Mô hình kinh tế Sẽ Tăng Cường Các Kênh Quảng Bá Thực Phẩm Sạch

Sẽ Tăng Cường Các Kênh Quảng Bá Thực Phẩm Sạch

Ngày đăng 03/01/2014

Trên địa bàn ngoại thành TP.HCM và các tỉnh lân cận đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi “sạch” để có những sản phẩm thịt an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít các sản phẩm như thế đến với người tiêu dùng do khâu quảng bá.

Chính vì thế, với mong muốn đưa các thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng nhiều hơn, Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lifsap đang xây dựng các kênh quảng bá các mặt hàng này nhiều hơn nữa.

Triển khai trên địa bàn 12 tỉnh, thành cả nước, trong đó các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai… Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm đã hỗ trợ và tạo ra chuỗi sản phẩm thịt sạch từ trang trại tới bàn ăn. Từ hơn 2 năm nay, ông Đặng Văn Được ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP. HCM đã được Lifsap hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản xuất này. Hiện gia đình ông có tổng đàn heo trên 400 con, kể cả heo thịt và heo nái. Khi tham gia vào mô hình do Lifsap hỗ trợ, ông đã áp dụng quy trình chăn nuôi sạch và an toàn GAHP đối với đàn heo nhà mình.

Ông Được cho biết: “Tôi tham gia vào mô hình này với mong muốn sẽ tạo ra được những sản phẩm thịt thật sạch để vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho người dân vừa nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm của mình”. Tuy nhiên, theo ông Được, hiện ông rất cần được hỗ trợ thêm trong việc quảng bá thịt sạch ra thị trường để tiêu thụ.

Theo ông Phong cho rằng, vấn đề nan giải nhất hiện nay chính là việc các sản phẩm chăn nuôi an toàn đang được bán đồng thời, đồng giá như những sản phẩm chăn nuôi không an toàn. Điều đó vừa gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, vừa gây ra những chán nản cho người chăn nuôi. Theo đánh giá của Sở NNPTNT TP. HCM, hiện thành phố đã thành lập được nhiều vùng chăn nuôi sạch, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm theo chuẩn GAHP vẫn rất khó khăn. Nguyên nhân là do phần lớn bà con còn theo tập quán sản xuất nông hộ nhỏ, chỉ hộ nào biết hộ đó, không có sự liên kết với nhau để thiết lập vùng nguyên liệu lớn và hệ thống quảng bá rộng rãi.

Chính vì vậy, ngày 29.11 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản theo hướng VietGAHP trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2013. Ngay tại hội nghị này, đã có 47 hợp đồng giữa các hợp tác xã, các đơn vị với các đơn vị phân phối, để đưa sản phẩm nông sản sạch, bao gồm các thịt sạch phân phối ra thị trường TP. Hồ Chí Minh được ký kết. Cũng trong Hội nghị này, Đại diện thương hiệu Vissan cũng đạt được thỏa thuận với các Hợp tác xã hộ chăn nuôi Gahp của dự án Lifsap trong việc thu mua, tạo đầu ra đối với sản phẩm chăn nuôi.

Ông Tôn Thất Sơn Phong – Giám đốc Dự án Lifsap cho biết: “Trong khuôn khổ dự án Lifsap, chúng tôi đã tạo ra được những sản phẩm chăn nuôi sạch, và chúng tôi đang quảng bá để đông đảo cộng đồng biết đến sản phẩm này”. Ông Phong cũng cho biết, Dự án đang tiếp cận rất nhiều kênh quảng bá khác nhau, như là tổ chức các hội nghị truyền thông giới thiệu tại các chợ, quảng bá trên truyền hình, báo chí, phát thanh, hoặc website của dự án để người dân biết nhiều hơn các sản phẩm chăn nuôi sạch. “Ngoài ra chúng tôi liên kết với các website khác, các công ty chuyên nghiệp khác trong việc tiêu thụ sản phẩm như các sàn giao dịch để buôn bán các sản phẩm các sản phẩm nông nghiệp cũng như sản phẩm chăn nuôi nói riêng”, ông Phong nhấn mạnh.

Về việc người chăn nuôi còn khó đưa được nông sản sạch ra thị trường, ông Tôn Thất Sơn Phong cho rằng, chăn nuôi Việt Nam phần lớn là chăn nuôi nông hộ, hộ nông dân hộ nào biết hộ đó, không có sự liên kết với nhau để tạo ra một sản phẩm chăn nuôi tốt, nhưng liên tục để cung cấp ra thị trường. “Vì thế, dự án của chúng tôi phát triển theo hướng liên kết các hộ với nhau, thành các tổ nhóm, để tạo ra các sản phẩm chăn nuôi liên tục, để cung cấp ra thị trường”, ông Phong nói rõ.

Ông Phong cũng cho rằng, chúng ta cần có các giải pháp để giúp các hộ chăn nuôi nhỏ liên kết họ lại thành các tổ hợp tác. “Hiện tại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 151 về khuyến khích thành lập tổ hợp tác. Có thể nói, đây là một “cái gậy” để các nhóm nông dân liên kết được với nhau, có tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản, thực phẩm với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, song song với đó, Nhà nước cần hỗ trợ các tổ nhóm này, cũng như các doanh nghiệp quảng bá đầu ra và đưa khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào trong chăn nuôi, nhằm tạo ra đầu ra tốt hơn cho các sản phẩm thực phẩm sạch.

Ông Nguyễn Văn Trực- Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho biết: “Sau 3 năm Dự án Lifsap hỗ trợ nông dân TP. HCM chăn nuôi sạch, đã tạo ra nhiều sản phẩm thịt sạch, chất lượng tốt. Song để đưa được các sản phẩm này đến tay người tiêu dùng và giúp người nông dân bán được giá cao hơn, các cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ quảng bá sản phẩm cho người nông dân nhiều hơn nữa”.


Có thể bạn quan tâm

ha-noi-da-co-3-000-be-f1-bbb Hà Nội Đã Có 3.000… nuoi-vit-xiem-trai-vu Nuôi Vịt Xiêm Trái Vụ