Mô hình kinh tế Sau Tết, Người Chăn Nuôi Vẫn Chưa “Dám” Tái Đàn

Sau Tết, Người Chăn Nuôi Vẫn Chưa “Dám” Tái Đàn

Ngày đăng 24/02/2014

Thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá thịt gia súc gia cầm không có sự tăng đột biến được xem là tín hiệu vui cho công tác nỗ lực bình ổn giá của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, bước vào vụ sản xuất mới, nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa sẵn sàng tái đàn khi trước mắt họ là một thị trường đầu ra thất thường và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Giá gà thương phẩm xuống thấp, khiến gà giống cũng ế ẩm ở nhiều cơ sở chăn nuôi tại xã Hòa Tiến, Yên Phong.

Cú trượt dài của giá gia cầm

Dẫn chúng tôi vào khu vực chăn nuôi tại gia với 1 dãy chuồng đã trống, bà Nguyễn Thị Hợp, thôn Yên Tân, xã Hòa Tiến (Yên Phong - Bắc Ninh), không giấu được nỗi lo lắng. Nhà bà nuôi 1500 con gà đẻ trứng và gà lai, từ trước Tết đã may mắn bán được 700 con với giá 44.000 đồng/kg.

“Giờ giá gà xuống còn 42.000 đồng/kg, chúng tôi không dám bán nhưng cũng không biết xoay sở ra sao. Bình quân, chi phí tiền cám cho một con gà sau 5 tháng nuôi mất gần 150.000 đồng mà giá bán ra mỗi con thậm chí không được một nửa. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc tôi cũng đến mức bỏ chăn nuôi chuyển sang hướng làm kinh tế khác”.

Chia sẻ của bà Hợp cũng là nỗi niềm chung của nhiều hộ chăn nuôi gà truyền thống ở Hòa Tiến. Ông Nguyễn Văn Ái, chủ cơ sở nuôi hơn 10.000 con gà đẻ trứng khi được ngỏ lời hỏi thăm về tình hình sản xuất kinh doanh, liền lắc đầu ngán ngẩm: “Nhà tôi đã nuôi gà hơn 20 năm nay, nhưng chưa khi nào tình cảnh bi đát đến như thế này”.

Theo ông, dấu hiệu tụt dốc của giá trứng, giá thịt gia cầm bắt đầu từ năm 2012, và suốt nhiều tháng liền, giá trứng liên tục giảm, hiện tại chỉ bán được 1.300-1.500 đồng/quả, bằng một nửa so với giá bán lúc cao điểm, tuy nhiên giá đến tay người tiêu dùng vẫn giảm không đáng kể do trải qua nhiều khâu trung gian.

Cơ sở của ông có 4 máy ấp nở trứng, trước đây cứ 3-4 ngày ra một mẻ khoảng vài nghìn con gà giống, nhưng kể từ sau Tết đã dừng hoạt động. “Trứng gà có bao nhiêu chúng tôi phải cố bán, chứ gà thương phẩm ế như vậy thì cũng không ai muốn mua gà giống”. Không nói cụ thể về mức bù lỗ mỗi ngày mà gia đình ông phải chịu, nhưng ông cho biết đang đau đầu vì các món nợ ngân hàng để có thể duy trì đàn gà này.

Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu đã chuẩn bị gần 1.000 con lợn cho dịp Tết nhưng hiện nay vẫn còn hơn 1/3 chưa bán được.

Theo phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, kể từ tháng 3 năm 2013 đến nay, giá thịt gia cầm đã giảm từ 30-50% so với lúc cao điểm. Các nhà quản lý và người chăn nuôi cùng chung nhận định, đây là đợt trượt giá dài nhất của giá gia cầm trong những năm gần đây. Mặc dù đỡ “bi đát” hơn nhưng giá thịt lợn hơi cũng trong xu hướng tụt dốc, chỉ còn 43.000-44.000 đồng/kg.

“Bức tranh” về chăn nuôi còn trở nên u ám khi cận Tết, dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng type A bùng phát từ ngày 2 đến 19-1, làm hơn 11.900 con gia cầm ốm, chết và bị tiêu hủy, hơn 120 con gia súc bị mắc bệnh. Khó chồng khó khiến người chăn nuôi hết sức hoang mang và e ngại tái đàn.

Nhiều nông dân “treo chuồng”

Ngày 8-2, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc khôi phục và phát triển chăn nuôi sau Tết. Dù vậy, ông Phạm Trọng Minh, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đưa ra dự đoán, chăn nuôi thua lỗ trong thời gian dài, nhiều trang trại và hộ chăn nuôi chưa có đủ khả năng khôi phục sản xuất. Thực tế, tại các cơ sở chăn nuôi, hoạt động trao đổi, mua bán giống sau Tết Giáp Ngọ khá trầm lắng.

Anh Nguyễn Văn Đẩu, Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi Bắc Đẩu (Từ Sơn) - một cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn cho biết: “Mọi năm, từ mùng 4, mùng 5 Tết, đã có rất nhiều người đến đặt hàng mua lợn giống, thậm chí còn không đủ hàng để bán. Nhưng năm nay, qua ngày Rằm tháng Giêng rồi mà Xí nghiệp gần như không có giao dịch nào về con giống”.

Một số hộ chăn nuôi đã giảm đàn, thậm chí “treo chuồng”, dẫn theo hệ quả là một số cơ sở chuyên cung cấp con giống, đặc biệt là các cơ sở sản xuất giống gia cầm cũng giảm mạnh đầu ra. Trước tình hình đó, ngành chăn nuôi của tỉnh đã vận động người dân duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm đủ nguồn giống cho nhu cầu tái đàn của các hộ khi thị trường ấm trở lại.

Đồng thời cũng khuyến cáo người dân đầu tư số lượng tổng đàn phù hợp với điều kiện kinh tế và trình độ kỹ thuật của cơ sở, không nuôi tràn lan, ồ ạt và đặc biệt không chủ quan với các loại dịch bệnh để bảo toàn tốt nhất đàn nuôi.

Tuy nhiên, người chăn nuôi rất hy vọng tỉnh sẽ sớm có cơ chế, chính sách về cân đối cung cầu và tạo chuỗi liên kết sản xuất. Ông Nguyễn Văn Ái bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi là những người có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, về mặt kỹ thuật, con giống, phòng trừ dịch bệnh, chúng tôi cơ bản có thể nắm vững được.

Nhưng điều chúng tôi thực sự cần là những định hướng thị trường cụ thể hơn và những cơ chế thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm để người chăn nuôi trực tiếp yên tâm phát triển kinh tế”.


Có thể bạn quan tâm

hai-mang-mau-rau-xuan-da-lat Hai "Mảng Màu" Rau Xuân… nuoi-hau-thieu-quy-hoach-de-doa-vinh-lang-co Nuôi Hàu Thiếu Quy Hoạch…