Mô hình kinh tế Từ Nuôi Ong Lấy Mật Đến Làm Du Lịch

Từ Nuôi Ong Lấy Mật Đến Làm Du Lịch

Ngày đăng 09/07/2013

Từ lần gặp đầu tiên, tôi rất ấn tượng với chú bởi tác phong nhanh nhẹn và cởi mở. Chú là người biết nắm bắt cơ hội để làm kinh tế gia đình: nuôi ong lấy mật và làm du lịch. Chú Lê Hữu Phước, 58 tuổi, một nông dân chân chất, thích học hỏi, ngụ ở ấp Phú Hiệp - xã Vĩnh Bình (Chợ Lách - Bến Tre).

Gần 20 năm đưa ong tìm mật

Chú Phước cho biết, nghề này chú đã trải qua hơn 17 năm và bây giờ người con trai của chú - anh Lê Tấn Đức đang tiếp tục. Hiện hai cha con có hai trại nuôi ong với khoảng hơn 500 thùng (giá một thùng ong, tám kèo là 1,1 triệu đồng). Nghề cũng khá kỳ công, không phải ai nuôi cũng được. Phải di chuyển ong thường xuyên từ nơi này sang nơi khác, có khi tận miệt Đồng Tháp, Long An - vùng có bông tràm nhiều, để ong cho mật có chất lượng tốt nhất, nhiều nhất.

Gần như chỉ có mùa xuân chú mới ở nhà, vào các mùa còn lại chú phải theo đàn ong đi xa xứ. Hiện nay, con trai chú đang cùng đàn ong ở tận miệt Đồng Tháp (Tràm Chim). Vào mùa hoa nở rộ (mùa xuân), cứ 10 ngày thu hoạch một lần, một thùng ong từ bảy đến tám kèo cho từ 600gr - 800gr mật, vào mùa khác thì phải 20 ngày mới lấy mật một lần.

Giá một lít mật bán cho đại lý là 32.000-35.000 đồng/lít (1 lít mật = 1,3kg). Và với 500 thùng ong, mỗi năm chú thu hoạch từ 5-7 tấn mật, sau khi trừ chi phí (thức ăn cho ong: phấn hoa và bột đậu nành, tiền ăn ở, xăng dầu theo đàn ong…), chú còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Chú cho biết, ong có nhiều loại như ong Ý, ong Áo, ong Pháp và ong nội địa (ong Ấn Độ đã thuần chủng), mỗi loại đều có ưu, khuyết điểm của nó. Ong Áo và ong Pháp cho mật nhiều nhưng nuôi con rất dở. Ong nội địa thì mật không lấy đại trà được (phải có chu kỳ). Ong Ý, mật ít hơn nhưng nuôi con rất khỏe.

Ong cũng có bệnh: chí bám vào và cắn chết ong con, làm thiệt hại đàn. Ngoài ra, khi di chuyển đàn phải tránh xa vùng có thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều trường hợp khi di chuyển đến chỗ thả, ong hút mật hoa có thuốc bảo vệ thực vật làm thiệt hại cả đàn, trắng tay, phải đầu tư nuôi mới rất tốn kém. Tốt nhất là di chuyển đàn ong vào rừng, chủ yếu là rừng tràm, vừa cho mật nhiều, chất lượng cao và khỏi lo bị thuốc trừ sâu.

Tranh thủ làm du lịch

Từ khi khu du lịch sinh thái Ba Ngói đi vào hoạt động, chú Phước làm tài công đưa du khách tham quan. Và từ đây, chú mở điểm dừng chân tại nhà, với những đặc sản từ ong mật như mật ong, trà mật ong, rượu mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa… khá ấn tượng. Với du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh và ngoài nước, việc xem cách nuôi, lấy mật ong trực tiếp và tự tay cầm lên một kèo với đầy ong con là rất thích thú. Chú Phước tâm sự: Vui, tôi tham gia cùng Ba Ngói khoảng gần hai năm nay, học hỏi cũng nhiều, từ cách làm du lịch, tiếp đoàn…

Đặc biệt, tôi “biết thêm bốn thứ tiếng” Hàn, Trung, Pháp, Anh và mới học thêm tiếng Nhật (chủ yếu nói được mấy câu: xin chào, mời ngồi). Được biết, điểm dừng chân nhà chú Phước cũng nằm trong nhiều tour du lịch sinh thái khá hấp dẫn của huyện Chợ Lách. Ngoài thu nhập từ việc làm du lịch và nuôi ong, chú Phước còn có thu nhập từ ba công đất trồng chôm chôm và một công trồng sầu riêng, bình quân mỗi năm chú thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng.


Có thể bạn quan tâm

nhan-rong-mo-hinh-cay-lua-mua-theo-phuong-thuc-khong-lam-dat Nhân Rộng Mô Hình Cấy… tung-buoc-tu-san-xuat-ca-giong-nuoc-lanh Từng Bước Tự Sản Xuất…