Mô hình kinh tế Trồng Tiêu Trên Đất Khó

Trồng Tiêu Trên Đất Khó

Ngày đăng 26/06/2014

Những vườn tiêu xanh tốt bời bời trên vùng đất Kông Chro (Gia Lai) là hình ảnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, đi qua 2 xã Yang Trung và Chơ Long, chứng kiến nhiều vườn tiêu cả ngàn trụ, năng suất không thua kém “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh dễ khiến người ta tò mò...

Đó là thành quả bước đầu của những “nhà nông liều lĩnh” dám tiên phong đưa hồ tiêu về trồng trên vùng đất khó này. Chàng trai thế hệ 9X Thẩm Trung Hiếu-thôn 9, xã Chơ Long là một trong số những nhà nông trẻ đầu tiên ở Chơ Long mạnh dạn đầu tư trồng hồ tiêu. Hiếu kể: “Năm 2008 khi gia đình tôi chuyển từ Đak Lak về đây, vùng này hầu như chưa nhà nào trồng tiêu. Cả huyện lúc ấy mới có lác đác một số vườn tiêu vài trăm trụ do nông dân trồng thử, tập trung ở xã Yang Trung.

Gia đình tôi cũng chỉ trồng những loại cây phổ biến ở vùng này như mía, mì, ớt. Tuy nhiên, tôi thấy đất ở đây khá xốp, thoát nước tốt, độ dốc thấp nên trồng thử 200 trụ tiêu. Nhiều người bàn ra vì ở Kông Chro hầu như chưa ai nghĩ đến việc đưa cây tiêu vào cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Nhưng chỉ sau 3 năm, cây tiêu đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác”.

Là một trong những gia đình đầu tiên đầu tư trồng hồ tiêu trên đất Chơ Long, quyết định của Hiếu được xem là khá liều lĩnh bởi vốn đầu tư cho cây tiêu không hề nhỏ, trung bình từ 300 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng/trụ. Nếu tiêu không hợp với đất, hoặc sâu bệnh, coi như Hiếu mất bạc triệu cho sự thử nghiệm mới mẻ này.

Nhưng anh có cái lý riêng để đầu tư vào bài toán kinh tế: “Tôi tìm hiểu nhiều về chất đất ở đây mới mạnh dạn lên huyện Chư Prông mua giống tiêu về trồng. Tôi cũng học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm từ những chủ vườn tiêu năng suất cao ở đây. Tôi còn mày mò tìm hiểu qua mạng internet, đó như một cuốn bách khoa toàn thư giúp tôi có thêm kiến thức, an tâm với quyết định của mình”.

Bản tính của một nhà nông đã thôi thúc Hiếu thử nghiệm với cây tiêu, dù có lúc cũng nao núng khi nhìn những vườn tiêu cả ngàn trụ ở thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh chết hàng loại. Nhưng Hiếu nói, cây trồng cũng như con người, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi quyết định phát triển thêm cây hồ tiêu ở Chơ Long, Hiếu bỏ nhiều công sức tìm hiểu kỹ những kỹ thuật mới để phòng ngừa sâu bệnh trước khi xuống giống.

Hiếu cho hay: “Tôi thường xuyên cập nhật thời sự về cây tiêu trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội facebook. Có hẳn một nhóm thành viên đến từ các vùng hồ tiêu trong cả nước, người là kỹ sư, người mới chuyển đổi giống cây trồng sang hồ tiêu, có cả những “lão nông” giàu kinh nghiệm. Chúng tôi có thể trao đổi mọi vấn đề liên quan đến cây hồ tiêu trên diễn đàn này để thu lượm kiến thức, kinh nghiệm”.

Chàng trai 9X chia sẻ, sở dĩ quyết tâm tới cùng với cây tiêu vì ngoài chi phí đầu tư ban đầu, làm tiêu không nặng nhọc, hiệu quả kinh tế cao. Hiếu nói: “Nếu chỉ loanh quanh với cây mì, cây ớt, bắp thì người nông dân còn khổ dài dài do giá cả bấp bênh. Hơn nữa, cả vùng Kông Chro này chỉ có 2 xã Chơ Long và Yang Trung chất đất hợp với cây tiêu, coi như đây là một sự may mắn cho người nông dân trên vùng đất này.

Hiện tôi đang ươm trên 1 ngàn cây lồng mức-một dạng trụ sống, hiệu quả cao và có thể tiết giảm chi phí đầu tư. Hình thức trụ sống này hiện được đánh giá khá cao, nhất là trồng xen cây cà phê cho năng suất rất tốt. Nếu thuận lợi, khoảng 2 năm tới, tôi có thể xuống giống 1 ngàn trụ tiêu trên những trụ sống này”.

Ngoài gia đình Hiếu, ở Chơ Long và Yang Trung, hiện có một số vườn tiêu trên ngàn trụ, đặc biệt, có gia đình đã phát triển vườn tiêu lên tới 7-8 ngàn trụ, hiệu quả kinh tế cao. Hiếu tự tin: “Trồng tiêu ở Chơ Long đã 6-7 năm, tôi chưa thấy tiêu vùng này bị sâu bệnh, hy vọng phát triển kinh tế từ hồ tiêu là hướng đi đúng”.


Có thể bạn quan tâm

khong-co-chuyen-vai-thieu-duoc-mua-rot-gia Không Có Chuyện Vải Thiều… bien-phap-quan-ly-dich-hai-tren-lua-he-thu-2014 Biện Pháp Quản Lý Dịch…