Tin thủy sản Tái cơ cấu thủy sản: Trọng tâm từ khoa học kỹ thuật

Tái cơ cấu thủy sản: Trọng tâm từ khoa học kỹ thuật

Tác giả Hải Linh, ngày đăng 07/03/2018

Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất mà Tổng cục Thủy sản triển khai được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm, cốt lõi trong tái cơ cấu ngành. Nhờ đó, sản xuất thủy sản nâng cao sản lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế.

Ứng dụng KHCN trong sản xuất giống cá tra nâng cao hiệu quả nuôi trồng   Ảnh: PTC

Từ chính sách

Những năm qua, có nhiều quyết định, chính sách định hướng phát triển ngành thủy sản, đặc biệt những chính sách về khoa học công nghệ đã đem lại nhiều kết quả. Điển hình, Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 với 10 chương trình, đề án và dự án. Điểm nhấn đối với nuôi thủy sản trong Quyết định là thu hút mạnh đầu tư từ các doanh nghiệp, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và người nuôi. Xây dựng các vùng nuôi công nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC) vào các vùng nuôi thủy sản tập trung để tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra nguồn nguyên liệu lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến…

Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững”; Quyết định số 1259/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Chương trình khung nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành NN&PTNT giai đoạn 2013 - 2020; Chương trình khung nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm thủy sản chủ lực với những mục tiêu, nội dung chủ yếu và sản phẩm dự kiến cụ thể; Quyết định số 655/QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017 - 2020.

Đến thực tiễn

Theo Bộ NN&PTNT, chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng điểm theo hướng ưu tiên các nhiệm vụ có hàm lượng ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên các nhiệm vụ có sự tham gia của doanh nghiệp và tạo ra sản phẩm cuối cùng ứng dụng thực tiễn.

Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ trong hoạt động khoa học công nghệ, trên lĩnh vực thủy sản như: phát triển tôm nước lợ bền vững, sản xuất giống và phát triển nuôi cá biển, tôm sú bố mẹ sạch bệnh phục vụ cho các trại sản xuất giống. Kết quả, triển khai 2 cụm nhiệm vụ/dự án khoa học và công nghệ có quy mô lớn, giải quyết đồng bộ về khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, cụ thể gồm mô hình tôm lúa hữu cơ, sinh thái vùng biển Tây (3 đề tài), sản xuất thức ăn nuôi tôm sú và TTCT đạt hiệu quả và thích ứng với xâm nhập mặn.

Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất trùng huyết, rươi để sản xuất làm thức ăn nuôi phát dục TTCT bố mẹ; quy trình nuôi TTCT an toàn dịch bệnh, kiểm soát và phòng bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính; quy trình ương nuôi cá tra nâng cao được chất lượng và tỷ lệ sống của cá tra trong giai đoạn ương nuôi con giống (tỷ lệ sống đạt gần 50%), cải tiến các yếu tố kỹ thuật trong quy trình ương từ cá tra hương lên giống tỷ lệ sống trên 95%; quy trình công nghệ ương nuôi, nâng cao tỷ lệ sống của tôm hùm giống trên 85%.

Xây được quy trình nuôi TTCT phòng bệnh đốm trắng; xác định được biện pháp kiểm soát khi vi khuẩn kháng kháng sinh và liều lượng, thời gian, tần suất sử dụng kháng sinh có hiệu quả; sử dụng chế phẩm vi sinh để kiểm soát mật độ Vibrio trong ao nuôi; xây dựng được quy trình kiểm soát và phòng đốm trắng (WSD) và hoại tử gan tụy cấp (AHNPD) trong nuôi thâm canh tôm chân trắng quy mô trang trại; xây dựng được qui trình kiểm soát vật mang virus đốm trắng (WSSV) ở Việt Nam.

Tổng cục Thủy sản đã công nhận 6 tiến bộ kỹ thuật. Trong đó, tiến bộ kỹ thuật về nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn đã được chuyển giao cho hơn 600 cơ sở ở 12 tỉnh, thành phố đã giúp ngành tôm vượt qua dịch bệnh, nâng cao năng suất.

Chú trọng sản phẩm chủ lực

Ba sản phẩm quốc gia tại khu vực ĐBSCL được cơ quan quản lý ngành thủy hải sản xác định là fillet cá tra cao cấp, tôm sú hữu cơ nuôi trong rừng ngập mặn và TTCT chất lượng cao an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Hai nhóm sản phẩm này được tập trung phát triển tại khu vực ĐBSCL nhằm chuyển đổi nền nông nghiệp từ lúa gạo, cây ăn trái sang thủy sản.

Với cá da trơn, Tổng cục Thủy sản đã có đề án với việc tập trung phát triển sản phẩm chính là fillet cá tra cao cấp, đang trong quá trình điều chỉnh, hoàn thiện.

Trong khi, với tôm nước lợ, Tổng cục Thủy sản đang triển khai xây dựng đề án phát triển, trong đó định hướng hai sản phẩm chính của tôm nước lợ cần phát triển là tôm sú sinh thái nuôi trong rừng ngập mặn và TTCT chất lượng cao.

Tuy nhiên, việc phát triển những sản phẩm này gặp không ít thách thức. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ dù đã được cải thiện trong thời gian qua; biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến dịch bệnh ngày càng khó lường. Quan trọng không kém là các rào cản kỹ thuật và cạnh tranh quốc tế… Bên cạnh đó, cần phải liên kết các khâu từ giống, nuôi trồng đến phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu…

>> Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho biết: “Khoa học công nghệ đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.


Có thể bạn quan tâm

sieu-ket-noi-tu-cong-nghe Siêu kết nối từ công… tren-thi-truong-ha-lan-tom-viet-nam-loi-the-hon-an-do Trên thị trường Hà Lan,…