Mô hình kinh tế Triển vọng nuôi cá chạch ở Đạ Huoai (Lâm Đồng)

Triển vọng nuôi cá chạch ở Đạ Huoai (Lâm Đồng)

Ngày đăng 18/04/2015

Từ mô hình thí điểm

Cá chạch bùn hay còn gọi là cá chạch sụn, có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan (tên khoa học là Misgurnus anguilli caudatus). Hiện nay, trên thị trường, cá chạch bùn được người tiêu dùng ưu chuộng vì đây là một loại cá có thịt thơm ngon, xương mềm và bổ dưỡng.

Tháng 8/2014 và cũng là lần đầu tiên Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng đã hỗ trợ vốn để TTNN huyện Đạ Huoai triển khai Đề tài “Thử nghiệm nuôi cá chạch bùn thương phẩm” cho 2 hộ dân tại địa phương, với quy mô 400m2 (200m2/hộ) để nuôi 18.000 con giống. Tổng kinh phí thực hiện Đề tài hơn 80 triệu đồng.

Ông Vũ Đức Biệc (tổ dân phố 2) và ông Trần Minh Ngọc (tổ dân phố 10) ở thị trấn Mađaguôi, được chọn để triển khai mô hình với sự hỗ trợ về giống, thức ăn, thuốc thú y và kỹ thuật từ TTNN huyện. Ông Trần Minh Ngọc cho biết: “Gia đình tôi đào hồ thả cả đã nhiều năm nay, nhưng trước đây chỉ dùng để nuôi cá trắm cỏ và cá chép.

Còn cá chạch bùn, lần đầu tiên gia đình tôi được hỗ trợ vốn để nuôi. Mặc dù vậy, sau thời gian nuôi thí điểm, tôi thấy đây là loại cá dễ nuôi, nhanh lớn và cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với nuôi các loại cá trước đây. Đến thời kỳ thu hoạch, trung bình cá đạt trọng lượng từ 30 - 40 gam/con (từ 25 - 30 con/kg). Hiện nay, trên thị trường cá chạch có giá bán từ 145 - 150 ngàn đồng/kg”.

Vừa là Chủ nhiệm Đề tài và cũng là người trực tiếp theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi cá chạch bùn thí điểm, ông Mai Đức Cường, cán bộ TTNN huyện Đạ Huoai, cho biết: “Cá chạch bùn là loài cá da trơn, có tập tính ăn nổi, nên nước hồ nuôi phải sạch, thông thoáng mới đảm bảo để cá phát triển.

Thức ăn cho cá chạch, chủ yếu là các loại cám chuyên dùng nuôi cá có độ đạm từ 30 - 35%. Ngoài ra, người nuôi có thể cho cá ăn thêm các loại thức ăn khác như cám gạo, tổ mối, tổ kiến… Trong quá trình nuôi, để cá đảm bảo các tiêu chuẩn thịt thơm ngon, xương mềm, thì người nuôi phải tuân thủ thời gian nuôi từ 3,5 - 4 tháng mới thu hoạch.

Vì như vậy, cá mới đủ thời gian để xương hóa sụn. Qua nghiệm thu, sau khi trừ các chi phí, mỗi hộ dân nuôi thử nghiệm thu được nguồn lợi nhuận từ 13 - 15 triệu đồng”.

Đến con cá tiềm năng

Từ kết quả của mô hình thử nghiệm, TTNN huyện Đạ Huoai đã tổ chức hội thảo để nhân rộng mô hình nuôi cá chạch bùn cho người dân và đã thu hút hơn 40 hộ đến tham gia. Sau hội thảo, ngoài những hộ nuôi thí điểm, Đạ Huoai đã có thêm 3 hộ dân khác ở thị trấn Mađaguôi và xã Hà Lâm đầu tư nuôi, với diện tích mặt nước từ 200 - 500 m2/ hộ. Hiện, cá chạch ở những hộ dân này cũng đã thu hoạch và cho hiệu quả kinh tế ngang bằng với các hộ được đầu tư nuôi thử nghiệm.

Ông Lê Văn Thúy, Phó Giám đốc TTNN huyện Đạ Huoai, nhận định: “Đây là mô hình mới, bước đầu cho thấy địa phương có nhiều tiềm năng để nhân rộng và phát triển. Trước mắt, chúng tôi sẽ có trách nhiệm đề xuất với UBND huyện để có thể ưu đãi cho người dân vay vốn nhân rộng mô hình. Riêng về kỹ thuật, Trung tâm sẽ trực tiếp cử cán bộ đến tận nơi để hướng dẫn bà con cách xử lý ao hồ, chăm sóc cá… một cách tốt nhất”.

Theo những hộ dân nuôi cá chạch bùn tại Đạ Huoai, thì hiện nay, cá chạch bùn rất dễ bán và giá thị trường lại cao. Sau khi thu hoạch đều có các thương lái từ TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai lên tận nơi liên hệ để thu mua. Ông Ngô Tấn Tài, người tự đầu tư nuôi cá chạch bùn, ngụ tại thôn 4 (xã Hà Lâm), chia sẻ: “Đây là loại cá tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn, sức đề kháng cao nên không xuất hiện bệnh tật.

Không những vậy, giá cả thị trường hiện rất hấp dẫn, nên tôi đầu tư nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Theo dự định, vào mùa mưa tới, tôi sẽ đầu tư nuôi 2 ao với diện tích khoảng 1.000m2. Nhưng, để đạt hiệu quả cao, chúng tôi rất cần đến sự quan tâm, hướng dẫn về kỹ thuật cùng sự khuyến cáo của các ngành chức năng ở địa phương”.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-ech-thai Hiệu quả từ mô hình… ca-lang-song-hong-dem-den-giau-co Cá lăng sông Hồng đem…