Sáng chế ra chế phẩm sinh học từ quả thanh long và vỏ tôm cua
Sản phẩm được chế tạo từ nguồn phế phẩm của thủy sản như: cua, ghẹ, tôm…và trái thanh long loại 2,3 nên có giá thành rẻ mà vẫn đảm bảo nông sản giữ độ tươi từ 15-20 ngày.
Trần Lê Anh Khoa hiện là sinh viên năm 3, chuyên ngành Hóa Phân Tích trường Đại học Công Nghiệp Thực Phẩm Tp. Hồ Chí Minh. Sinh ra ở mảnh đất Tiền Giang, một trong những vựa trồng thanh long lớn nhất của Việt Nam, Khoa hiểu rõ hơn ai hết nỗi vất vả của người nông dân nơi đây.
Cậu tâm sự có những thời điểm thanh long được mùa nhưng giá cả bấp bênh, thương lái lại chỉ chọn những quả đạt chuẩn như: cân nặng mỗi trái phải khoảng 350 gram trở lên, tai xanh, vỏ đỏ tự nhiên, đặc biệt không bị nứt và bệnh nấm trắng… Số còn lại sẽ bị dạt. Ban đầu các vựa vẫn thu mua hàng dạt, với giá 500 – 1.000 đồng/kg, nhưng về sau thanh long dạt bị dồn ứ, không tiêu thụ được nên phải cắt cho bò ăn hoặc đem đổ bỏ để dọn vườn.
“Chính vì thế dự án sáng tạo này được hình thành. Sản phẩm góp phần hạn chế rủi ro tối thiểu cho người nông dân trồng thanh long bằng cách tận dụng tối đa những trái không đạt chuẩn để nâng cao giá trị cho những trái đạt chuẩn qua việc xuất khẩu”.
Tháng 3/2017, Khoa lên ý tưởng và cùng một nhóm bạn trong trường bắt tay vào thực hiện sản phẩm bảo quản nông sản với tên gọi Chế phẩm sinh học Chitosan. Bên cạnh nguồn nguyên liệu đầu vào là thanh long, nhóm còn tận dụng nguồn phế thải từ các nhà máy chế biến thủy sản như: vỏ giáp xác (tôm, cua, ghẹ…); nang mực…
Sản phẩm mẫu ra đời vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 và có cách sử dụng khá đơn giản. Người sử dụng chỉ cần pha dụng dịch với nước, nhúng nông sản vào trong hỗn hợp này, từ đó một lớp màng sinh học sẽ hình thành phía ngoài, ngăn chặn sự phát triển của các loại bệnh và làm chậm quá trình bóc hơi nước từ sản phẩm.
Khoa cho biết với chế phẩm Chitosan, hiệu quả bảo quản nông sản tăng gấp từ 3 đến 4 lần so với sản phẩm tự nhiên. Ngoài ra, Chitosan mang tính sinh học cao, tự phân hủy trong môi trường và an toàn cho người sử dụng.
Ở thời điểm hiện tại, sản phẩm đang được mang đi xét nghiệm để có giấy chứng nhận tiêu chuẩn an toàn từ phía cơ quan chức năng trước khi chính thức ra mắt thị trường vào khoảng cuối năm nay hoặc sớm hơn.
Dù chưa đặt giá bán cụ thể nhưng Khoa khẳng định giá thành sẽ khá thấp do không mất nhiều chi phí cho phần nguyên liệu đầu vào. Chàng trai 9x cũng dự định sẽ tiếp thị bằng hình thức trực tiếp, xuống tận các cửa hàng hoặc nhà máy chế biến nông sản để giới thiệu sản phẩm.
“Mình mong muốn sản phẩm đến gần hơn với người nông dân Việt, dần thay thế hoàn toàn hóa chất bảo quản và dần thay thế hóa chất nông nghiệp”.
Trong bối cảnh Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nhiều loại nông sản không thể xuất khẩu vì hạn chế về chất lượng và quá trình bảo quản, Khoa hy vọng Chitosan sẽ mở ra cơ hội mới cho nông sản Việt bước chân vào những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu. Chàng sinh viên 9x tin rằng sau này, trái cây Việt có cạnh tranh được hay không vẫn là do công nghệ bảo quản, giống như những gì ông Chu Hồng Châu, Phó Giám Đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật đã từng chia sẻ: ”Bảo quản sau thu hoạch là mấu chốt của thành công”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ