Mô hình kinh tế Trái Thanh Long Đi Trước… Về Sau?

Trái Thanh Long Đi Trước… Về Sau?

Ngày đăng 20/08/2014

1. Trái kiwi có nguồn gốc từ Trung Quốc với tên gọi trái lý gai. Hạt giống trái này được mang đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đất nước New Zealand vào năm 1904. Năm 1958, New Zealand chính thức lấy tên là kiwi từ loài chim kiwi tiêu biểu của đất nước này. Thực tế nơi trồng nhiều kiwi không phải là New Zealand, nhưng kiwi của New Zealand lại là loại số 1 thế giới.

Thật ra, trái kiwi của New Zealand với thương hiệu Zespri chỉ nổi tiếng sau khi Chính phủ New Zealand tái cơ cấu ngành hàng này vào cuối thập niên 1990. Trước đó, trái kiwi New Zealand cũng phát triển tự phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cạnh tranh thị trường, xem nhẹ chất lượng. Năm 2000, Công ty TNHH Quốc tế Zespri được thành lập như là kết quả của việc tái cấu trúc ngành công nghiệp trái kiwi, trở thành đầu mối duy nhất để xuất khẩu kiwi.

Do sở hữu từ hơn 3.000 người trồng kiwi tại New Zealand nên Zespri như là hợp tác xã. Mọi người cùng cam kết, chỉ trồng, cung cấp loại kiwi chất lượng, an toàn nhất nên việc kiểm soát chất lượng được thực hiện ngay từ nhà vườn cho đến nơi bán lẻ.

Không chỉ làm nhiệm vụ bao tiêu trái kiwi khi thu hoạch, Zespri còn cung ứng cây giống sạch bệnh, tập huấn nhà vườn quy trình chăm sóc… New Zealand không ngừng cải tiến để tạo ra nhiều loại kiwi với khẩu vị khác nhau. Đó là lý do trái kiwi New Zealand chinh phục hầu hết các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, các nước châu Âu. Sau hơn 10 năm xây dựng thương hiệu, New Zealand trở thành nước xuất khẩu kiwi uy tín nhất thế giới.

2. Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, khi là Chủ tịch đầu tiên Hiệp hội Rau quả Việt (Vinafruit) từng đề nghị, lấy trái thanh long làm biểu tượng cho trái cây Việt, bởi thanh long luôn dẫn đầu về kim ngạch trái cây xuất khẩu, được người nước ngoài biết nhiều nhất.

Cũng như kiwi của New Zealand, Việt Nam là nước đầu tiên có vùng nguyên liệu tập trung và sản lượng hàng hóa lớn để xuất khẩu. New Zealand nhận ra tiềm năng và tái cấu trúc ngành hàng này để tạo bước đột phá và không bao lâu sau New Zealand trở thành nước đi đầu về kiwi.

Trong khi đó, ròng rã bao nhiêu năm việc trồng thanh long vẫn tự phát, đến khi dịch bệnh làm nông dân điêu đứng mới tính tới chuyện phòng chống; doanh nghiệp thì cạnh tranh lẫn nhau; khâu sau thu hoạch chưa đóng góp nhiều cho ngành hàng này, nhất là về chế biến. Về xuất khẩu, phần đông doanh nghiệp chỉ bám thị trường Trung Quốc.

Cùng thời gian đó, nhiều nước có thế mạnh về nghiên cứu và lai tạo trái cây như Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan... âm thầm chọn lọc, lai tạo ra giống chất lượng hơn để cạnh tranh lại thanh long Việt. Đảo Hawai trồng khoảng 500ha để cung ứng vào Mỹ. Nhưng nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc, thị trường chính của thanh long Việt Nam, chiếm 80% thị phần, đã trồng 20.000ha ở 2 tỉnh giáp Việt Nam.

Khoảng 10 năm trước, Tiến sĩ Võ Mai từng cảnh báo, “trái thanh long Việt có thể rơi vào tình thế: đi trước về sau khi không có sự thay đổi căn bản. Lúc đó, các nước từng nhập khẩu sẽ không còn nhớ hay biết gì về thanh long Việt!”.


Có thể bạn quan tâm

thanh-long-da-het-thoi-chay-theo-so-luong Thanh Long Đã Hết Thời… vung-liem-vinh-long-mo-rong-dien-tich-trong-ot-chi-thien-len-100ha Vũng Liêm (Vĩnh Long) Mở…