Tin thủy sản Thị trường cá da trơn Mỹ - Cuộc chiến không cân sức

Thị trường cá da trơn Mỹ - Cuộc chiến không cân sức

Tác giả Tuấn Minh (Tổng hợp), ngày đăng 19/08/2021

Chật vật vì thiếu lao động do ảnh hưởng của COVID-19, ngành công nghiệp cá da trơn nội địa của Mỹ lại tiếp tục gặp khó trước sức cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại, dù Bộ Nông nghiệp Mỹ vẫn giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu cá da trơn.

Ngành cá da trơn tại Mỹ đang chật vật với sự cạnh tranh từ việc gia tăng sản phẩm nhập khẩu Ảnh: ST

Cá nội đuối sức

Người nuôi cá tại bang Mississippi đang yếu thế dần trong cuộc chiến cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Ngành cá da trơn nội địa, cùng các đại diện như Thượng nghị sĩ bang Mississippi Thad Cochran đã vận động hành lang để chuyển giao quyền giám sát hoạt động chế biến cá da trơn từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cách đây 5 năm với kỳ vọng rằng dưới con mắt khắt khe hơn của USDA, thì cửa vào thị trường Mỹ của cá da trơn nhập khẩu sẽ bị thu hẹp.

Nhưng nhập khẩu nhóm cá siluriformes (cá da trơn, trong đó có cá tra) lại tăng mạnh dưới quyền giám sát Cục Kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) vào năm 2016. Trong khi, giá cá da trơn nội địa, chủ yếu ở Mississippi và các bang thuộc miền Nam vẫn tiếp tục giảm. Lượng cá da trơn nhập khẩu trong năm 2019 tiếp tục tăng thêm 65.000 tấn so với năm 2015 – thời điểm trước khi FSIS tiếp quản quyền kiểm soát, theo dữ liệu của Cơ quan Dịch vụ thủy sản, Cục Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA).

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Thương mại bang Mississippi, khối lượng chế biến cá da trơn nội địa chỉ đạt mức 5 triệu pound/tháng, thấp hơn năm 2015. Khi giá cá da trơn nội địa giảm, giá trị nhập khẩu trung bình lại tăng do phải bổ sung nhãn mác theo quy định của USDA. Bill James, từng là bác sĩ thú y trưởng tại FSIS cho biết, chương trình của cơ quan này là hệ thống kiểm soát ưu việt. Dán nhãn và chứng nhận của USDA cùng lời chú thích kèm theo về thành phần làm cho các sản phẩm hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Nhân đôi các nỗ lực giám sát cá da trơn nhập khẩu đã kéo theo thủ tục hành chính rườm rà cùng nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” về thương mại.

Mâu thuẫn nội bộ

Cơ quan thẩm định trách nhiệm của Chính phủ Mỹ (GAO) đã đưa ra 10 báo cáo chống lại quyết định thay đổi quyền kiểm soát cá da trơn năm 2012 với tựa đề “Tránh nhiệm giám sát cá da trơn không nên chuyển giao vào tay USDA”. Báo cáo nhấn mạnh, vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm salmonella là nguyên nhân dẫn đến sự chuyển đổi trên. Nhưng salmonella hiếm khi xuất hiện trong cá da trơn. Báo cáo liệt kê ví dụ duy nhất về đợt bùng phát salmonella tại Mỹ vào năm 1991 và nó không liên quan đến cá da trơn.

Trong đơn thư đệ trình WTO, Việt Nam lập luận rằng việc chuyển quyền giám sát sang USDA không dựa trên nghiên cứu khoa học hoặc đánh giá rủi ro nào. Theo FAO, mặc dù mật độ thả nuôi dày đặc song tỷ lệ bùng phát dịch bệnh quy mô lớn trên cá da trơn hiếm khi xảy ra. Nhưng khi sự giám sát tăng lên và nhiều chi phí kèm theo đã gây thiệt hại ngược trở lại cho ngành cá da trơn nội địa. SouthFresh, một hãng chế biến và sản xuất thức ăn lớn tại bang Alabama đã tuyên bố phá sản vào năm 2019. Nguyên nhân do các quy trình khắt khe hơn, giá thấp hơn trong khi hàng nhập khẩu vẫn tăng khiến doanh nghiệp này lao dốc nhanh hơn.

Bennie Thompson, nghị sĩ Đảng Dân chủ, đại diện bang Mississippi cho rằng, nếu nhập khẩu đang phá hủy ngành công nghiệp cá da trơn nội địa, thì chứng tỏ sự chuyển giao quyền kiểm soát vào tay USDA đã thất bại. Chiến lược này đã không  đáp ứng mục đích của các cuộc vận động hành lang quốc hội trước đó nhằm thiết lập tiêu chuẩn chung để giải quyết mọi lo ngại liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ ngành công nghiệp cá da trơn của Mỹ.

Năm 2020, Hội nuôi cá da trơn của Mỹ đã đề nghị lực lượng đặc nhiệm thương mại thủy sản của NOOA phải yêu cầu thủy sản nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ nhằm tạo sân chơi công bằng. Tổ chức này cũng tham gia nhiều vụ kiện chống lại cá da trơn Việt Nam. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Mississippi, bà Cindy Hyde-Smith nói rằng, chương trình của USDA đang đi đúng hướng với mục tiêu đảm bảo cá da trơn đều an toàn, lành mạnh và không pha tạp. Bà đã chỉ ra vô số lô hàng nhập khẩu cá da trơn của Trung Quốc bị phải trả về vì chứa tồn dư hóa chất. Đây là bằng chứng cho thấy chương trình giám sát của USDA đang hoạt động hiệu quả.

Trong khi hầu hết người nuôi cá da trơn Mỹ ủng hộ việc chuyển giao quyền giám sát, thì nhiều lời chỉ trích, phản đối lại xuất hiện từ những hãng sản xuất thủy sản tự nhiên như cá nheo lục vịnh Chesapeake. Đây đều là doanh nghiệp nhỏ, phụ thuộc vào ngư dân nên không đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn và sự giảm sát của USDA. Trong khi các hãng chế biến lớn tại Việt Nam thì ngược lại.

Cá ngoại tràn ngập thị trường

Cá da trơn nhập khẩu bắt đầu đe dọa thị phần cá nội địa Mỹ từ năm 2000. Trước đó, cá da trơn nội địa vẫn chiếm lĩnh thị trường. Nhưng khi cá nhập khẩu tràn vào thị trường, thị phần của cá da trơn nội địa giảm từ 80% vào năm 2002 xuống 24% vào năm 2019 trong khi đó nhập khẩu cá da trơn từ Việt Nam tăng gấp 5 lần.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng cao từ các loại cá nhập khẩu đã giết chết dần các hãng cá nội địa. Năng lực sản xuất giảm một nửa, nhiều lao động thất nghiệp hoặc giảm thu nhập. Xu hướng này vẫn tiếp diễn suốt giai đoạn USDA nắm quyền kiểm soát do sự tràn ngập cá da trơn trên thị trường làm giá cá lao dốc mạnh vào năm 2018.

Từ khi quyền kiểm soát chuyển sang USDA vào năm 2016, giá trung bình cá da trơn, tổng diện tích nuôi và dự trữ cá đều giảm dù giá cá giống năm 2018 gấp đôi năm 2006. Các hãng chế biến cá da trơn tại Mỹ giữ lập trường im lặng trước việc cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tràn ngập thị trường. Trong khi đó, Hiệp hội nuôi cá da trơn tại Mỹ, tổ chức luôn chống đối cá nhập khẩu lại đang lo ngại những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hơn. Causey cho rằng, hàng nhập khẩu tăng hay không đã không còn quan trọng vào lúc này, bởi cả trại nuôi cá và hãng chế biến tại Mỹ đang đau đầu tìm kiếm công nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm đang tăng cao tại Mỹ.

Theo Chad Causey, đại diện Hiệp hội người nuôi cá da trơn của Mỹ, chuyển giao quyền lực vào tay USDA không bao giờ kìm hãm được hàng nhập khẩu mà chỉ có thể ngăn chặn các sản phẩm chất lượng kém thâm nhập vào thị trường Mỹ. Rào cản này chẳng là gì với cá da trơn nhập khẩu, bởi họ cũng từng làm rất tốt vấn đề chất lượng từ khi FDA giám sát.


Có thể bạn quan tâm

giai-phap-phong-tri-benh-tong-hop-cho-ca-bien Giải pháp phòng, trị bệnh… bo-sung-bot-con-trung-cho-thuc-an-ca-hoi-van-chua-kho-dau Bổ sung bột côn trùng…