Tin nông nghiệp Trà lá sen Đồng Tháp thơm ngon nhờ công nghệ sấy lạnh

Trà lá sen Đồng Tháp thơm ngon nhờ công nghệ sấy lạnh

Tác giả Thúy An, ngày đăng 02/06/2017

Công nghệ sấy lạnh sử dụng nhiệt độ và áp suất thấp trong môi trường kín để ép hết nước ra khỏi lá nhằm giúp giữ màu sắc xanh và những chất cần thiết có ích cho sức khỏe.

Đồng Tháp nổi tiếng với những sản phẩm từ sen. Ảnh: Bizmedia.

Đồng Tháp không chỉ có nhiều đặc sản như nem Lai Vung, bì mắm Lấp Vò, cá khô Tam Nông mà còn nổi tiếng với những sản phẩm từ sen, trong đó có trà lá sen.

Cuối năm 2016, toàn huyện Tháp Mười có khoảng gần 290ha sen xuống giống. Tùy theo nhu cầu sử dụng ngó sen, hoa sen, gương sen, hạt sen, tâm sen, huyện quy hoạch thành những vùng chuyên canh khác nhau. Trong đó, khoảng 80ha trồng để khai thác lá làm trà, Mô hình này đang được triển khai tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Lá sen (tên đông Y là hà diệp) từ lâu được xem là loại dược liệu giúp giảm cân, giảm mất ngủ, giảm mỡ máu… Từ xưa, người Việt đã biết cách phơi khô lá sen để hãm trà uống. Tuy nhiên, lá sen có kích thước lớn nên nếu phơi khô mà bảo quản không đúng cách rất dễ ẩm mốc trong điều kiện nóng ẩm.

Nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường, nhiều cơ sở trên địa bàn Đồng Tháp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ sấy và dây chuyền chế biến để biến lá sen tươi thành trà lá sen đóng hộp.

Khi trồng sen cho lá, nông dân không được phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc chỉ sử dụng thuốc sinh học để đảm bảo chất lượng lá và an toàn cho người tiêu dùng. Theo người trồng, giá bán lá sen ổn định từ 4.000 đến 5.000 đồng mỗi ký và thường được các công ty sản xuất trà thu mua đều đặn chứ không bấp bênh như gương sen hay hạt sen.

Một mẻ lá sen chuẩn bị đưa vào công đoạn chế biến trà. Ảnh: Bizmedia.

Lá sen đạt chuẩn phải là lá bánh tẻ lớn, xanh đậm, không quá non hay quá già, không bị sâu hại bởi lá non làm giảm hương vị trà, trong khi lá già ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Lá thu hoạch vào sáng sớm sẽ còn độ tươi nên khi mang về cơ sở chế biến vẫn giữ nguyên mùi thơm ngan ngát đặc trưng của nhựa sen.

Công nhân sẽ rửa sạch bằng nước, dưới các vòi đang chảy để rửa trôi hết lớp bụi bẩn bám quanh lá. Sau đó, lá sen được để ráo nước rồi đưa vào máy xắt sợi dài theo bề rộng. Lá tiếp tục được đưa vào máy sấy lạnh để giúp giữ màu sắc xanh và những chất cần thiết có ích cho sức khỏe. Công nghệ này sử dụng nhiệt độ và áp suất thấp trong môi trường kín để ép hết nước ra khỏi lá.

Trung bình, 13kg lá tươi khi sấy còn lại khoảng một kg lá khô. Sau khi sấy nhiệt, lá sen được tiếp tục đưa vào buồng thổi hơi nóng để đưa độ ẩm về ổn định ở mức 5%. Công đoạn này giúp lá sen bảo quản được lâu hơn mà không cần đến hóa chất.

Lá sen sau khi hoàn thành công đoạn sấy lạnh. Ảnh: Bizmedia.

Cuối cùng, lá sen khô được đóng túi và trở thành trà hoặc được nghiền nhỏ để trở thành trà túi lọc. Trà lá sen thành phẩm vẫn còn nguyên màu xanh, mùi thơm đặc trưng của lá tươi.

Hiện nay, với vùng nguyên liệu 80ha, Đồng Tháp cung cấp khoảng 50 tấn trà lá sen mỗi tháng cho thị trường TP HCM, Đồng Tháp, phân phối chủ yếu qua các hiệu thuốc tây.


Có thể bạn quan tâm

nhung-tieu-chuan-nong-san-can-co-khi-xuat-khau-sang-my Những tiêu chuẩn nông sản… trong-dua-luoi-cong-nghe-tu-dong-thu-5-tan-moi-vu Trồng dưa lưới công nghệ…