Tin thủy sản Thị trường ASEAN: Tiềm năng và kỳ vọng

Thị trường ASEAN: Tiềm năng và kỳ vọng

Tác giả Nguyễn Anh, ngày đăng 05/04/2017

Với quy mô trên 600 triệu người, ASEAN được xem là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Cộng đồng gắn bó mật thiết về địa lý văn hóa, kinh tế hy vọng sẽ tạo ra một khu vực kinh tế năng động trong tương lai gần.

Trong ảnh: Dự báo xuất khẩu cá tra Việt Nam tiếp tục tăng Ảnh: Lê Hoàng Vũ 

Nhiều tiềm năng

Theo một báo cáo gần đây của tổ chức phi chính phủ WorldFish, sản xuất thủy sản của các nước ASEAN sẽ chiếm 24% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu đến năm 2030. Theo đó, các chính sách thúc đẩy thủy sản bền vững và triển khai luật quản lý thủy sản là những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Đối với các nước ASEAN, thủy sản là một nguồn dinh dưỡng quan trọng, đồng thời cung cấp sinh kế, tạo công ăn việc làm và giảm đói nghèo. Về lượng, sản xuất thủy sản gấp 4 lần sản xuất gia cầm và gấp 20 lần sản xuất chăn nuôi tại ASEAN. Thương mại thủy sản là nguồn ngoại tệ quan trọng cho nhiều nước đang phát triển. Thủy sản nuôi được dự báo sẽ chiếm hơn 50% tiêu dùng thủy sản tại khu vực ASEAN. Ngoài ra, sự hiện diện của các mạng lưới thể chế mạnh và đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành thủy sản nuôi trồng, đầu tư nghiên cứu là rất quan trọng đối với các công nghệ thủy sản bền vững, hiện đại để cải thiện hiệu quả, giảm chi phí sản xuất và giảm thiểu rủi ro môi trường. Do đó, các nỗ lực trong tương lai nhằm tăng cường dữ liệu quốc gia nội khối ASEAN sẽ cung cấp thông tin tốt hơn cho phát triển chính sách ngành thủy sản.

Sự nổi lên của các nước ASEAN về sản xuất thủy sản xuất phát từ tăng trưởng nhanh hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Đông Nam Á và các đội tàu khai thác ngoài khơi lớn. Thủy sản khai thác và nuôi trồng ngày trở thành một nguồn protein động vật cơ bản, mang lại dinh dưỡng cao, ngoại tệ, sinh kế và sự giàu có cho một bộ phận dân cư tại khu vực này.

Khai thông thị trường láng giềng

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN tăng 16%, đạt 41 triệu USD, chiếm 8,9% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Thái Lan đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam nhiều nhất trong khối ASEAN. Tuy nhiên, nhìn chung, Việt Nam vẫn nhập siêu từ ASEAN. Tính đến hết tháng 10/2016, lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN chỉ đạt 14,2 tỷ USD, giảm 7,6% so cùng kỳ năm 2015. Trong khi, Việt Nam lại nhập khẩu từ thị trường này tới 19,1 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là do các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu thông tin về các thị trường lân cận. Tuy nhiên, điều tất yếu khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là hàng hóa của khu vực sẽ tràn vào Việt Nam và ngược lại Việt Nam sẽ bắt buộc phải nghiên cứu tích cực xuất khẩu để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu ở mức hợp lý. Với ngành thủy sản cũng không nằm ngoài quy luật này.

Trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm thì xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng. Tính đến hết tháng 11/2016, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN đạt 123,3 triệu USD, chiếm 8% tổng xuất khẩu mặt hàng này, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2017 tăng nhẹ 4% lên hơn 1,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm 2017 sang ASEAN dự báo tiếp tục tăng.

Cần có những bước đột phá

Xuất khẩu vào ASEAN nói chung đang có những bước tiến triển chậm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết 10 tháng đầu năm 2016, trong số 10 quốc gia ASEAN thì có tới sáu quốc gia giảm sút nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Chỉ có ba quốc gia hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang tăng trưởng là: Myanmar (21,1%), Philippines (13,8%) và Thái Lan (11,6%). Điều lo ngại là khi hội nhập AEC thì hàng hóa Việt Nam chưa chiếm lĩnh được thị trường quan trọng này, đặc biệt chưa tạo ra được dấu ấn thương hiệu và vị thế của một cường quốc xuất khẩu đến với bạn bè trong khu vực.

Bí quyết thành công của xuất khẩu cá tra vào ASEAN nằm ở giá thành, mặc dù chịu sự cạnh tranh với các loại cá thịt trắng khác, nhưng rõ ràng với vị trí địa lý gần kề, chi phí vận chuyển giảm, đồng thời thương hiệu của cá tra Việt Nam cũng được các nước xung quanh biết đến. Việt Nam và các nước ASEAN có chung một số ngành hàng xuất khẩu, tuy nhiên, nếu Việt Nam phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, các sản phẩm vẫn tiêu thụ tốt, điển hình là các mặt hàng chả cá và surimi của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN tăng liên tục nhiều năm.

Để khẳng định vị thế của ngành thủy sản Việt Nam tại thị trường ASEAN, chắc chắn các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần phải có sự quan tâm đầu tư hơn nữa đối với thị trường này trong năm 2017, bởi theo đánh giá chung thì khả năng xuất khẩu vào thị trường này sẽ tăng trong năm nay và những năm tới.

>> Năm qua, chính nhờ thị trường Trung Quốc - Hồng Kông tăng trưởng mạnh (chiếm gần 20% thị phần xuất khẩu cá tra ra thế giới), đã góp phần tích cực trong tiêu thụ cá quá lứa ở vùng nuôi lẫn kho chứa của doanh nghiệp và nông dân Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

con-giong-trong-nuoi-thuy-san-long-be Con giống trong nuôi thủy… hau-giang-day-manh-lien-ket-phat-trien-ca-tra Hậu Giang: Đẩy mạnh liên…