Tôm thẻ chân trắng Tác dụng của vôi trong nuôi thủy sản

Tác dụng của vôi trong nuôi thủy sản

Ngày đăng 18/06/2015

Ngày nay người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng thực phẩm phải sạch và an toàn, muốn như thế thì bắt buộc ngay từ khâu sản xuất, người nuôi cá tôm phải tránh sử dụng thuốc kháng sinh và khâu chăm sóc, quản lý môi trường nước là hết sức quan trọng để tôm cá không bị mắc bệnh trong suốt quá trình nuôi. Một trong những biện pháp phòng bệnh cho cá tôm hữu hiệu nhất là định kỳ sử dụng vôi bột.

Tác dụng của vôi là giúp hạ phèn đất và nước, ổn định pH nước, diệt được cá tạp địch hại và cả các mầm bệnh trong ao. Vôi giúp cho mùn bã đáy ao được phân hủy, làm đáy ao tốt hơn do được khoáng hóa, chất lượng nước cũng được cải thiện. Đối với tôm nuôi, chất vôi trong ao còn có tác dụng đến tôm trong việc hình thành vỏ. Tuy nhiên, cũng không nên bón vôi quá nhiều vì có thể gây tác hại cho môi trường và cá tôm nuôi.

Hiện nay trên thị trường có 4 loại vôi chủ yếu:

Vôi nông nghiệp: Nguồn gốc từ đá vôi san hô, vỏ sò … được xay nhuyễn có công thức là CaCO3, có tác dụng hạ phèn, khử trùng. Sử dụng cho cải tạo ao hoặc ao đang nuôi tôm cá.

- Vôi tôi: Ca(OH)2 dùng cải tạo ao, tăng pH đất và nước, có ảnh hưởng lớn đến pH nước nên tránh bón vào buổi chiều.

- Đá vôi CaO: Vôi bột, vôi sống, có tác dụng tăng pH mạnh chỉ dùng cải tạo ao, không dùng cho ao đang nuôi cá tôm.

- Vôi đen CaMg(CO3)2: Dạng đá vôi nghiền có chứa magiê, có tác dụng hạ phèn trong nuôi tôm, tăng hệ đệm trong ao đang nuôi mà ít ảnh hưởng tới pH của môi trường. Sử dụng cho ao đang nuôi tôm cá.

Trong nuôi thủy sản tùy từng điều kiện mà ta sử dụng:

1/ Nếu cải tạo ao nuôi: dùng vôi nông nghiệp CaCO3 hay vôi tôi Ca(OH)2 liều lượng sử dụng 8 – 10 kg/ 100m2, vùng phèn có thể tăng lượng vôi.

2/ Nếu dùng để hạ phèn: trong ao nuôi, vào mùa mưa hay ở những vùng đất phèn thường có hiện tượng rữa trôi phèn sau những trận mưa và xì phèn từ đáy ao. Trong trường hợp này thường dùng vôi bột CaCO3 với liều lượng từ 1 – 3 kg/100m3 nước, hòa với nước để nguội lấy nước trong tạt đều khắp ao. Đối với bè nuôi cá: liều dùng từ 2 – 4 kg/10m3 nước trong bè, treo thành bịch nhỏ đầu dòng chảy của bè.

3/ Vôi đưa xuống ao làm lắng chìm các chất hữu cơ dạng keo lơ lửng trong nước làm cho nước sạch. Qua thực tế sau mỗi trận mưa, nước dồn xuống ao nuôi, nước có nhiều phù sa và nước ao bị đục, hạn chế sự chiếu sáng vào nước, cản trở sự quang hợp của thực vật thủy sinh, ao bị thiếu oxy cho tôm cá. Dùng vôi CaCO3 để điều chỉnh độ trong của nước ao, liều lượng 1 – 2 kg/100m3 hòa với nước tạt khắp ao, độ trong sẽ trở lại bình thường.

4/ Ngoài ra trong suốt quá trình nuôi cá tôm, định kỳ 10 – 15 ngày vào mùa mưa hoặc 25 – 30 ngày vào mùa nắng nên dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) ngâm lấy nước trong tạt đều khắp ao một lần, liều lượng từ 1 – 2 kg/100m3 nước (đối với bè thì treo túi vôi liều lượng 2 – 4 kg/10m3 nước bè), vì đây là hình thức phòng bệnh cho cá tôm hữu hiệu và rẻ tiền nhất. Nếu thường xuyên áp dụng biện pháp này thì cá tôm sẽ ít bị bệnh. Trong những ao nuôi tôm định kỳ có thể sử dụng vôi đen để ổn định môi trường.

Như vậy, đối với ao, bè nuôi cá tôm thì vôi có tác dụng đa năng, vừa là chất phòng trừ địch hại, dịch bệnh, vừa cải thiện ổn định môi trường. Do đó, dùng vôi có tác dụng cao, tuy nhiên vôi phải có chất lượng tốt không bị pha tạp chất (đất, cát) và phải được bảo quản cẩn thận.

Tags: tac dung cua voi, nuoi trong thuy san, nuoi tom


Có thể bạn quan tâm

nghien-cuu-lai-ky-thuat-de-nuoi-hieu-qua-ca-bong-keo Nghiên cứu lại kỹ thuật… tim-hieu-nguyen-nhan-ca-benh-va-ky-thuat-phong-benh-ca-trong-mua-mua Tìm hiểu nguyên nhân cá…