Mô hình kinh tế Triển Vọng Nuôi Hàu Thương Phẩm

Triển Vọng Nuôi Hàu Thương Phẩm

Ngày đăng 19/08/2013

Đầu năm 2013, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam hỗ trợ người dân triển khai mô hình nuôi hàu thương phẩm ven biển. Đến thời điểm này, có thể xem đây là hướng nuôi thủy sản triển vọng, vừa tận dụng nhiều diện tích mặt nước ven biển vừa tạo thu nhập cao cho người nuôi.

Giá trị kinh tế cao

Sau thành công bước đầu của mô hình nuôi hàu thương phẩm trong khay thả đáy tại khu vực Cửa Lở (Tam Hải, Núi Thành), từ đầu năm 2013, với sự hỗ trợ nhiều mặt của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, gia đình ông Bùi Ngọc Hoành (thôn Xuân Mỹ, Tam Hải) quyết định nâng mức đầu tư nuôi hàu. Tính đến nay, sau 7 tháng thả nuôi, 45 nghìn con giống (của Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đều phát triển tốt. Với trọng lượng 10 - 15 con/kg, gia đình ông Hoành thu hoạch được gần 4 tấn hàu thương phẩm.

Giá bán thị trường 20 nghìn đồng/kg, sau khi khấu hao sản xuất, ông lãi khoảng 60 triệu đồng. “Nuôi hàu không phải tốn tiền mua thức ăn, giá thị trường cũng ít dao động. Được sự trợ giúp về giống (34 nghìn con giống) và kỹ thuật nuôi của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, gia đình tôi quyết định mở rộng nuôi đối tượng nhuyễn thể này. Nhờ con giống chất lượng, môi trường nước đảm bảo, nuôi đúng quy trình nên hàu phát triển tốt, gia đình tôi có được nguồn sinh kế ổn định” - ông Hoành nói.

Từ đầu năm 2013, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam triển khai mô hình nuôi hàu ven biển Quảng Nam, bằng hình thức nuôi nổi và nuôi thả đáy bằng lồng lưới tròn 4 tầng và trong khay nhựa. Thơi gian đầu, hàu được nuôi nổi, đến khi đạt kích cỡ khoảng 3 - 4cm được chuyển xuống nuôi đáy. Đây là sự tiếp nối mô hình nuôi hàu và tu hài được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành triển khai tại khu vực Cửa Lở và vũng An Hòa vào năm ngoái.

Đến thời điểm này, việc triển khai mô hình tại vũng An Hòa của gia đình ông Lê Tấn Ích (thôn Long Thạnh Tây, Tam Hải) đã cho thấy hiệu quả khả quan của mô hình. Hiện tại, 34 nghìn con hàu giống do Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam hỗ trợ gia đình ông Ích nuôi phát triển tốt. Ông Ích cho biết: “Theo hướng dẫn, trong 2 tháng đầu, cứ 5 ngày chúng tôi tiến hành vệ sinh hàu một lần để tránh bùn hay các vật khác bám vào. Từ tháng thứ 3 trở đi, định kỳ 5 ngày, chúng tôi dùng máy xịt làm vệ sinh hàu.

Trong quá trình vệ sinh hàu, chúng tôi xác định được tỷ lệ sống cũng như mức độ tăng trưởng của hàu. Các yếu tố môi trường cũng được chúng tôi kiểm tra thường xuyên, nhất là khi triều cường lên nhanh hoặc có mưa to”. Theo cách tính của ông Ích, cứ 10 con/kg hàu thương phẩm, gia đình sẽ thu hoạch được khoảng 3 tấn hàu. Với giá bán vào thời điểm này, gia đình ông Ích thu được hơn 40 triệu đồng sau khi khấu hao chi phí.

Hướng phát triển

Trong những năm qua, hàu chủ yếu được khai thác tự nhiên tại các vùng cửa sông ven biển trên địa bàn tỉnh, tập trung từ tháng 2 đến tháng 8, với sản lượng thu hoạch hơn 500 tấn/năm. Hàu chủ yếu bám vào đá, các rạn san hô, bãi ngầm và được ngư dân địa phương khai thác, đập vỏ lấy thịt bán tại các chợ.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, qua các kết quả thu được từ nuôi hàu đơn thương phẩm, có thể thấy đây là hướng nuôi nhiều triển vọng của ngành nuôi thủy sản Quảng Nam. “Đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, thị trường tiêu thụ dễ, hiệu quả kinh tế cao là những điều dễ nhận thấy từ việc nuôi hàu thương phẩm.

Với điều kiện tự nhiện thuận lợi của 125km chiều dài bờ biển và diện tích nước lợ vùng cửa sông khá lớn, nghề nuôi hàu thương phẩm ở Quảng Nam sẽ là hướng phát triển tốt cho ngành thủy sản trong thời gian đến, nếu biết đầu tư thích đáng. Điều này không chỉ tận dụng tốt điều kiện tự nhiên sẵn có mà sẽ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân” - bà Tâm nói.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Hoành, hàu thương phẩm của gia đình chỉ được bán khi có một số nhà hàng, quán sá đặt mua chứ chưa hề được xuất bán đồng loạt, quy mô lớn. “Tôi được biết, hàu có giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ không nhỏ. Có điều, chúng tôi chưa quen biết được các mối tiêu thụ lớn. Nếu xuất bán được đồng loạt sản phẩm, chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa diện tích, nuôi theo mùa vụ với quy mô lớn.

Chúng tôi rất cần ngành chức năng hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm” - ông Hoành nói. Từ kinh nghiệm nuôi các loài nhuyễn thể trong nhiều năm qua, ông Hoành cho rằng, việc nuôi hàu cần phải căn cứ theo mùa để lựa chọn phương pháp nuôi phù hợp. Nếu nuôi ở mùa lũ, tỷ lệ sống của hình thức nuôi đáy sẽ cao hơn hình thức nuôi nổi. Ngược lại, vào mùa khô, hàu được nuôi nổi phát triển tốt hơn nuôi đáy. Ngoài ra, hàu nuôi trong mùa khô có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn rất nhiều so với nuôi vào mùa lũ.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hàu là thực phẩm giàu chất bổ dưỡng. Cứ 100g thịt hàu có: 10,9g protein, 1,5g chất béo, 375mg kali, 270mg natri, 35mg can xi, 10mg magiê, 5,5mg sắt, 47,8mg kẽm, 11,5mg đồng, 100mg phốt pho, ngoài ra còn có vitamin A, B1, B2, acid taurine và các vi nguyên tố khác. Lượng iod trong thịt hàu cao gấp 200 lần so với sữa bò và lòng đỏ trứng. Ngoài ra, hàu còn có các acid amin và nhiều chất có hoạt tính đặc biệt chỉ có trong sinh vật của biển cả. Với những giá trị dinh dưỡng đó, hầu thương phẩm rất được thị trường ưa chuộng.


Có thể bạn quan tâm

ca-loc-tam-nong-trung-mua-trung-gia Cá Lóc Tam Nông Trúng… phong-tranh-nguy-co-ca-long-bi-ngo-doc-moi-truong-nuoc Phòng Tránh Nguy Cơ Cá…