Tổng sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 1,84 triệu tấn, tăng 2,5%
Trong lĩnh vực khai thác, thời tiết tháng 4/2016 trên các vùng biển thuận lợi, giá bán các loại hải sản khai thác tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015, đã thúc đẩy tàu cá tích cực tham gia sản xuất trên biển. Giá dầu tăng thêm 500 đồng/lít (từ 9.870 đồng/lít lên 10.370 đồng/lít), nhưng không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của ngư dân.
Tuy nhiên, từ ngày 6/4/2016, các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng và cá tự nhiên bị chết bất thường, đến nay chưa xác định được nguyên nhân, khiến hoạt động khai thác và tiêu thụ hải sản của ngư dân gặp khó khăn.
Sản lượng khai thác tháng 4 ước đạt 332,8 nghìn tấn, trong đó khai thác hải sản đạt 322,8 nghìn tấn. Lũy kế 4 tháng đạt 1.054,9 nghìn tấn, tăng 3,5% cùng kỳ, trong đó sản lượng hải sản khai thác tăng 3,7%.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng, thời gian qua, tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nhưng không đáng kể đối với tôm nuôi, đặc biệt là tôm nuôi nước lợ.
Tình hình sản xuất tôm nước lợ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Tôm sú duy trì được ưu thế hơn so với tôm thẻ chân trắng. Trong thời gian tới, thời tiết còn diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ mặn ở các vùng nuôi khá cao. Do vậy, người dân có xu hướng chậm thả giống đối với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh.
Diện tích thả nuôi tôm 4 tháng đầu năm đạt 552 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 530 nghìn ha, bằng 101,9% cùng kỳ 2015, diện tích nuôi tôm chân trắng là 22 nghìn ha, bằng 89,8% cùng kỳ 2015. Sản lượng thu hoạch khoảng 81 nghìn tấn (trong đó tôm sú 50 nghìn tấn, tăng hơn 11%, tôm chân trắng 30 nghìn tấn, giảm 11,4% so với cùng kỳ).
Đối với sản xuất cá tra, hiện giá cá tra đã tăng, nhưng vẫn thấp hơn giá cùng kỳ 2015, người nuôi đã có lãi nên tập trung thả giống. Diện tích nuôi đạt 2.415ha (bằng 98,4% cùng kỳ 2015). Sản lượng thu hoạch ước đạt 282 nghìn tấn tương đương 90,7% so cùng kỳ 2015.
Tại cuộc họp giao ban tháng 4/2016 của Tổng cục Thủy sản (ngày 9/5/2016), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám đã đánh giá, trong tháng 4/2016, hoạt động sản xuất thủy sản vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng.
Tuy nhiên, hiện tượng xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhất là hiện tượng cá biển, cá nuôi bất thường tại 4 tỉnh miền Trung đã tác động không nhỏ tới kết quả sản xuất của ngành. Thứ trưởng chỉ đạo, trong tháng 5, ngành thủy sản cần tăng cường công tác quản lý phối hợp với các địa phương để khôi phục sản xuất, đồng thời cùng với các bộ ngành khác theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ để tìm nguyên nhân gây cá chết.
Căn cứ văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản cần bám sát thực tiễn để chỉ đạo điều hành sản xuất, tham mưu hướng dẫn chính sách hỗ trợ cho ngư dân, người sản xuất bị thiệt hại, hướng dẫn xác định vùng khai thác an toàn ở phạm vi ngoài 20 hải lý.
Bên cạnh việc hướng dẫn sản xuất nuôi trồng thủy sản, cần tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và khoa học để hướng dẫn việc lấy nước trong nuôi trồng thủy sản; tham mưu giải pháp lâu dài hướng khắc phục, bảo vệ và phát triển nguồn lợi và các vùng sinh thái sau sự cố cá chết bất thường vừa qua.
Trong tháng 5, Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89, hướng dẫn mẫu thiết kế tàu cá vỏ vật liệu mới, chuẩn bị nội dung rà soát điều kiện đảm bảo an toàn tàu cá; tăng cường kiểm tra hoạt động của tàu cá trên biển, phối hợp với các địa phương hướng dẫn ngư dân để giảm thiểu tàu cá bị tai nạn và vi phạm vùng biển trong khai thác thủy sản; khẩn trương hoàn thiện đề án tôm-lúa để hướng dẫn triển khai thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ