Mô hình kinh tế Thức Ăn Gia Súc Mùa Đông

Thức Ăn Gia Súc Mùa Đông

Ngày đăng 30/04/2014

Những năm gần đây, thời tiết liên tục thay đổi thất thường. Mùa đông, nhiệt độ giảm sâu hơn, nhiều đợt băng giá, băng tuyết xuất hiện dị thường. Các đợt rét đậm rét hại như vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, nông dân.

Thiệt hại

Trong đó, gây thiệt hại nặng nề nhất là tình trạng trâu bò, gia súc chết vì rét hại. Mặc dù câu cửa miệng “con trâu là đầu cơ nghiệp” không còn đúng lắm nhưng ở nhiều nơi, bà con nông dân vẫn coi con gia súc là tài sản lớn. Bởi một con trâu, bò thịt hiện cũng có giá tới 20-25 triệu đồng/con, còn bò sữa 30 - 40 triệu đồng…

Đặc biệt, nhiều nơi bà con đã và đang mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi trang trại với quy mô lớn nên mỗi trận rét tràn về, nếu chẳng may gia súc chết sẽ thiệt hại cả một gia tài của họ. Điển hình nhất là đợt rét kỷ lục 38 ngày năm 2008 đã làm 52.000 trâu bò chết, 150.000ha lúa đã cấy bị chết, thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, hầu như năm nào cũng có rét hại xảy ra. Tại các tỉnh như Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai… vẫn tiếp tục có nhiều trâu bò chết vì rét.

Mỗi đợt rét đậm rét hại, nông dân ở mỗi địa phương đều chịu thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nhiều nơi, gia súc chết cả loạt, phải bán tháo với giá rẻ. Gia súc chết không chỉ ảnh hưởng tới chăn nuôi, sản xuất mà còn tác động tới nguồn cung thực phẩm.

Vì thế, mỗi khi rét đậm rét hại tràn về, cơ quan chức năng và các chính quyền đều phải lo lắng cùng nông dân. Tuy nhiên, do nhận thức của không ít người dân vẫn còn hạn chế, trong khi chưa có mô hình nào để chăn nuôi phù hợp nên thiệt hại do gia súc chết vẫn cứ lặp đi lặp lại.

Cần nhân rộng

Trong khi đó, ở nhiều nơi bà con nông dân lại rất năng động trong việc tìm mô hình để chăn nuôi thích nghi với thời tiết và giảm thiểu thiệt hại do rét đậm rét hại gây ra. Chẳng hạn như mô hình ở Mộc Châu (Sơn La), Ba Vì (Hà Nội), Thái Nguyên…

Từ cuối năm 2013, khi chúng tôi lên thăm huyện Mộc Châu đã gặp cảnh trên khắp cánh đồng, thảo nguyên và nông trường… bà con đổ xô ra đồng thu lượm thân bắp, tận dụng bã mía, cắt cỏ voi và rơm rạ khô… để làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò, ngựa.

Ông Nguyễn Công Lập, chủ một trang trại hơn 80 con bò sữa ở thị trấn nông trường Mộc Châu, cho biết: “Cách làm của chúng tôi rất đơn giản. Tất cả nguồn thức ăn dự trữ cho trâu bò được đưa vào máy cắt nhỏ, rồi chở về chất thành đống lớn tập trung ở quanh trang trại hoặc trong kho để ủ chua. Sau một thời gian, nguồn thức ăn khô lên men và có thể bảo quản được tới 3-4 tháng, tức có thể dự trữ trong suốt mùa đông để làm thức ăn cho gia súc”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu cho biết, Mộc Châu là nơi đầu tiên triển khai mô hình ủ chua thức ăn cho bò sữa. Đây là nơi có lịch sử chăn nuôi bò sữa lâu đời ở miền Bắc, quy mô chăn nuôi rất lớn và những năm gần đây, tốc độ phát triển đàn bò sữa càng tăng nhanh.

Hiện tại, tổng đàn bò sữa ở Mộc Châu hơn 10.000 con và theo dự án đến năm 2015 sẽ tăng lên 15.000 con. Do quy mô chăn nuôi ngày càng lớn, nên để đảm bảo nguồn sữa tươi cũng như duy trì số lượng gia súc, người dân phải nghĩ cách chủ động về nguồn thức ăn thông qua mô hình sáng tạo kể trên.

Mộc Châu còn là một vựa bắp của miền Bắc. Vì vậy, nhiều nơi chính quyền đã tổ chức cho bà con trồng bắp để lấy hạt, còn thân và lõi làm thức ăn ủ chua dự trữ cho gia súc vào mùa đông. Như vậy, đã tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu nông nghiệp.

Thậm chí, tại Mộc Châu còn đang xuất hiện cả dịch vụ “ăn theo” như phay cắt, băm nhỏ thức ăn dự trữ. Bắp cây được băm vụn ngay tại bãi trồng, sau đó được xe tải chở về các dịch vụ hầm chứa của doanh nghiệp hoặc tư nhân ủ để tích trữ thức ăn cho bò sữa vào mùa khô. Thông thường, mỗi hầm ủ ướp có khả năng tích trữ trên 100 tấn.

Còn tại Trại Nghiên cứu ngựa lai và trâu lai Bá Vân thuộc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn phát triển chăn nuôi miền núi (Bộ NN-PTNT) đặt tại thị xã Sông Công (Thái Nguyên), hiện đang chăm sóc khoảng 200 con ngựa lai, ngựa nhập khẩu loại quý hiếm và hàng chục con trâu lai để nghiên cứu khoa học.

Ông Vũ Đình Ngoan, Trưởng trại cho biết, trung tâm đã nghiên cứu các loại cỏ để trồng và nhân rộng nhằm chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, các cá thể nuôi bảo tồn. Các loại cỏ được công nhân thu gom vào mùa hè và mùa thu đều được áp dụng phương pháp ủ chua để dự trữ đến mùa đông. Do đó, không năm nào phải lo đói cho gia súc nữa.

Đặc biệt, mô hình trồng cỏ voi cũng đã được Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn phát triển chăn nuôi miền núi chuyển giao cho bà con ở nhiều vùng.

Ông Dương Văn Thặng, Phó Chủ nhiệm HTX nuôi ngựa Dương Thành, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cho biết, hiện nay đây là một trong những HTX nuôi ngựa nhiều và mạnh nhất cả nước. Trước đây, khi mùa rét tới thì bà con đều rất lo. Nhưng hiện nay, hầu như các gia đình đều phải áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn (rơm khô, cỏ khô và cỏ voi, bắp) để đảm bảo đủ nguồn thức ăn và dinh dưỡng cho gia súc vào mùa rét.

Được biết, hiện ở HTX Dương Thành đang có khoảng 48 hộ tham gia nuôi ngựa thịt và ngựa bạch để bán ra thị trường.


Có thể bạn quan tâm

nhung-luu-y-khi-nuoi-chim-tri Những Lưu Ý Khi Nuôi… chong-ret-cho-cay-trong Chống Rét Cho Cây Trồng