Tin nông nghiệp Tìm nước tưới dưỡng, loại bỏ mạ già

Tìm nước tưới dưỡng, loại bỏ mạ già

Tác giả Thanh Xuân, ngày đăng 21/01/2016

Diễn biến thời tiết phức tạp

Ngày 19.1, tại buổi họp đánh giá diễn biết tình hình thời tiết, khí hậu năm 2015 và dự báo 2016, TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung Tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết, năm 2015 vừa qua, tình hình khô hạn và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có cường độ mạnh và kéo dài nhất trong khoảng 6 thập kỷ qua gây thiếu nước ở hầu hết các hồ chứa thuỷ điện.

Năm 2015 cũng là năm “ghi nhận” nhiều kỷ lục về thời tiết: Ít bão, mùa đông ấm bất thường, nhiệt độ trung bình tăng so với mọi năm từ 1-1,5 độ C, khô hạn, hạn hán nghiêm trọng kéo dài…

“Tình hình hạn hán sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp cho đến cuối tháng 4.2016.

Do đó, nền nhiệt tiếp tục duy trì ở mức cao hơn 0,5- 1,5 độ C, hạn hán tiếp tục xảy ra gay gắt ở miền Trung và Bắc Trung Bộ”- ông Cường nói.

Theo ông Trần Đăng Quang – Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa hạn dài, hiện tượng El Nino đã qua giai đoạn cực trị nhất, các chuyên gia thế giới đánh giá sẽ trở về trạng thái trung tính vào mùa hè 2016.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của El Nino nên lượng mưa năm 2016 sẽ tiếp tục thiếu hụt 25-50% so với trung bình nhiều năm (TBNN), trong đó khu vực Trung Bộ sẽ thiếu hụt nhiều nhất; nhiệt độ trong những tháng đầu năm có xu hướng lớn hơn TBNN, nắng nóng gia tăng, lượng nước tới các sông cũng thấp hơn TBNN, duy trì khô hạn gay gắt ở Trung Bộ và Tây Nguyên.

“Mực nước thấp nhất ở trạm Hà Nội có thể xuống 0,4-0,6m, tình trạng thiếu nước có thể xảy ra cục bộ ở vùng núi cao Tây Bắc và lượng nước ở Tây Nguyên thấp hơn TBNN khoảng 60-80%; ở Nam Bộ, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm hơn”- ông Quang cho biết.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Cục Trồng trọt đưa ra nhận định, đây sẽ là vụ đông xuân ấm khá đặc biệt, diễn biến ấm tiếp tục phức tạp sẽ là khó khăn lớn đối với sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân 2015-2016.

Lo nhất là tưới dưỡng cho lúa

Ông Nguyễn Thanh Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thuỷ lợi Sông Đáy cho biết, địa bàn quản lý của công ty trải dài 100km trên diện tích 26.000ha.

Năm 2016 được dự báo hạn hán nên nước về chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

“Khó khăn nhất là lúc tưới dưỡng, còn đổ ải thì hàng năm luôn có nước của ngành điện xả.

Tới thời điểm tưới dưỡng, mực nước sông xuống thấp, có nhiều năm phải bơm tăng áp tới 3 cấp mà vẫn không đủ nước để tưới dưỡng cho lúa” - ông Vân nói.

  Theo Cục Trồng trọt, dự kiến khu vực đồng bằng Bắc Bộ sẽ gieo cấy vụ đông xuân với diện tích khoảng 630.000ha.

Do đông xuân 2015-2016  chịu tác động lớn của El Nino với dự báo là mùa đông ấm nên Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương tập trung gieo cấy xuân muộn (từ ngày 10.2 đến cuối tháng 2), chiếm khoảng 95%  diện tích.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, bà con nông dân đã và đang gieo cấy các giống lúa xuân sớm như Xi23, X21, IR17494…hiện mạ đã có 6-7 lá.

Ngoài ra, một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, nông dân cũng đã gieo cấy các giống xuân sớm và xuân trung, hiện mạ đã được 4-5 lá, đến khi cấy sẽ được 6-7 lá.

Với nền nhiệt ấm, mạ sinh trưởng mạnh, lúa khi cấy sẽ bén rễ và hồi sinh nhanh, đẻ nhánh sớm nên nguy cơ phân hoá trổ bông trong tháng 3, dẫn tới giảm trầm trọng năng suất là rất cao.

Để thực hiện thắng lợi vụ đông xuân 2015-2016, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện bất thuận của thời tiết, Cục Trồng trọt mới đây đã có văn bản đề nghị Sở NNPTNT các tỉnh phía Bắc tập trung  chỉ đạo, triển khai các giải pháp như:

Rà soát lại toàn bộ diện tích mạ già đã có 6 lá và vận động người dân kiên quyết loại bỏ, thay thế bằng việc gieo mạ mới, hiện vẫn kịp thời vụ xuân muộn; đối với diện tích xuân muộn, tuyên truyền cho người dân sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 135 ngày), có năng suất, chất lượng cao.

Bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, vùng thuận lợi gieo sau lập xuân, cấy trong tháng 2 để lúa trỗ từ 1- 20.5.

Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương phải chủ động tích trữ nước để đảm bảo đủ nước cho tưới dưỡng lúa giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng.

Đồng thời, cần rà soát lại diện tích gieo cấy lúa ở vùng không chủ động được tưới tiêu, có nguy cơ không đủ nước tưới cho cả vụ và sản xuất kém hiệu quả thì cần chuyển đổi sang các loại rau mầu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. 


Có thể bạn quan tâm

5-000-goc-nho-kieng-ninh-thuan-ban-tet 5.000 gốc nho kiểng Ninh… cong-nhan-cao-su-nhan-thuong-tet-3-thang-luong Công nhân cao su nhận…