Tăng Cường Phòng, Chống Dịch Bệnh Thủy Sản
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản về nguy cơ, tác hại của bệnh dịch trong nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản an toàn và bền vững, nhiều địa phương đã lên kế hoạch và chuẩn bị kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi năm 2015.
Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành văn bản nêu rõ công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống và kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản phải thực hiện kiểm dịch theo đúng quy định, giám sát dịch bệnh thủy sản theo từng lô kiểm dịch.
Đồng thời thực hiện việc giám sát, tái kiểm dịch con giống thủy sản nhập từ tỉnh ngoài, tăng cường kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống; cơ sở, vùng nuôi thủy sản; cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản..
Đối với công tác phòng bệnh cho động vật thủy sản, UBND tỉnh yêu cầu định kỳ thu mẫu giám sát chủ động dịch bệnh trên các đối tượng nuôi chủ lực tại các vùng nuôi tập trung và các ổ dịch cũ năm 2014. Ngoài ra, cần tăng cường quan trắc môi trường định kỳ, thường xuyên tại các vùng, ao nuôi tôm, cá biển, nhuyễn thể, kịp thời khuyến cáo cho các cơ quan quản lý địa phương, các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất đạt hiệu quả...
Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch là gần 14,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là hơn 4 tỷ, ngân sách cấp huyện là hơn 10 tỷ đồng.
Kế hoạch phòng chống dịch, bệnh cho động vật thủy sản năm 2015 của tỉnh Phú Yên nêu rõ, sẽ tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản, không để động vật chưa qua kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn Tỉnh. Đảm bảo kiểm soát toàn bộ động vật thủy sản lưu thông ra, vào địa bàn Tỉnh.
Bên cạnh đó, tổ chức xử lý động vật thủy sản mang mầm bệnh nguy hiểm. Nếu động vật thủy sản vận chuyển vào địa bàn Tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch, vượt quá số lượng đã kiểm dịch theo quy định thì phải tổ chức kiểm tra lại và xử lý theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn Tỉnh phải thực hiện khai báo kiểm dịch giống thủy sản bố, mẹ với cơ quan Thú y không quá 02 ngày sau khi vận chuyển về cơ sở sản xuất giống và phải thực hiện việc kiểm dịch con giống trước khi xuất bán. Số kinh phí tỉnh Phú Yên dành cho công tác phòng chống dịch bệnh là hơn 2 tỷ đồng.
Tại Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ cũng vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2015.
Theo đó, UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các đơn vị cần lập kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư để chủ động đối phó khi có dịch bệnh. Tổ chức kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên từng địa bàn.
Đồng thời, thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, các chủ trương, chính sách hỗ trợ cơ sở chăn nuôi có gia súc, gia cầm và thủy sản bị tiêu hủy bắt buộc theo quy định và các chính sách khác của Nhà nước có liên quan. Tập huấn cho hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản về chủ trương, chính sách và các quy định của Nhà nước, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh và thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học.
Mặt khác, để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản thành phố cũng tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc và gia cầm theo định kỳ và thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y….
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ