Tin thủy sản Thái Nguyên tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng bền vững

Thái Nguyên tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng bền vững

Tác giả Tùng Lâm, ngày đăng 12/03/2016

Hiện nay, tại tỉnh ta đã có 6 trại sản xuất giống thủy sản, 1 xí nghiệp thủy sản và mạng lưới ương nuôi, dịch vụ giống thủy sản ở các huyện. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất, cung ứng trên 500 triệu con cá bột, 50 triệu con cá giống, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Theo nhận định của ông Ngô Văn Ban, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTTN, nuôi trồng thủy sản đã và đang mang lại nguồn thu khá lớn cho tỉnh.

Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện nay cũng còn nhiều hạn chế, như: Chưa khai thác hết tiềm năng diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, nhất là các hồ chứa thủy lợi; sản phẩm thủy sản chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi sống, theo hình thức bán lẻ tại các chợ hoặc bán buôn cho các thương lái vận chuyển đi tiêu thụ ở các vùng khác nên giá bán sản phẩm không ổn định. Đặc biệt, do sản phẩm chưa có thương hiệu nên hiệu quả sản xuất chưa cao.

Thêm vào đó, những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh trên địa bàn tỉnh vẫn đạt rất thấp (chỉ chiếm 7% trong tổng diện tích mặt nước), chủ yếu là nuôi quảng canh, bán thâm canh nên năng suất trung bình chưa cao (1,4 tấn/ha). Đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là các giống cá truyền thống, với 70% diện tích; các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao mới chiếm khoảng 30%...

Với những hạn chế nêu trên, việc tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng bền vững đang là vấn đề đặt ra đối với tỉnh ta. Để nuôi trồng thủy sản phát triển tương xứng với tiềm năng, tỉnh đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 6.855ha (trong đó ao, hồ nhỏ là 2.140ha; nuôi hồ thủy lợi 4.015ha; nuôi cá ruộng 700ha). Cùng với đó, phấn đấu đưa năng suất nuôi trồng thủy sản tăng từ 1,8 đến 2 lần so với năm 2015; chuyển đổi đất lúa kết hợp nuôi thủy sản tăng từ 2 đến 3 lần (đến năm 2020 đạt 200ha); đẩy mạnh nuôi cá lồng trên các hồ chứa...

Về những giải pháp sẽ được thực hiện trong thời gian tới là tận dụng diện tích mặt nước hiện có vào nuôi trồng thủy sản; phát triển nuôi thâm canh đối với các diện tích ao gia đình, nuôi thâm canh và bán thâm canh đối với các hồ chứa nhỏ; thả cá giống với cơ cấu đàn hợp lý để tận dụng thức ăn tự nhiên trên hồ Núi Cốc; nuôi cá lồng, nuôi eo ngách trên các hồ chứa lớn và các sông, suối; phát triển nuôi cá tầm tại những khu vực có nguồn nước lạnh.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất thủy sản hàng hoá tập trung, thâm canh chất lượng cao đối với diện tích ao, hồ nhỏ, cá ruộng và nuôi các hồ chứa thủy lợi như tăng tỷ lệ diện tích nuôi thâm canh bằng giống thủy sản có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ mạnh...

Ngoài ra, tỉnh sẽ có các chính sách giao khoán, cho thuê diện tích mặt nước phù hợp để có đủ thời gian đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản; khuyến khích chuyển đổi những diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa, tập trung và các chính sách khuyến khích phát triển thủy sản khác; sử dụng các loại thức ăn nuôi thủy sản đảm bảo chất lượng, không tồn dư chất độc hại, không gây ô nhiễm môi trường; tăng cường tận dụng các loại thức ăn tự chế biến từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương để hạ giá thành sản phẩm; thực hiện tốt các biện pháp phòng trị bệnh, chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Một nhóm giải pháp nữa cũng sẽ được quan tâm là tập huấn, thông tin tuyên truyền để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và cơ chế chính sách liên quan đến phát triển thủy sản; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản; xây dựng những mô hình trình diễn các biện pháp kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tiên tiến, các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cho nhân dân học tập.

Chuyển đổi cơ cấu giống trong nuôi trồng thủy sản theo hướng tăng tỷ lệ giống có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao cũng là mục tiêu tỉnh ta hướng tới trong 5 năm tới. Trong đó sẽ tập trung nâng cao năng lực sản xuất cá giống của tỉnh lên 80 triệu con/năm (giống có năng suất và giá trị kinh tế cao đạt 70%), đáp ứng 90% nhu cầu cá giống toàn tỉnh. Cụ thể, bên cạnh những đối tượng nuôi truyền thống, sẽ đưa vào nuôi những giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, như: Cá rô phi đơn tính, cá chép lai, cá chim trắng, cá trắm đen, cá lóc… và các loài đặc sản khác.

Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu diện tích nuôi thâm canh thủy sản là 1.700ha, năng suất đạt 6,5 - 7,5 tấn/ha; nuôi bán thâm canh 1.600ha, năng suất đạt 3 - 4 tấn/ha; quy mô diện tích vùng sản xuất thủy sản tập trung ao, hồ chứa nhỏ là 500ha, sản lượng đạt 4.000 tấn; diện tích nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP là 1.100ha; nuôi cá lồng khoảng 8.000 - 10.000m3 tại các hồ chứa lớn (như Núi Cốc, Bảo Linh, Ghềnh Chè, Kim Đĩnh, Suối Lạnh, Nước Hai, Vai Miếu...).


Có thể bạn quan tâm

danh-bat-ca-ngu-kieu-nhat-gap-kho Đánh bắt cá ngừ kiểu… xuat-khau-ca-ngu-khoi-sac-dau-nam Xuất khẩu cá ngừ khởi…