Tin nông nghiệp Rau cần VietGAP xuất khẩu sang Hàn Quốc sạch thế nào

Rau cần VietGAP xuất khẩu sang Hàn Quốc sạch thế nào

Tác giả Việt Tùng, ngày đăng 21/12/2015

Thương hiệu rau cần Hoàng Lương không chỉ hút khách trong nước, mà còn được thị trường Hàn Quốc ưa chuộng, bởi thứ rau cần VietGAP này rất thích hợp để làm món kim chi, ăn lẩu trong những ngày giá rét.

Chúng tôi về Hoàng Lương vào một ngày cuối năm, trong cái lạnh xuyên thủng mấy lần áo.

Đi từ đầu làng đến cuối xã, đâu cũng bắt gặp người gánh, kẻ thồ, ô tô chở đầy ắp rau cần trắng nõn ngược xuôi hối hả, hai bên là những dãy nhà cao tầng, biệt thự khang trang, đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, tựa như phố.

Ông Nguyễn Văn Quế – Chủ tịch UBND xã Hoàng Lương cho biết, nghề trồng rau cần có ở Hoàng Lương khoảng 20 năm, song 10 năm trở lại đây mới thực sự phát triển và trở thành cây hàng hóa và làm giàu của người dân nơi đây.

Sau nhiều năm nỗ lực sản xuất sạch, sản xuất theo quy trình VietGAP, đầu năm 2014 rau cần Hoàng Lương đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KHCN) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, với thương hiệu tập thể Rau cần Hoàng Lương.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng trồng rau cần VietGAP ở thôn Thanh Lâm, trên cánh đồng bát ngát rau cần, người dân đã chia thành ô, bê tông be bờ kiên cố, trông như những vuông tôm vậy.

Ở đó, người bó, kẻ nhổ, có ô thì đang trồng mới, không khí làm việc vui vẻ, cười nói râm ran như đi hội.

Theo ông Tập, năm nay người dân trồng rau cần vừa được mùa, được giá.

Nếu các năm trước rau cần tại ruộng có giá chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg, thì nay là 12.000 đồng/kg mà vẫn không có rau để bán.

Ông Tập nhận định, sở dĩ năm nay rau cần được giá, bởi tháng trước mưa nhiều, nhiều loại rau khác mất mùa, dẫn đến thiếu rau.

Hơn nữa, rau cần Hoàng Lương ngày càng được sản xuất sạch, an toàn hơn và một lý do nữa đây là đợt rét đầu đông, nhu cầu ăn lẩu nhiều nên “cháy” rau, dẫn đến giá đội trần.

Một thông tin vui nữa đã và đang đến với người trồng rau cần ở xã Hoàng Lương là năm 2014 một doanh nghiệp đã xuất khẩu được 2 container khoảng 20 tấn rau cần sang thị trường Hàn Quốc để làm kim chi - món khoái khẩu của người dân nơi đây và đã được thị trường đón nhận.

Theo ông Ngô Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc sang đặt vấn đề thử chất đất, khí hậu, nguồn nước… để hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau cần quy mô lớn.

“Dự kiến họ sẽ đưa công nghệ cao vào để sản xuất rau cần.

Nếu các dự án này trở thành hiện thực, thì giá trị của các cánh đồng rau cần không chỉ là 500 triệu đồng/ha/năm, mà có thể đạt tới 1 tỷ đồng/ha/năm” – ông Dũng nhận định.

Anh Quách Văn Hoàng, chủ đại lý ở thôn Thanh Lâm, người đã từng xuất khẩu 2 container hơn 20 tấn rau cần sang Hàn Quốc hồi năm ngoái tự tin nói: “Rau cần Hoàng Lương khi sang Hàn Quốc rất được ưa chuộng bởi sự an toàn, ngon, giòn.

Tuy nhiên, do còn vướng một số thủ tục quy định của nước này nên đối tác tạm dừng việc nhập khẩu.

Nếu không có gì thay đổi, năm 2016 đối tác sẽ nhập khẩu rau cần trở lại”.

Dưới đây là những hình ảnh Dân Việt ghi lại về quy trình sản xuất rau cần VietGAP với tiêu chí “sạch từ sản xuất đến bàn ăn”:

Anh Nguyễn Văn Tự, thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vui vẻ khi năm nay rau cần vừa được mùa được giá.

Anh Tự cho biết, hiện anh đang trồng 1,3 mẫu rau cần theo quy trình VietGAP.

Có nghĩa rau phải sạch từ giống, bón hoàn toàn bằng phân chuồng ủ hoai mục, phân vi sinh, thuốc BVTV sinh học, chứ không sử dụng thuốc hóa học.

Rau cần có thời gian sinh trưởng từ 45 – 50 ngày/lứa (năm 4 lứa) với vốn đầu tư chỉ vài triệu đồng/sào.

Ông Nguyễn Văn Tập – Cán bộ Khuyến nông xã Hoàng Lương cho biết, phân bón cho rau cần được sử dụng 100% phân bón vi sinh có chất lượng cao.

Tất cả các ruộng rau cần ở xã Hoàng Lương đều đã được bê tông hóa, để tiện giữ nước, bởi loại rau cần rất ưa nước, rau mọc đến đâu nước phải dâng theo tới đó thì cây rau mới trắng, ăn ngon, giòn.

Sau 45 – 50 ngày, rau cần sẽ cho thu hoạch, trung bình mỗi sào thu khoảng 1,5 – 1,6 tấn, nhân với giá 12.000 đồng/kg tại ruộng, tương đương khoảng 60 – 70 triệu đồng/sào/năm. Sau khi rửa sạch, rau được bó thành bó loại 0,5 – 1kg tùy theo yêu cầu của khách hàng. 

Những ngày gần đây, rau cần được giá “cháy” hàng, nên nhiều thương lái ra tận ruộng để mua rau. 

Nhiều người chưa chở ra khỏi đồng đã có thương lái “chặn” mua, với giá cao gấp đôi năm ngoái.

Mặc dù giá cao, nhưng nhiều người vẫn không bán tại ruộng, mà đưa về các đại lý trong xã để bán với giá cao hơn, hoặc trực tiếp chở đi giao cho các chợ đầu mối ở Hà Nội, thậm chí vào tận Nghệ An.

Rau cần đạt chất lượng phải có độ dài từ 50 – 60cm, thân trắng nõn, lá xanh, giòn.

Anh Quách Văn Hoàng, chủ đại lý ở thôn Thanh Lâm (Hoàng Lương) cho biết, mỗi ngày anh thu mua rau cần của bà con khoảng 10 tấn, lúc cao điểm 20 – 30 tấn/ngày, rồi sơ chế đóng gói mỗi túi 10kg, rồi xuất đi các thị trường như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An…

Chị Nguyễn Thị Lý – Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Lý Hùng ở thôn Thanh Lương (Hoàng Lương) cho biết, mỗi ngày HTX sơ chế, đóng gói rồi nhập cho các chợ đầu mối ở Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương… khoảng 6 tấn rau cần.

Ông Ngô Văn Duyên – Bí thư chi bộ thôn Thanh Lương (Hoàng Lương) cho biết, hiện thôn có khoảng 80% số hộ trồng rau cần, với khoảng 60ha, nhiều hộ trồng tới 2 mẫu, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Nhờ đó đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15% năm 2013, xuống còn 3% năm 2015, số hộ khá giả chiếm 60%.

Nhờ trồng rau cần theo quy trình VietGAP, nhiều hộ đã có của ăn của để, hàng loạt ngôi nhà cao tầng, biệt thự mọc lên từ tiền bán rau cần.

Nhờ có mô hình trồng rau cần và nuôi cá giống, mà đời sống của người dân xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã đổi thay rõ rệt.

Cụ thể trong xây dựng NTM, người dân đã đóng góp hàng tỷ đồng, giúp xã sớm hoàn thành các tiêu chí và về đích xã NTM vào cuối năm 2015.

Theo ông Nguyễn Văn Tập – Cán bộ Khuyến nông xã Hoàng Lương, hiện cả xã có khoảng 200ha rau cần, chủ yếu tập trung ở 5 thôn: Thanh Lâm, Đại Thắng, Thanh Lương, Đồng Hoàng và Ninh Giang.

Với hiệu quả của mô hình, tháng 5.2013, UBND huyện Hiệp Hòa đã ký Quyết định thành lập “Hội sản xuất và tiêu thụ rau cần” do ông Nguyễn Văn Tỉnh làm Chủ tịch Hội.

Ông Tỉnh cho hay, lúc đầu Hội có 128 hộ, với 248 thửa ruộng sản xuất, trên diện tích hơn 120ha và hiện nay lên đến hàng trăm hộ, canh tác khoảng 200ha.

Không chỉ canh tác trên đất của xã, người dân còn thuê đất ở xã Hoàng Thanh, Hoàng An (Hiệp Hòa), thậm chí sang cả xã Kha Sơn, Thanh Ninh (Phú Bình, Thái Nguyên) để thuê đất trồng rau cần.


Có thể bạn quan tâm

tich-cuc-dua-hang-viet-ve-nong-thon Tích cực đưa hàng Việt… tp-hcm-tai-co-cau-nen-nong-nghiep-dong-luc-la-khoa-hoc-cong-nghe TP.HCM tái cơ cấu nền…