Tin thủy sản Tiềm năng bào ngư 9 lỗ

Tiềm năng bào ngư 9 lỗ

Tác giả Đinh Mười, ngày đăng 01/11/2021

Bào ngư là loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng phát triển lớn, tuy nhiên việc bảo tồn và phát triển tại Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ.

Bào ngư 9 lỗ có tiềm năng rất lớn ở nước ta nhưng chưa được phát triển. Ảnh: TL.

Làm chủ công nghệ sản xuất giống

Bào ngư có thể nuôi trên các vùng sinh thái rạn đá ngầm xa bờ, thân thiện với môi trường, có nhiều tiềm năng đột phá về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Đây cũng là triển vọng để nâng tầm nghề nuôi bào ngư, giải quyết được áp lực lên sản lượng khai thác, góp phần phát triển nghề nuôi biển.

Kết quả khảo sát về hiện trạng phân bố quần thể bào ngư trong phạm vi vùng biển Việt Nam cho thấy có 4 loài bào ngư có giá trị thương mại phân bố trên các vùng địa lý khác nhau, trong đó, loài bào ngư 9 lỗ phân bố tập trung chủ yếu ở vùng biển Vịnh Bắc bộ.

Để có cơ sở khoa học cho việc nuôi, bảo tồn, phục hồi nguồn lợi cho đối tượng bị khai thác quá giới hạn cho phép như loài bào ngư, các nhà nghiên cứu đã nhiều năm trăn trở để tìm cách làm chủ con giống.

Trong đó, một trong những khâu qua trọng nhất trong quá trình sản xuất con giống là việc phải hoàn thiện được kỹ thuật thuần hóa, lưu giữ đàn giống gốc bố mẹ.

Theo Thạc sỹ Lại Duy Phương (Viện Nghiên cứu Hải sản), để làm được việc này, trong quá trình triển khai các đề tài, dự án, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành thu gom đàn giống bố mẹ ngoài tự nhiên sử dụng trong nghiên cứu.

Đến nay, các công trình nghiên cứu trong nước cũng đã thành công trong việc hoàn thiện kỹ thuật nuôi vỗ đàn bố mẹ từ thế hệ F1 với tỷ lệ sinh sản đạt trên 75%. Đây là một trong những thành công từ các công trình nghiên cứu trong việc tạo nguồn bố mẹ phục vụ sản xuất con giống nhân tạo. Đến nay nước ta đã nghiên cứu hòa thiện và làm chủ được công nghệ sản xuất con giống bào ngư.

Công nghệ này bao gồm các khâu kỹ thuật như: Kỹ thuật kích thích sinh sản (đạt tỷ lệ đẻ trên 75%), kỹ thuật ấp nở và ương nuôi lên con giống cấp I (đạt tỷ lệ sống ổn định >7%). Kỹ thuật sản xuất sinh khối tảo đáy làm thức ăn cho bào ngư giống cũng đã được nghiên cứu thành công và đang áp dụng trong sản xuất.

Song song với việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm loài bào ngư 9 lỗ trên bể xi măng, nuôi trên bãi tự nhiên, nuôi lồng bè trên biển cũng được nghiên cứu thực hiện. 

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo khoảng 80.000 ha.

Đây là lợi thế, tiềm năng cho phát triển nuôi bào ngư ở nước ta.

“Qua quá trình nghiên cứu thực nghiệm, Viện đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật thuần hóa, lưu giữ tạo đàn giống gốc bố mẹ từ nguồn giống tự nhiên đạt tỷ lệ sống trên 85%. Đàn giống gốc bố mẹ đã cho sinh sản ổn định ở mức >60%”, Thạc sĩ Lại Duy Phương, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho hay.

Với kết quả này, ngành thủy sản nước ta đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ về đối tượng nuôi mới này và sẵn sàng chuyển giao đến các doanh nghiệp, người dân để mở rộng quy mô sản xuất.

Để chủ động nguồn thức ăn, thời gian qua, Viện Nghiên cứu Hải sản đã chủ động nghiên cứu thành công sản phẩm thức ăn nhân tạo từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, với 2 sản phẩm thức thức ăn viên cho bào ngư giống và bào ngư thương phẩm từ nguồn nguyên liệu chính là các loài vi tảo và rong biển (như rong câu, rong mơ, rong sụn...).

Sản phẩm thức ăn nhân tạo này bước đầu đã giúp cho nghề nuôi bào ngư ở nước ta chủ động được nguồn thức ăn, giúp người nuôi giảm chi phí sản xuất, kiểm soát được chế độ dinh dưỡng và rút ngắn thời gian nuôi.

Các nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Hải sản triển khai đã góp phần cung cấp kiến thức, kỹ thuật cho người dân, kỹ thuật viên trong các trang trại sản xuất giống thủy sản ở một số địa phương ven biển. Qua đó, các công nghệ đã được chuyển giao và đang được các cơ sở sản xuất phát huy, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi trồng hải sản vùng ven biển, hải đảo, có triển vọng phát triển nhân rộng...

Đến nay, những nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất giống bào ngư ở Việt Nam nói chung đã có những phát triển đáng kể so với các nước trong vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... Tuy nhiên, để đẩy mạnh sản lượng con giống, thúc đẩy hơn nữa nghề nuôi bào ngư, cần tập trung công tác chuyển giao, lan tỏa công nghệ đến người dân và các doanh nghiệm sản xuất.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Từ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản cho thấy, bào ngư là đối tượng nuôi mới, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà hoặc chưa đầu tư để phát triển rộng. Hiện Việt Nam có 4 loài bào ngư có giá trị thương mại phân bố trên khắp cả nước, bao gồm bào ngư chín lỗ, bào ngư dài, bào ngư bầu dục và bào ngư vành tai.

Trong tự nhiên, quần thể các loài bào ngư này có khu vực phân bố không liên tục dọc theo các bờ biển nơi có các rạn san hô, bãi đá ngầm ven biển và quanh các quần đảo thuộc vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Do nhu cầu tiêu thụ cũng như sức ép khai thác, những năm qua, nguồn lợi bào ngư khai thác tự nhiên ngày một suy giảm.

Nếu như năm 1970, sản lượng khai thác trên toàn thế giới đạt 19.720 tấn, đến năm 2002 khai thác giảm còn 10.146 tấn thì đến năm 2013 chỉ khai thác được 7.486 tấn.

Trước áp lực khai thác lớn, nguồn lợi các loài bào ngư đặc hữu phân bố ở vùng biển Việt Nam cũng giảm mạnh.

Để hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn lợi khai thác tự nhiên, thời gian qua nước ta đã có sự đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu nhằm chủ động sản xuất ra con giống và công nghệ nuôi thương phẩm để chuyển giao sản xuất đại trà. Tuy nhiên đến nay, nghề nuôi bào ngư ở nước ta vẫn chưa thực sự phát triển, sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ.

Là người có nhiều năm nghiên cứu các đề tài liên quan đến bào ngư, Thạc sỹ Lại Duy Phương cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do chưa có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở hạ tầng, chưa có quy hoạch vùng nuôi tập trung, công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi chưa được lan tỏa rộng khắp đến các doanh nghiệp và các hộ nuôi.

Bên cạnh đó, công nghệ nuôi và hệ thống lồng phục vụ chuyên nuôi bào ngư chưa phát triển, trong khi các vùng sinh thái nuôi bào ngư nằm trong các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bão gió, áp thấp nhiệt đới với tần suất cao, vùng biển phía Bắc chịu tác động của mùa đông lạnh kéo dài, nên đã gây bất lợi cho việc phát triển nuôi bào ngư 9 lỗ.

"Nghề nuôi bào ngư hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết. Để nhân rộng, cần tăng cường công tác khuyến ngư nhằm chuyển giao sâu, rộng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm đến các doanh nghiệp, hộ cá thể nhằm thu hút đầu tư phát triển nghề nuôi đối tượng này.

Đồng thời, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, hình thành được chuỗi giá trị, các dịch vụ phụ trợ phục vụ cho nghề nuôi đối tượng này”, Thạc sỹ Phương chia sẻ.

Kết quả điều tra cho thấy ở các vùng biển nghiên cứu (từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa), một số chất độc đã được người dân sử dụng trong khi khai thác các loài hải sản qúy trong đó có bào ngư.

Mặt khác, các chuyên gia cũng nhận thấy công tác quản lý và việc cưỡng chế thi hành các điều luật đối với các hoạt động khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi hải sản còn nhiều bất cập.

Hậu quả của các hoạt động săn bắt và buôn bán bào ngư đã làm thay đổi và giảm chất lượng môi trường nước, khai thác không hợp lý và không có sự quản lý đồng bộ, sử dụng các phương thức hủy diệt, tàn phá các vùng sinh sống...


Có thể bạn quan tâm

kha-quan-mo-hinh-nuoi-ca-gio-trong-long-tron-hdpe Khả quan mô hình nuôi… xay-khu-uom-duong-giong-ket-hop-vung-san-xuat-tap-trung Xây khu ươm dưỡng giống…