Tôm tăng trưởng tốt nhờ rong sụn
Đặc điểm
Rong sụn (Kappaphycus alvarezii) là một loài rong biển nhiệt đới, sinh trưởng và có nguồn gốc tự nhiên ở vùng biển châu Á -Thái Bình Dương (Võ Hưng, 1980), đặc biệt là Đông Nam Á. Đây là loài rong biển có giá trị kinh tế cao. Một số nghiên cứu cho rằng rong biển hoặc vi tảo cung cấp một loạt các chất chuyển hóa và hợp chất với hoạt tính sinh học tự nhiên có tính kháng khuẩn, chẳng hạn như axit béo không bão hòa, polysaccharides, phlorotannin, các hợp chất phenolic khác, và cả carotenoids.
Việc phát triển rong biển sẽ giải quyết nhiều vấn đề như: giảm được khí thải nhà kính, làm sạch môi trường, rong biển hấp thụ được các kim loại nặng. Tại các vùng nuôi, rong sẽ hấp thu được chất ô nhiễm, làm sạch môi trường, cung cấp ôxy cho sinh vật. Ngoài ra trong rong sụn có chứa nhiều khoáng chất như canxi, magie, kẽm và một số amino acid có lợi cho sức khỏe động vật. Hoạt tính kháng khuẩn của rong sụn được báo cáo có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh do vi khuẩn gây ra ở động vật.
Xử lý nước
Phương pháp nuôi thâm canh cho năng suất cao, song do mật độ nuôi cao, lượng thức ăn cần cho tôm cũng nhiều thêm vì vậy lượng thức ăn dư thừa và các chất bài tiết của tôm cũng lớn theo làm cho môi trường trong ao nuôi mau chóng bị ô nhiễm. Những năm gần đây, có nhiều thành công trong việc sử dụng rong biển để xử lý ô nhiễm dinh dưỡng trong ao nuôi tôm, trong đó rong sụn là một điển hình. Thông thường, rong sụn được nuôi ghép với tôm để hấp thụ nitơ, phốt pho và cacbon… trong nước.
Theo kết quả nghiên cứu của Phân viện Khoa học vật liệu Nha Trang, rong sụn có khả năng hấp thụ một lượng muối amôn rất lớn với tốc độ cao. Chỉ sau 24 giờ, hàm lượng amôn trong nước từ 1.070,49 mg/l giảm xuống còn 830,10 mg/l đối với mật độ rong 400 g/m2, tương ứng trên 20%. Ðến ngày thứ 5 thì ở mọi mật độ rong thí nghiệm hàm lượng amôn trong nước giảm đi hơn 80% và nó giữ ở mức đó cho tới khi kết thúc thí nghiệm ngày thứ 10, hàm lượng amôn chỉ còn 10% so với ngày đầu.
Trong khi đó, ở bể đối chứng hàm lượng amôn trong nước tuy có giảm nhưng không đáng kể từ 1.001,18 mg/l xuống 950,02 mg/l ở ngày thứ 7 và giữ ở mức đó cho tới khi kết thúc thí nghiệm. Ðối với phốt phát, sau 24 giờ rong sụn hấp thụ được từ 30 đến 60%. Mức độ hấp thụ phốt phát tăng theo mật độ rong thả vào trong bể.
Một điều đáng lưu ý khác là khả năng hấp thụ nitơ tổng số của rong sụn cũng khá cao. Sau hai ngày đối với mật độ thả rong từ 500 đến 700 g/m2 hàm lượng nitơ tổng số đã giảm xuống tới 50 - 70%.
Ức chế vi khuẩn Vibrio
Không chỉ có tác dụng trong xử lý nước, mới đây, một chất phụ gia thức ăn từ rong sụn đã được phát hiện là có tác dụng giúp cơ thể tôm chống lại tác nhân gây bệnh phát sáng do vi khuẩn Vibrio harveyi một cách hiệu quả thông qua hoạt động bảo vệ gan cho tôm. Trước đây, kháng sinh đã được sử dụng trong nỗ lực kiểm soát những vi khuẩn này, nhưng hiệu quả còn thấp và nguy cơ kháng kháng sinh trên tôm. Các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển nhanh chóng có nguy cơ truyền tính kháng với mầm bệnh cho hệ vi sinh của con người.
Do đó, cần phát triển các phương pháp thay thế việc điều trị bằng kháng sinh trong tương lai. Trong những năm gần đây, một số loài rong biển cho thấy hoạt tính sinh học như là chất kích thích miễn dịch. Ngoài ra, hoạt tính sinh học của các hợp chất chiết xuất từ rong biển đóng một vai trò quan trọng trong việc chất chống ôxy hóa, kháng virus và cả kháng khuẩn.
Tôm ở thí nghiệm được cho ăn trong 30 ngày với bốn chế độ ăn khác nhau: đối chứng (0 g/kg) và các chế độ có bổ sung rong sụn lần lượt là 5 g/kg, 10 g/kg và 15 g/kg thức ăn. Thí nghiệm được đánh giá trong 8 tuần với mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Kết quả cho thấy, bổ sung rong biển ở nồng độ cao hơn (10 và 15 g/kg) đã giúp tăng cường tỷ lệ sống của tôm. Tổng sản lượng cao nhất thu được trong nhóm tôm được cho ăn với chế độ ăn rong sụn 15 g/kg (P > 0,05) so với các nhóm khác. Sau thử nghiệm cho ăn, thử nghiệm gây bệnh với vi khuẩn V. harveyi đã thực hiện trên nhóm tôm trước đây được cho ăn với chế độ ăn rong sụn 15 g/kg.
Kết quả cho thấy rằng, việc bổ sung rong sụn làm tăng đáng kể lên đến 10% tỷ lệ sống của tôm cao hơn sau khi nhiễm Vibrio. Gan tụy tôm cho ăn rong biển sau đó gây nhiễm thực nghiệm Vibrio có dấu hiệu teo nhỏ trong khi tôm không được ăn bổ sung rong biển gan tụy teo nhỏ, nhiều tế bào bong tróc và hư hại nặng. Dựa trên các kết quả phân tích mô bệnh học, gan tụy từ tôm bổ sung rong sụn nghiên cứu các tổn thương tế bào biểu mô ống thận do nhiễm Vibrio, cho thấy rằng các hợp chất chứa rong sụn có thể bảo vệ gan tụy của tôm khỏi tác động gây bệnh từ Vibrio.
Lưu ý sử dụng
Để đạt được hiệu quả tối ưu trong xử lý nước, người nuôi cần sử dụng rong sụn với mật độ thích hợp. Theo Phạm Quang Huyên (2006) và Huỳnh Quang Năng (2005), thử nghiệm rong câu và rong sụn với mật độ 500 - 700 g/m3, rong có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, cải thiện chất lượng nước và có khả năng thu hoạch sản phẩm rong để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, những kết quả sau đó của Ngô Thị Thu Thảo và cộng sự cho thấy, sinh khối rong ở mức 400 - 800 g/m3 là phù hợp cho mô hình nuôi kết hợp. Nó giúp cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao chất lượng tôm thẻ chân trắng, giúp tôm tăng trưởng hơn và tăng tỷ lệ sống. Với mật độ 1.600 g/m3, người nuôi có thể áp dụng trong các hệ thống lọc sinh học hoặc nuôi thâm canh trên bể.
Ngoài ra, người nuôi cũng có thể trồng rong sụn trong ao sau khi thu hoạch tôm. Điều này giúp xử lý được chất đáy ao nuôi khỏi bị nhiễm bẩn bởi các chất thải tích lũy trong quá trình nuôi tôm có hiệu quả cao. Rong sụn có thể giúp cho quá trình phân huỷ các chất hữu cơ trong chất đáy ao nhanh và hấp thụ các sản phẩm phân huỷ với tốc độ cao góp phần tích cực vào việc xử lý, làm vệ sinh ao đầm, không gây ô nhiễm tới khu vực xung quanh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ