiều dài vỏ đạt 5 mm, bào ngư bắt đầu ăn thêm các loại rong biển như rong câu, rong nâu, rong lục và rong mơ. Sau một năm thì bào ngư được thu hoạch, bán thương phẩm. Trung tâm khuyến cáo các hộ dân thường xuyên theo dõi các yếu tố độ mặn, nhiệt độ, màu nước biển, nếu thấy bất thường thì áp dụng các biện pháp ổn định môi trường nước như đã tập huấn. Vào mùa mưa lũ, nếu nước đục, sóng lớn thì người nuôi nhanh chóng đưa lồng bè nuôi bào ngư đến nơi đảm bảo. Người nuôi nên thường xuyên vệ sinh lưới, vật bám vào lồng bè, diệt trừ địch hại xung quanh lồng bè nuôi bào ngư. ThS Nguyễn Văn Giang cho biết: “Sau quá trình nghiên cứu lâu năm từ tạo con giống nhân tạo cho đến thử nghiệm nuôi trên biển, chúng tôi quyết định triển khai mô hình, mục đích tạo sinh kế mới cho người dân. Nếu thành công, sẽ nhân rộng ra các tỉnh duyên hải miền Trung, vùng biển Trường Sa. Bào ngư có giá trị kinh tế rất cao nhưng đã cạn kiệt trong tự nhiên nên cần nuôi, tạo hướng phát triển thủy sản bền vững”.

>> Ông Trần Láng cho biết: “Bào ngư vành tai nuôi lồng bè thích ứng với môi trường biển Cù Lao Chàm nên phát triển nhanh. Chúng tôi đặt niềm tin mô hình sẽ là sinh kế mới, ổn định cho gia đình, bởi bào ngư thương phẩm được bán ở đây với giá 500 nghìn đồng/kg”.


Có thể bạn quan tâm

huong-den-nen-nong-nghiep-cong-nghe-cao Hướng đến nền nông nghiệp… tom-giong-cp-viet-nam-tu-thuong-hieu-toi-dang-cap Tôm giống C.P. Việt Nam:…