Mô hình kinh tế Thâm Canh Cho Hiệu Quả Cao

Thâm Canh Cho Hiệu Quả Cao

Ngày đăng 04/04/2014

Chương trình trồng măng tre Bát Độ trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) những năm qua đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng còn thấp do chưa chú trọng thâm canh, không được bón phân hàng năm.

Vừa qua, Trạm Khuyến nông Trấn Yên đã xây dựng Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng măng tre Bát Độ".

Từ lúc sang xuân đến giờ, hầu như ngày nào cũng có mưa, những cơn mưa mùa xuân tạo điều kiện thuận lợi để cho những rừng tre măng Bát Độ ở xã Kiên Thành thêm xanh tốt. Đang vào thời kỳ chăm sóc tích cực để cây có sức cho vụ măng mới, mặc dù trời mưa phùn nhưng những cán bộ khuyến nông của Trạm Khuyến nông Trấn Yên cũng lặn lội vào tận thôn để hướng dẫn bà con bón phân cho đúng lịch.

Có cán bộ xuống tận nơi, đồng bào Mông, Tày chăm chú lắng nghe. Hướng dẫn xong, cán bộ lại tiếp tục cầm tận tay, chỉ tận việc, đào hố thế nào, sâu rộng bao nhiêu, bón phân thế nào là đủ.

Bà Hoàng Thị Đào ở thôn Khe Tối cho biết: "Qua mấy lớp tập huấn, tôi đã biết để quá nhiều cây mẹ già cỗi, không khai thác củ giống, nhất là chưa chú trọng bón phân đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng măng.

Chăm sóc theo phương pháp mới, nếu trừ chi phí về phân bón khoảng 4 triệu đồng/ha thì 1ha tre Bát Độ chăm sóc đúng quy trình, bón bổ sung thêm 2 loại phân, mỗi năm có thể cho thu lãi cao hơn cách chăm sóc truyền thống từ 15 triệu đồng".

Trong hai năm 2012 và 2013, Trạm Khuyến nông Trấn Yên đã xây dựng Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng măng tre Bát Độ" với diện tích 3ha nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm măng tre Bát Độ; phát triển bền vững vùng nguyên liệu trên cơ sở áp dụng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cho người dân để đánh giá được hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tre Bát Độ giai đoạn kinh doanh.

Trước kia, người dân rất ít bón phân hoặc chỉ bón 1 lần duy nhất và để thay đổi thói quen đó, Trạm hướng dẫn bón phân 3 lần: lần 1 bón 3,0 lít/khóm phân hữu cơ MV vào tháng 3; lần 2 bón 1,0kg/khóm phân NPK 5-10-3 vào tháng 3; lần 3 bón với lượng 1,0kg/khóm phân NPK 12-5-10 vào tháng 6 hoặc tháng 7.

Kết quả thực tế cho thấy, trong năm 2012, diện tích tre sử dụng phân hữu cơ MV và phân NPK 5-10-3 bón vào tháng 5, bón bổ sung phân NPK 12-5-10 vào tháng 6 sinh trưởng, phát triển tốt, măng mọc tập trung, độ dày của óng tươi, khả năng chống chịu sâu bệnh, khắc phục tình trạng ngọn măng bị thối nên năng suất, sản lượng măng cao hơn hơn gần 85% so với lô đối chứng chỉ sử dụng phân NPK 3-10-3 bón 1 lần vào tháng 3.

Năm 2013, số lứa thu hoạch măng ở lô thực nghiệm nhiều hơn lô đối chứng 1 lứa/vụ; số ngọn măng/khóm/lứa của lô thực nghiệm nhiều hơn, trọng lượng trung bình ngọn măng cao hơn, độ dày trung bình óng tươi, cao hơn. Bằng cách chăm sóc này, măng sẽ cho năng suất đạt 36 tấn/ha, cao hơn 16 tấn/ha so với cách chăm sóc truyền thống và với giá bán như hiện nay, thu nhập của nông dân sẽ tăng thêm khoảng 15 triệu đồng.

Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm bệnh đốm lá và bệnh thối măng là 2 bệnh điển hình trên tre Bát Độ cũng giảm do cây được cung cấp dinh dưỡng đảm bảo và vỏ măng, rác sau thu hoạch được dọn sạch.

Qua Dự án cho thấy, với những loại cây trồng đã có truyền thống canh tác lâu năm nhưng nếu áp dụng các biện pháp thâm canh, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn cho năng suất và chất lượng cao.


Có thể bạn quan tâm

gia-mit-thai-binh-phuoc-tang Giá Mít Thái Bình Phước… can-xe-tai-thuc-an-gia-suc-khan-hiem-gia-tang-cao Cân Xe Tải, Thức Ăn…