Mô hình kinh tế Thành Công Sau Mùa Tôm Nước Lợ

Thành Công Sau Mùa Tôm Nước Lợ

Ngày đăng 07/01/2014

Sản lượng tôm nuôi nước lợ năm 2013 của Sóc Trăng đạt 72.762 tấn, bằng 129,5% KH, tăng 79,6% so với năm trước. Thành công lớn nhất là các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề, Mỹ Xuyên và tuyến ven Sông Hậu huyện Long Phú.

Nghề nuôi nước lợ có dấu hiệu hồi phục thể hiện khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của người nuôi, bên cạnh các yếu tố thuận lợi của thời tiết, khí hậu trong vụ nuôi vừa qua. Thắng lợi ở vụ nuôi năm 2013 không chỉ có tỉ lệ thành công cao mà còn có yếu tố giá tôm thương phẩm. Mức độ lợi nhuận của người nuôi lên đến hơn 60% tổng chi phí đầu vào, chính vì thế mà có đến 7% diện tích thiệt hại mà người nuôi không bị thua lỗ.

Nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng thành công có sự tác động rất lớn đến sản xuất, đến xã hội, với sản lượng tôm như năm 2013 thì giá trị lợi nhuận mang lại cho người nuôi tôm hơn 4.000 tỷ đồng; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng tăng 25%, nghề nuôi tôm nước lợ vẫn giữ được vị trí mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của Sóc Trăng.

Ông Lê Thành Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá: “Lĩnh vực thủy sản có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh nhà vì năm nào nuôi tôm thành công thì đời sống của một bộ phận nông dân rất lớn, năm nào nuôi tôm thành công thì đời sống nhân dân sẽ có nhiều chuyển biến mới hơn, tốt hơn rất nhiều. Mặt khác các lĩnh vực chế biến, dịch vụ cũng phát triển theo.

Do vậy mà chúng ta phải hết sức chú ý, bởi con tôm là mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế tỉnh nhà, chúng ta cần phát huy lợi thế của nuôi trồng, lợi thế tiềm năng vùng ven biển, biển Sóc Trăng”.

Thành công của vụ nuôi vừa qua mà ngành chuyên khuyến khích người nuôi phát huy là mô hình nuôi an toàn dịch bệnh, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi cá rô phi trong ao lắng, nuôi ghép cá rô phi trong ao nuôi tôm và sử dụng thuốc, hóa chất phù hợp trong xử lý, nhất là tình trạng sử lý thuốc trừ sâu để xử lý ao nuôi.

Đối với quy trình nuôi thâm canh, bán thâm canh, bà con ứng dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật nuôi an toàn như ở hợp tác xã Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu đã thành công rất cao trong 2 năm qua. Ông Tăng Văn Tuối - Chủ nhiệm hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa cho biết: “Năm 2011 tôm thất tới dễ sợ, năm 2012 chúng tôi tăng cường công đồng để bảo vệ môi trường tốt thêm cả ấp thì tôm chết ít, năm 2013 cộng đồng thêm nữa thì tôm trúng, bà con đều có lãi”.

Ông Lê Văn Năm ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Năm nay chúng tôi thành công thì nhờ nuôi 2 giai đoạn, đây là cách nuôi hiệu quả vì thả trong ao nhỏ được 1 tháng thì thả rộng ra nên tôm phát triển tốt. Ở đây bà con thường cắt ao làm 2 phần nuôi chớ không thả luồng tuông 1 ao lớn như trước đây”.

Đối với vùng nuôi quảng canh, vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên bà con ứng dụng thành công quy trình nuôi 2 giai đoạn, vừa hạn chế được chi phí chăm sóc, mà mức độ thiệt hại cũng giảm. Người nuôi tôm ở Sóc Trăng đã bắt đầu tuân thủ quy trình nuôi nghiêm ngặt hơn, hạn chế thấp tác động môi trường có khả năng gây thiệt hại cho tôm nuôi.

Thạc sĩ Võ Văn Bé - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho rằng: “Năm 2014 đã bắt đầu, bà con mình ai cũng đã có nhiều kinh nghiệm nhưng bà con phải theo dõi khuyến cáo của ngành chuyên môn. Không nên nóng vội, phải hết sức bình tĩnh để nuôi sao cho đúng thời điểm, nuôi hiệu quả nhất”.

Ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang tập trung nhiều biện pháp khuyến cáo trước xu thế phát triển vùng nuôi tự phát ở huyện Cù Lao Dung, Long Phú với diện tích mở mới ở 2 địa phương này chiếm khoảng 300 ha, tập trung vào tôm thẻ chân trắng. Sóc Trăng không khuyến khích người nuôi chạy theo sản lượng, mà làm thế nào để người nuôi có lợi nhuận cao và giữ cho môi trường vùng nuôi an toàn, bền vững.


Có thể bạn quan tâm

tom-hum-ve-ben Tôm Hùm Về Bến san-luong-nuoi-trong-nam-2013-dat-hon-42-000-tan Sản Lượng Nuôi Trồng Năm…