Mô hình kinh tế Thương Hiệu Độc Quyền Cho Người Đi Chân Đất

Thương Hiệu Độc Quyền Cho Người Đi Chân Đất

Ngày đăng 07/05/2011

Lần đầu tiên tại ĐBSCL có nông dân chưa học hết cấp 3 được cấp bằng chứng nhận thương hiệu độc quyền. Không phải là kỹ sư, bác sĩ hay nhà khoa học, nhưng các kỹ sư, nhà khoa học thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của ông. Ông là Võ Hồng Ngoãn - người được mệnh danh là “vua tôm” trên đất Bạc Liêu.

Những ngã rẽ lạ lùng

Sinh ra tại vùng đất Vĩnh Hưng anh hùng, lớn lên tại thị xã Bạc Liêu. Nhà nghèo, học hết lớp 10 đành bỏ học nửa chừng đi làm lơ xe đò rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Làm cái nghề “lơ cơm” mãi rồi chủ cũng cho cầm vôlăng rồi mua xe chạy. Nhận thấy nghề làm bạn đường phố bấp bênh, ông bán xe về nuôi bò. Con bò trên đất mặn Bạc Liêu nuôi khá mau lớn, nhưng được mấy năm ông chán cái cảnh vắt sữa đem rao bán từng thùng ngoài chợ, vì cả vùng bán đảo Cà Mau chẳng có nhà máy nào thu mua sữa bò.

Ngã rẽ cuộc đời ông cũng từ đây. Năm 2000, Chính phủ có chủ trương cho chuyển đổi sản xuất từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), ông bán hết bò ra xã Vĩnh Trạch Đông mua đất nuôi tôm cầu may. Ông chậm rãi kể về cuộc đời của mình, không sôi nổi như mọi khi nói chuyện về con tôm.

Lúc đó, mua đất tại vùng ven biển này bà nhà không chịu. Nhiều người bảo ông bị khùng, bởi tại Bạc Liêu có biết bao nhiêu “đại gia” bị tôm “búng” cho mất nhà, tiêu tan tài sản. Ngay như Cty Duyên Hải Bạc Liêu có tiền tỉ đầu tư cũng chẳng ăn thua gì.

Cũng như bao nhiêu người khác, ông nuôi theo mô hình công nghiệp với mật độ dày. Trời xui đất khiến thế nào ao lắng rộng 500 m2 ông thấy tiếc thả đại 20.000 con tôm giống xuống. Vụ đầu tiên tất cả các ao tôm nuôi đều “thu hoạch sớm”. Tưởng không có gì cho cái ao mênh mông chẳng chú ý ấy, không ngờ kéo lên bán trên 150 triệu đồng. Ông “ngộ” ra một điều, vùng đất này chỉ thích hợp nuôi thưa, không xử lý hóa chất.

Từ sự tình cờ này, việc nuôi tôm của ông rẽ sang một hướng khác và thành công đến nỗi được tôn vinh ông là “vua tôm Võ Hồng Ngoãn”.

Sáng chế độc chiêu

Liên tiếp mấy năm liền ông đều trúng đậm với mô hình nuôi thưa với mật độ 7 - 9 con/m2 khiến nhiều người ngỡ ngàng. Dạo những năm 2004 - 2005, thức ăn nuôi tôm đột ngột tăng cao, trong khi giá tôm sú loại 30 con/kg cao nhất chỉ 90.000 đồng/kg, ông tính toán: “Cần phải tìm cách gì giảm tối đa chi phí”. Tình cờ về quê hương Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, ông nghe nhiều bà con nông dân than ốc bươu vàng (OBV) nhiều quá, bắt không xuể. Cúm gia cầm đang hoành hành, người nuôi vịt lao đao nên chẳng ai mua OBV cả. Một ý tưởng loé lên: “Vịt ăn được, chắc tôm sú ăn cũng được”. Vậy là ông cho thu mua OBV về luộc chín trộn với thức ăn cho tôm sú.

Điều bất ngờ là tôm sú mau lớn và chẳng bệnh hoạn gì. Vậy là nông dân có thêm thu nhập từ OBV, đồng lúa bớt nỗi lo dịch OBV phá hoại, tôm nuôi ông mau lớn, giảm chi phí. Chính sáng kiến chẳng giống ai này đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp bằng sáng chế bạc cho ông.

Bây giờ nhắc lại chuyện cho tôm ăn OBV, ông vẫn cười vô tư: “Ngày trước, OBV còn nhiều và chưa tìm ra quy trình nuôi vi sinh thích hợp mới làm vậy. Bây giờ OBV ít quá, thu không đủ cho tôm ăn”.

Cũng vào thời gian 2006 - 2007, thuốc vi sinh không nhiều như hiện nay. Để tăng sức đề kháng cho tôm sú, phòng bệnh men gan cho tôm, ông lặn lội tận vùng U Minh tìm mua mật ong về pha với thức ăn cho tôm. Ông bảo: “Con tôm cũng như con người vậy. Phải biết nó muốn gì, trái gió trở trời là phải biết nó bệnh gì mà phòng ngừa trước. Để nó bệnh rồi thì khó trị lắm”.

Nhiều năm nuôi tôm ông đúc rút ra kinh nghiệm thành cả một quy trình nuôi tôm sạch mang tên Sáu Ngoãn. Đó là nuôi thưa, không sử dụng thuốc kháng sinh, chỉ sử dụng vi sinh. Tất cả nguồn nước trước khi thả nuôi phải qua ao lắng rộng lớn, chọn tôm giống chất lượng. Trước khi thả nuôi cần kiểm tra đất, nước sao cho phù hợp. Chính quy trình này đã mang đến thương hiệu “trang trại tôm sú sạch Sáu Ngoãn Việt Nam”.

Nói thì nghe rất dễ, nhưng quá trình thực hiện không phải đơn giản, nhất là mùa nào nên cho tôm ăn loại gì, cho tôm ăn vào buổi nào thích hợp...

Tất cả được ông ghi chép cẩn thận lại thành một quy trình cụ thể và sẵn sàng chia sẻ với bất cứ người nuôi tôm tâm huyết nào.

Thực tế minh chứng cho quy trình nuôi tôm sạch mang tên Sáu Ngoãn Việt Nam đã giúp không ít người trên vùng đất Bạc Liêu khấm khá vì con tôm. Ngay như trong năm 2010 này, với một vụ tôm đầy bất trắc, dịch bệnh hoành hành, nhất là bệnh vi bào tử, quy trình nuôi tôm mang thương hiệu Sáu Ngoãn chẳng hề hấn gì.

trang trai tom sau ngoan.jpg

Nụ cười mãn nguyện của “vua tôm” Sáu Ngoãn. Ảnh: Nhật Hồ

Và con người độc đáo

Ông nói nhiều và nổi tiếng gàn. Tôi đã từng chứng kiến cảnh ông đuổi vợ chồng anh Trần Hòa Bình từ Cà Mau lặn lội trên 100 cây số lên tìm ông chữa bệnh viêm xoang. Ông nói: “Mày về cho vợ mày ăn thịt gà nhiều vào. Chừng nào đau chảy nước mắt, nước mũi đi không nổi rồi cõng nó vô đây chú trị cho”. Anh Bình nghe theo. Thời gian sau gặp anh Bình tại nhà ông ở phường 7, TP. Bạc Liêu, tôi được nghe ông mắng cho một trận về cái tội bày đặt đem quà cáp lên biếu vì cái bệnh viêm xoang của vợ đã chục năm nay hết hẳn.

Ngoài biệt tài nuôi tôm, ông “sở hữu” bài thuốc gia truyền trị viêm xoang, viêm mũi rất hay. Là “tỉ phú” nhưng cuộc sống ông rất bình dị lạ thường. Gần đây, ông bắt đầu làm từ thiện. Cách làm từ thiện của ông cũng chẳng giống ai. Hầu hết những người dân tộc Khmer nghèo ven biển Vĩnh Trạch Đông ông đều thu nạp vào trại nuôi tôm. Con em của họ được ông bỏ tiền ra xây trường học, thuê thầy về dạy. Ông lý giải: “Người ta làm cho mình thì mình có trách nhiệm lo cho con cái của họ học hành đàng hoàng”. Có lẽ vì thế mà trang trại trên 30 ha của ông tuyệt nhiên không có kẻ trộm nào quấy phá.

Thời gian rảnh rỗi ông hay đọc báo, nghe đài và hết sức xúc động khi biết có trường hợp sinh viên mồ côi Trần Thanh Tâm. Ông tìm đến Trường Đại học Bạc Liêu xin cho Tâm vào làm cho mình với khoản lương 1,5 triệu đồng/tháng và tuyên bố nuôi Tâm suốt đời.

Giàu có, trở thành tỉ phú, nhưng ông không bao giờ tiêu tiền quá trớn, ngay cả cách làm từ thiện không phải ai ông cũng cho. Người nghèo xin tiền ông không bao giờ cho, mà bày cách làm ăn. Làm không được ông nhận vào làm công trong trang trại. Ông lý giải với tôi: “Cho bao nhiêu tiền, cất bao nhiêu ngôi nhà tình thương cũng không đủ, làm sao để người nghèo có cơ sở làm ăn mới thoát nghèo được”.

Chính ông đã tạo điều kiện làm ăn cho hàng trăm hộ dân nghèo ven biển Bạc Liêu vươn lên khá, giàu. Giúp đỡ trực tiếp trên 60 LĐ, chủ yếu là người dân tộc Khmer nghèo ven biển có việc làm ổn định, thu nhập cao ngay tại trang trại của mình.

Bước sang tuổi 58, độ tuổi lý ra cần nghỉ ngơi hưởng thụ cùng với “ngai vua” của mình, nhưng ông rong ruổi khắp nơi vùng ĐBSCL để truyền đạt kinh nghiệm nuôi tôm. Theo ông, vừa để học tập vừa muốn xóa đi câu “muốn nghèo nuôi tôm công nghiệp” như một lời sấm truyền cay độc.


Có thể bạn quan tâm

con-hau-tiep-suc-cuoc-song-nguoi-dan-dat-mui Con Hàu Tiếp Sức Cuộc… benh-nam-phytophthora-palmivora-tan-pha-cay-an-qua Bệnh Nấm Phytophthora Palmivora Tàn…