Thực hư thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua dứa xanh, non?
Người trồng dứa tại thị trấn Thống Nhất khẳng định, giữa họ và các nhà máy chế biến không ký kết hợp đồng bao tiêu nên bất kỳ cánh thương lái nào đến trả giá cao đều có thể tiến hành giao dịch.
Không có tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua dứa non bất thường tại thị trấn Thống Nhất
Tuy nhiên, việc mua bán chỉ diễn ra trên diện tích dứa đã đến kỳ thu hoạch chứ không phải đại trà như những tin đồn thất thiệt trước đó.
Thời gian gần đây, dư luận rộ lên thông tin thương lái Trung Quốc tìm về thị trấn Thống Nhất (huyện Yên Định, Thanh Hóa) ồ ạt tiến hành thu mua dứa non với mức giá cao chót vót khiến nhiều người hoang mang.
Trước tình hình trên, PV NNVN đã vào cuộc để xác minh thực hư vấn đề.
Chủ tịch UBND huyện Yên Định, ông Lưu Vũ Lâm khẳng định: “Thông tin trên không chính xác. Thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5 cánh thương lái có đổ về thu mua dứa với số lượng hàng ngàn tấn, nhưng đây không phải là người Trung Quốc, hơn nữa họ mua dứa đã đến thời kỳ thu hoạch chứ không phải loại non, xanh”.
Ông Lâm cũng cho biết thêm, sau khi nắm bắt thông tin đã khuyến cáo các địa phương nêu cao cảnh giác với thương lái Trung Quốc vì họ mua bán chớp nhoáng theo hình thức chộp giật. Bà con nông dân phải thật tỉnh táo, không vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt chuyển đổi sang trồng dứa, bởi khi đối tác dừng thu mua thì khó tránh khỏi tình trạng thua lỗ như người nuôi lợn đang phải đối mặt.
Qua tìm hiểu được biết, vùng dứa nguyên liệu tại thị trấn Thống Nhất có diện tích gần 600 ha, sản lượng trung bình đạt 45-50 tấn/ha. Các hộ chủ động cơ cấu nhiều trà khác nhau để thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ, thời gian thu hoạch rải rác từ tháng 1 đến tháng 6, rộ nhất từ tháng 3 đến tháng 5. Vừa qua là thời điểm dứa chín rộ nên quá trình thu hoạch tất bật hơn thường lệ, tính trung bình mỗi ngày cánh thương lái trên địa bàn và tỉnh ngoài đến thu mua trên dưới trăm tấn hàng.
Lâu nay vẫn tồn tại một thực tế, đó là các nhà máy chế biến không có chính sách đầu tư vùng nguyên liệu, thành thử ra nông dân đều phải tự tay trang trải kinh phí, lo toan tất tần tất các khâu, từ giống, phân bón, vật tư đầu vào cho đến lúc xuất bán, thế nên các hộ đều ưu tiên lựa chọn bán cho thương lái với mức giá cao nhất. Thông thường, những trà đầu có giá từ 4.500 - 5.000 đồng/kg, đến thời điểm cuối vụ sản phẩm khan hiếm nên giá được đẩy lên cao chót vót, dao động từ 8.800 - 9.200đồng/kg.
“Toàn bộ đều do gia đình đầu tư nên khi thương lái đến thu mua, nếu thấy giá cả đưa ra hợp lý thì chúng tôi xuất bán chứ không có điều khoản ràng buộc với đơn vị nào cả”, ông Lê Minh Thường, trú tại Khu phố Sao Đỏ, thị trấn Thống Nhất lý giải.
Gia đình ông Thường triển khai trồng dứa trên diện tích 1,7 ha, mỗi vụ chia nhỏ thành 5 trà khác nhau, tính đến thời điểm này, đã thu hoạch được hơn 1 ha. Khi được hỏi về việc cánh thương lái Trung Quốc thu mua dứa non với số lượng lớn, ông Thường lập tức bác bỏ: “Từ đầu vụ đến nay, thương lái chỉ thu mua dứa chín lòng”.
Hiện các hộ vẫn đang tập trung chăm sóc cho những diện tích dứa trà muộn
Chị Nguyễn Th. Th., một hộ trồng dứa khác ở thị trấn Thống Nhất cho biết thêm, thông thường trước khi thu mua, thương lái sẽ đến kiểm tra kỹ lưỡng, nếu thấy đảm bảo mới tiến hành giao dịch chứ không phải mua theo kiểu “tràng giang đại hải”: “Trong trường hợp họ có đặt vấn đề đi chăng nữa thì chúng tôi cũng không dại gì đem bán, nguyên nhân là dứa non giá không cao, quan trọng hơn là quá trình thu hoạch sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng và giá trị của toàn bộ diện tích còn lại”.
Theo khảo sát, lúc này ở thị trấn Thống Nhất, những diện tích dứa chín cơ bản đã được bà con nông dân thu hoạch xong. Hiện các hộ đang tập trung, tích cực chăm sóc những ruộng dứa triển khai trà muộn, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng thương lái đến thu mua loại này.
Liên quan đến vấn đề này, Công an thị trấn Thống Nhất cũng đã vào cuộc kiểm tra, xác minh. Kết quả, thời điểm trung tuần tháng 4, phát hiện thấy 3 tiểu thương ở tỉnh Lào Cai đến lưu trú và thu mua dứa chín trên địa bàn, danh tính được xác định gồm: Lưu Văn H. (SN 23/8/1981) và Đàm Quyết T. (SN 8/2/1980, cùng cư trú tại bản Lầu, Mường Khương); Nguyễn Thị P. (SN 12/9/1976, cư trú tại Thị trấn Phong Hải, Bảo Thắng).
Lực lượng chức năng xác định, sau khi thu mua những người này đã bán lại cho các tiểu thương người Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ