Tin nông nghiệp Rơm cuộn không làm bò sẩy thai

Rơm cuộn không làm bò sẩy thai

Tác giả NGUYỄN VĂN KHOA, ngày đăng 10/06/2016

Hạn, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng trầm trọng đến nguồn thức ăn khô xanh ngày cho đàn bò 150.000 con của tỉnh Bến Tre. Trước thực trạng trên thì giải pháp rơm cuộn đã khắc phục tình trạng thiếu hụt thức ăn cho bò.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tại huyện Ba Tri có một vài ý kiến về chất lượng rơm cuộn làm ảnh hưởng đến sinh sản của bò. Trước dư luận trên, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Ba Tri khảo sát, đánh giá thực tế và làm rõ các vấn đề liên quan.

Ông Phan Thanh Long ở ấp An Lợi, xã An Thủy, huyện Ba Tri đang nuôi 4 con bò cái giống lai Brahman cho biết, trong thời gian nuôi, bò cái giống lần lượt bị sẩy thai vào các thời điểm 2 - 5 tháng mang thai, có 1 con bị sẩy thai đến 2 lần.

Đoàn công tác hỏi ông về nguồn thức ăn mà gia đình sử dụng cho bò ăn trong thời gian qua thì được biết, đối với những con bò cái mang thai không sử dụng rơm cuộn cho ăn mà chủ yếu là dùng rơm cây (rơm lúa tại địa phương).

Ông Trân Văn Dây và các hộ lân cận tại ấp Nhơn Quới, xã Mỹ Nhơn huyện Ba Tri chuyên nuôi bò và đã sử dụng rơm cuộn từ nhiều năm qua nhưng không gặp trường hợp bò bị sẩy thai. Ông Dây khẳng định: "Tôi đang nuôi 7 con bò cái, 3 - 4 năm nay đều mua rơm cuộn từ cho bò ăn nhưng không có ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của đàn bò, những con bò cái vẫn cho sinh sản tốt".

Qua quan sát điều kiện chăn nuôi của hộ ông Phan Thanh Long cho thấy đàn bò cái của gia đình được nuôi nhốt trong diện tích quá hẹp so với diện tích cho phép nên bò rất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong thời kỳ mang thai.

Đàn bò cái của ông bị sẩy thai hoàn toàn không liên quan thức ăn từ rơm cuộn mà có thể do bệnh lý từ gia súc hoặc do cách quản lý, chăm sóc của gia đình chưa phù hợp trong giai đoạn bò mang thai.

Kết luận của đoàn công tác cho thấy các thông tin về việc bò ăn rơm cuộn bị hư thai, sẩy thai không có cơ sở thực tế. Điều này cũng phù hợp với kết quả theo dõi của Trung tâm Khuyến nông Bến Tre trong nhiều tháng qua tại các huyện có chăn nuôi bò trong tỉnh. Vì vậy có thể kết luận đây chỉ là những dư luận, tin đồn không đúng sự thật.

Trong thực tế chăn nuôi vẫn có tỉ lệ nhất định trường hợp bò bị sẩy, hư thai do bệnh lý hoặc rối loạn sinh lý. Bà con cần phải xác định rõ từng trường hợp cụ thể để điều trị, khắc phục, tránh hiểu sai gây hoang mang, dao động.

Đối với việc sử dụng rơm cuộn như hiện nay, các hộ chăn nuôi cũng lưu ý nếu mua rơm cuộn trong mùa mưa cũng cần kiểm tra độ ẩm, mốc và nên phơi kỹ trước khi đưa vào nơi bảo quản lâu dài hoặc trước khi cho ăn để đảm bảo sức khỏe cho bò. Bà con có thể quan sát nếu là rơm sạch và được phơi khô thì sẽ có màu vàng tươi, mùi thơm nhẹ, không bị đen và bò thích ăn. Trái lại, rơm bị dính bùn đất, bị nấm mốc thì bò không thích ăn.

Ngoài ra, rơm kém chất lượng còn ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và thời gian thu hoạch. Khi thu hoạch rơm ở thời điểm mùa mưa thường rơm không được phơi khô mà đã cuộn ngay ngoài ruộng. Nếu mua về và dự trữ ngay trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng của rơm, nhất là bị ẩm mốc. Rơm cuộn cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, bà con định kỳ cần kiểm tra lại độ ẩm của rơm và cần thiết đem ra phơi lại rơm trước khi cho bò ăn để tránh nấm mốc.

Ngoài ra, để nâng cao tăng tỷ lệ tiêu hóa và giá trị dinh dưỡng của rơm khi làm thức ăn cho bò, bà con có thể áp dụng một số cách chế biến rơm như ủ rơm với urê; ủ rơm với urê và vôi tôi hoặc kiềm hóa rơm với nước vôi.

Trong thời gian tới đề nghị các địa phương cần tiếp tục phối hợp tốt với ngành nông nghiệp trong việc chuyển giao, tuyên truyền phổ biến các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò, kịp thời ngăn chặn, loại bỏ các thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

vai-thieu-chua-vao-vu-vai-lai-da-o-at-xuong-pho-sai-gon Vải thiều chưa vào vụ,… bon-phan-cho-cay-ca-phe-sau-kho-han Bón phân cho cây cà…