Mô hình kinh tế Thu nhập khá từ chồn hương và chim công

Thu nhập khá từ chồn hương và chim công

Tác giả Phan Vinh, ngày đăng 24/07/2017

Nghề chăn nuôi thú rừng ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đến nay đã phát triển khá mạnh, quy mô về con giống. Thế nhưng, mô hình nuôi kết hợp giữa chồn hương và chim công tại đây vẫn còn rất mới mẻ dù cho hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi 1 con chồn hương chỉ tốn chi phí thức ăn khoảng 2.000 đồng/ngày nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PHAN VINH

Từ một thú chơi...

Vốn làm nghề xây dựng, phải thường xuyên đi khắp nơi nhưng anh Trần Văn Giang (46 tuổi, thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh, Phú Ninh) mỗi khi về nhà lại muốn tìm kiếm cảnh điền viên an nhàn. Đặc biệt, anh có đam mê rất lớn với các loài thú rừng độc lạ. Đầu năm 2014, anh tìm kiếm trên internet được địa chỉ bán giống chồn hương có đầy đủ giấy phép ở Nghệ An. Sau đó, anh đã ra tận cơ sở này để mua 5 cặp giống về nuôi với giá gần 40 triệu đồng.

Anh Giang chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ thấy loài chồn hương này nó đẹp và thơm nên mua về chơi cho vui thôi. Chính vì không chú tâm nên thời gian đó, chồn bị bệnh rồi chết khoảng 2 - 3 con, chưa kể có một số trốn khỏi chuồng trại. Sau những tổn thất đó, tôi tập trung nghiên cứu cách thức nuôi và nhân rộng số đàn lên ổn định như bây giờ”.

Sau khi nuôi thành công giống chồn hương, năm 2016, anh Giang tiếp tục ra tận Hà Nội để tìm mua giống chim công. Rút kinh nghiệm từ lần mua chồn, lần này anh chỉ mua công với số lượng ít. Với chi phí khoảng hơn 12 triệu đồng, anh mua được 3 cặp trống - mái. Dù đã tham khảo cách nuôi nhưng sau một thời gian đưa về nhà, đàn công bị mất 1 cặp.

“Bây giờ nhìn lại, thực ra nuôi chồn và công không khó. Nhưng cốt yếu phải hiểu được thuộc tính của từng loài. Từ thức ăn cho đến chuồng trại làm sao cho đủ thoáng, ít ẩm ướt mà cũng không được hanh khô. Đặc biệt, tuy 2 loài này không phát ra mùi hôi thối nhưng phải thường xuyên dọn vệ sinh định kỳ cho chuồng trại, tránh để phát sinh các vi khuẩn gây bệnh” - anh Giang chia sẻ.

Cũng theo anh Giang, nuôi chồn hương gần giống như nuôi mèo, thức ăn chủ yếu là cơm hoặc cháo, thỉnh thoảng có thêm ít rau hoặc thịt cho đầy đủ dinh dưỡng để sau này thịt được chắc. Còn đối với loài chim công, anh Giang lại so sánh như nuôi gà, chỉ khác một điều, công có thể ăn được thêm rau và cỏ.

Phát triển kinh tế

Nhờ nắm vững những kiến thức chăn nuôi mà đến nay, từ khoảng 10 con chồn giống ban đầu, anh Giang đã nhân rộng lên và duy trì ổn định khoảng 30 - 40 con thường xuyên. Mỗi năm, 1 con chồn cái sẽ sinh được 2 lứa, mỗi lứa đạt 3 - 5 con. Từ con giống, nuôi ổn định trong vòng 15 tháng sẽ được xuất bán chồn thịt với giá gần 1,4 triệu đồng/kg, như vậy mỗi con sẽ cho thu nhập khoảng gần 3 triệu đồng.

Một cặp chim công giống sau 2 năm nuôi sẽ có giá hơn 20 triệu đồng. Ảnh: PHAN VINH

Đến nay, đàn chim công của anh Giang đã lên đến 10 con, trong đó có khoảng 6 chim con. Loài công chỉ sinh sản khoảng tháng 2 đến tháng 7, mỗi mùa 1 cặp công sẽ đẻ được khoảng gần 40 trứng. Trong đó chỉ có khoảng 7 con có trống, qua giai đoạn ấp trứng số lượng trứng nở được còn lại khá ít. Con công giống nuôi đến lúc trưởng thành khoảng 2 năm có giá trên dưới 10 triệu đồng.

Theo anh Giang, mô hình này luôn không đủ nguồn để cung cấp cho thị trường. Hiện tại, các nhà hàng ở TP.Tam Kỳ, TP.Đà Nẵng thường xuyên liên hệ đến anh để đặt hàng nhưng anh chỉ cung cấp nhỏ lẻ vì phải duy trì và nhân rộng giống. Cũng chính vì vừa phát triển mô hình, vừa đầu tư nhân giống nên thu nhập chính xác từ đây chưa rõ ràng. Chỉ tính sơ bộ, trong vòng 1 năm, anh thu nhập từ việc nuôi chồn hương khoảng hơn 100 triệu đồng. Còn đối với chim công, anh đang nhân giống trong đàn lên được khoảng 50 con rồi mới quyết định bán. Theo ước tính, khoảng 1 năm nữa, mô hình của anh sẽ cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Theo thông tin từ UBND xã Tam Lãnh, anh Giang đã gửi đơn đến Hạt Kiểm lâm huyện Phú Ninh (nay là Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam) xin giấy phép chăn nuôi thú rừng. Tuy nhiên, hiện tại quy mô của mô hình này vẫn còn nhỏ lẻ nên bàn giao cho chính quyền địa phương theo dõi, kiểm tra và giám sát.

Bà Nguyễn Thị Lài - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết: “Mô hình chăn nuôi chồn hương kết hợp chim công của anh Giang thời gian qua đã đạt được hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra nắm số lượng để liên tục báo cáo lên cấp trên, đảm bảo tất cả sản phẩm xuất chuồng tại đây đều có giấy chứng nhận nguồn gốc. Địa phương cũng khuyến khích và ủng hộ việc anh Giang có nhu cầu mở rộng mô hình để nâng cao hiệu quả kinh tế”.


Có thể bạn quan tâm

tu-tay-trang-kiem-tien-ty-moi-nam-nho-cu-nghe Từ tay trắng kiếm tiền… mo-hinh-rau-huu-co-5-khong-dau-tien-o-khanh-hoa Mô hình rau hữu cơ…