Mô hình kinh tế Tôm Không Tạp Chất Vẫn Chỉ Là "Nói Chuyện Đạo Lý"

Tôm Không Tạp Chất Vẫn Chỉ Là "Nói Chuyện Đạo Lý"

Ngày đăng 15/08/2014

Chuyện thương lái bơm tạp chất vào tôm được coi là vấn nạn trong XK tôm. Nhưng do thiếu tôm nguyên liệu nên nhiều doanh nghiệp vẫn “nhắm mắt đưa chân” nhập tôm có tạp chất…

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã nhiều lần nhắc nhở hội viên và phát động phong trào “Nói không với tạp chất trong tôm”. Tuy nhiên, theo lời ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, thì từ khi đơn vị này được thành lập đến nay đã được 16 năm, “16 năm đó chúng tôi luôn làm công tác chấn chỉnh về việc có tạp chất trong tôm. Nhưng chỉ là đi nói chuyện đạo lý, chứ chưa hề có công cụ pháp lý để làm việc…”.

Vì... "siêu" lợi nhuận

“Bơm tạp chất vào tôm” là cách gọi chung của việc đưa các chất từ bên ngoài vào tôm sống. Thực tế hiện nay tạp chất chủ yếu được sử dụng là chất agar (một loại thạch) để bơm vào đầu tôm sau khi thu mua.

Agar được chế biến từ rau câu, về bản chất không độc hại. Nhưng việc bơm agar vào tôm thường rất bẩn và gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, bơm agar sẽ làm cho thịt tôm bị dập nát khiến chất lượng giảm.

Việc bơm agar nhằm tăng trọng lượng và kích cỡ của tôm. Những loại tôm vào khoảng từ 15-20 con tôm/kg sẽ bán giá cao hơn loại từ 20-25 con/kg.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú, cho biết tôm bơm tạp chất agar đem lại siêu lợi nhuận, 1kg tôm bơm agar có thể mang lại lợi nhuận 50.000 đồng.

Khi trả lời câu hỏi ai là người bơm agar vào tôm, ông Nguyễn Hữu Dũng thẳng thắn trả lời: “Đó là các thương lái”. Ông Dũng lý giải: Hiện nay, các nhà máy chế biến tôm để XK chỉ hoạt động một nửa công suất do thiếu nguyên liệu đầu vào, vì thế, người nuôi tôm sau khi thống nhất giá cả mới thu hoạch. Thu mua tôm lên đến đâu, thương lái gom ngay đến đó, nên người nuôi tôm cũng không có thời gian để bơm agar.

Các nhà máy thu mua tôm để chế biến XK cũng không bơm agar vào tôm, vì tôm thu mua về sẽ được chia làm 2 loại: Cấp đông nguyên con và tôm bỏ đầu lột vỏ. Nếu loại cấp đông nguyên con mà bơm agar vào đầu tôm thì khả năng bị trả lại hàng rất cao; còn loại bỏ đầu thì dĩ nhiên việc bơm agar là vô nghĩa.

Việc kiểm soát nhập tôm từ thương lái vào nhà máy tuy được thực hiện nhưng cũng chỉ kiểm tra xác xuất. “Trong điều kiện thiếu nguyên liệu thì không thể chờ kiểm tra từng con tôm rồi mới nhập vào nhà máy được”, ông Dũng khẳng định.

Vậy là chuyện bơm agar chỉ có thể do thương lái.

Ông Dũng cũng chia sẻ, nhiều lần ông cùng các đoàn kiểm tra đi “rình bắt” những nhóm tổ chức bơm agar tại đồng ruộng, thậm chí có lần còn xảy ra xô xát, nhưng mọi việc vẫn cứ tiếp diễn do không có chế tài xử phạt nặng (hình sự), nên phong trào “nói không với tạp chất” ít hiệu quả. Và người gánh chịu thiệt hại từ việc bơm tạp chất vào tôm vẫn là doanh nghiệp.

Khâu kiểm soát còn bị bỏ ngỏ

Kiểm soát việc bơm tạp chất vào tôm là công việc của nhiều đơn vị liên quan tại các địa phương có hoạt động nuôi và chế biến tôm. Các lực lượng thường trực cho công tác kiểm soát bơm tạp chất vào tôm là lực lượng chức năng địa phương và ở các Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Ông Dũng phân tích: Thương lái thu mua tôm được phân làm khoảng 2, 3 cấp, bao gồm lái gom (mua tại chân các đầm tôm), lái gộp (thu mua lại của lái gom) và có thể có thương lái cấp cao nhất để thu mua vận chuyển đến bán lại cho doanh nghiệp. Sở dĩ có nhiều cấp vì mỗi nông dân chỉ bán được vài chục cân tôm, trong khi nhà máy cần thu hàng tấn nguyên liệu. Giá tôm cũng cao, nên khó có thương lái nào ôm cả tấn để vận chuyển đến nhà máy được.

Việc bơm tạp chất thường xuất hiện ở giai đoạn lái gộp và lái cấp cao trước khi đến doanh nghiệp. Các thương lái “cỡ bự” này không nhiều ở các địa phương, nhưng vẫn bị “lọt lưới”. Điều này, theo ông Dũng: “Chỉ có thể là hiện tượng bảo kê”.

Chính quyền địa phương có vai trò kiểm soát việc thương lái bơm tạp chất vào tôm, còn những đơn vị chức năng thuộc ngành Nông nghiệp thì có chức năng xử lý vi phạm nếu phát hiện tôm có tạp chất tại các nhà máy chế biến và XK thủy sản.

'Trăm dâu đổ đầu doanh nghiệp"

Như đã phân tích ở trên, doanh nghiệp đang ở thế không muốn nhưng vẫn không kiểm soát được hết tôm nhập vào có tạp chất hay không. Nếu có vi phạm thì cũng đành ngậm ngùi chịu bị xử lý. Tuy nhiên, theo quan điểm của VASEP, không doanh nghiệp nào cố tình sử dụng tôm có tạp chất, nhưng do lỏng lẻo từ khâu quản lý thương lái nên doanh nghiệp bị “vạ lây” nếu cơ quan chức năng phát hiện.

Xử lý nếu phát hiện tôm có tạp chất là chuyện đương nhiên, nhưng ngay tôm chưa vào nhà máy, doanh nghiệp cũng bị xử lý.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, đã có trường hợp doanh nghiệp bị xử phạt khi các lực lượng chức năng phát hiện tôm tại điểm tập kết thu mua của nhà máy. Có nghĩa là những lô tôm này còn chưa qua khâu kiểm soát của nhà máy để nhập vào kho, nhưng cơ quan chức năng đưa ra lý do là tôm đã nằm trong khuôn viên của nhà máy nên nhà máy phải chịu trách nhiệm.

Nếu XK thủy sản là mũi nhọn trong XK các ngành hàng nông sản, thì XK tôm được coi là mũi nhọn của ngành hàng thủy sản. Tuy nhiên, XK tôm đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận” khi nhiều lô hàng tôm bị trả về vì phát hiện có tạp chất.

Nguy cơ này, doanh nghiệp chế biến và XK tôm là người lo lắng nhất. Thị trường hiện vẫn ở giai đoạn buôn bán nhộn nhịp, nhưng với xu hướng kiểm soát chất lượng nguồn hàng NK ngày càng cao ở các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… thì việc sử dụng tôm có tạp chất chắc chắn sẽ không bền vững được.

Đáng lẽ khi thị trường đang sôi động như hiện nay thì doanh nghiệp cần tập trung cho việc thu gom và chế biến để XK. Nhưng doanh nghiệp Việt dường như đang có thêm nhiều gánh nặng khi phải tự lo kiểm soát chất lượng đầu vào cho sản phẩm của mình, cũng như đối phó với các cơ quan chức năng khi xảy ra những lỗi “từ trên trời rơi xuống”…


Có thể bạn quan tâm

hai-hoa-loi-ich-trong-lien-ket-chan-nuoi Hài Hòa Lợi Ích Trong… thoat-ngheo-tu-mo-hinh-trong-cay-ho-tieu-xen-canh-cay-ca-phe "Thoát Nghèo" Từ Mô Hình…