Mô hình kinh tế Tỷ phú đa năng vùng biên giới

Tỷ phú đa năng vùng biên giới

Tác giả Kim Ngân, ngày đăng 14/09/2016

Tích lũy kinh nghiệm, kiến thức

Trang trại của ông Nhật rộng 2ha, xung quanh trang trại được ông rào chắn cẩn thận.

Cách trang trại không xa là cả một cánh đồng rộng lớn, nơi ông Nhật có 5 mẫu ruộng trồng 3 vụ lúa mỗi năm.

Ông Nhật là 1 trong những điển hình nông dân sản xuất giỏi có đức tính cần cù, ham học hỏi, mạnh dạn sáng tạo.

Ông Nhật đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Ông đã góp phần đưa phong trào nông dân sản xuất giỏi của xã phát triển mạnh mẽ…”.

Ông Lê Văn Nên - Chủ tịch Hội ND xã An Thạnh

Trang trại chăn nuôi của ông Nhật có quy mô khá lớn trên địa bàn xã với cả ngàn con heo thịt lẫn heo nái, rồi mấy chục hồ nuôi lươn, chưa kể đến cả ngàn con bồ câu, vài ba trăm con gà, con vịt và mấy ao nuôi cá.

Tôi cứ nghĩ, với quy mô chuồng trại như vậy ắt sẽ khó tránh mùi hôi thối từ thức ăn chăn nuôi lẫn phân thải.

Nhưng suốt cả ngày ở đây, những mùi hôi ấy không hề xuất hiện.

Đó là do ông Nhật biết áp dụng có hiệu quả mô hình VAC, chia từng loại vật nuôi ở mỗi khu vực riêng biệt, chú trọng đến vấn đề tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường xung quanh chuồng trại.

Tuy là chủ trang trại, nhưng thật khó phân biệt giữa ông Nhật với những người làm công ở đây.

Bởi khi vào chuồng trại, ông Nhật cũng xắn tay làm việc như bao người làm công khác.

Ông Nhật cho biết tất tần tật mọi việc ở trang trại ông đều trực tiếp tham gia làm và chỉ dẫn cho người giúp việc.

Những việc như tiêm thuốc ngừa bệnh, phối heo, đỡ heo đẻ hay trộn thức ăn cho lươn… đều do chính tay ông hoặc vợ ông thực hiện.

Ông vui vẻ thổ lộ: “Tôi không có bí quyết chăn nuôi gì, chỉ là làm riết thành quen, có kinh nghiệm, theo kiểu nghề dạy nghề và sống lâu lên lão làng thôi.

Tôi nào có qua trường lớp thú y, nhưng từ thực tiễn mỗi ngày chăm sóc bầy heo, đám lươn mà giờ tôi thuần thục hết cả mọi việc như phát hiện bệnh, tiêm ngừa, chích thuốc…”.

Dám làm, dám chịu rủi ro

Ngày trước, gia đình ông Nhật rất nghèo khó.

Ba ông là liệt sĩ, hy sinh năm 1972.

Là con lớn trong nhà, ông nghỉ học từ lớp 8 ở nhà làm ruộng phụ mẹ nuôi các em.

Sau đó, ông đi học bổ túc trở lại, nhưng tới lớp 11 lại nghỉ vì cảnh nghèo khó.

Ông cũng đã từng làm ở Ban Tuyên giáo huyện Bến Cầu được khoảng 6 năm nhưng phải xin nghỉ vì đồng lương lúc đó không đủ cho ông nuôi vợ con, lo cho mấy em nhỏ đi học.

Rồi ông và vợ cùng bắt tay gầy dựng bầy heo, ban đầu chỉ vài ba con heo nái, sau nâng lên ba, bốn chục con.

Vừa làm vừa tích lũy thêm vốn liếng mua thêm đất ruộng.

Thấy việc nuôi heo có lợi nhuận cao, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.

Đến năm 2005, ông Nhật thành lập trang trại theo mô hình ruộng, ao, chuồng.

Tích tiểu thành đại, sau hơn chục năm, ông đã có cơ ngơi khang trang, nguồn thu mỗi năm từ lúa, heo, lươn, cá… trên 2 tỷ đồng, lợi nhuận thu về khoảng 500 triệu đồng.

Trong suốt quá trình trò chuyện, ông Nhật không quên kể cho tôi nghe những lần ông lao đao, thất bại khi gầy dựng cơ nghiệp.

Đó là lần đầu tiên ông đào ao nuôi cá trên khu đất ruộng ngập nước và xây trại nuôi heo.

Vì không có kinh nghiệm nên chưa được bao lâu thì đất nơi đó bị sụt lún.

Ông mất gần hết vốn.

Hay như đận dịch heo bệnh tai xanh năm 2010, vợ chồng ông cũng mất mấy trăm triệu đồng…

Tất cả những rủi ro ông Nhật đều vượt qua được, trong đó có phần quan trọng chung vai gánh việc của người vợ.

Ông Nhật tâm sự: “Vợ tôi giỏi lắm, dù không được đào tạo bài bản về kỹ thuật chăn nuôi, nhưng bà ấy biết làm hết thảy các phần việc ở trang trại này.

Năm trước, tôi bị té đứt dây chằng ở chân không thể đi lại được, một mình vợ tôi vừa lo chăm sóc tôi, vừa giúp tôi quản lý, điều hành trang trại…”.

Giúp nông dân thoát nghèo

Khi việc nuôi heo, cá, gà, vịt đã ổn định, ông Nhật bắt tay vào nuôi lươn.

Bấy giờ, đây là một mô hình mới ở xã An Thạnh.

Ông chỉ cho tôi xem dãy trại nuôi lươn với 36 hồ.

Theo ông Nhật, một hồ lươn thả 250kg lươn giống sẽ cần số vốn 80 triệu đồng.

Năm 2015, ông đầu tư nuôi 3 tấn lươn giống, đến khi xuất bán được 17 tấn, ông thu về khoản lợi nhuận khá cao.

Thành công của ông Nhật đã tạo niềm tin cho nhiều nông dân ở trong và ngoài xã mạnh dạn tìm đến học hỏi kinh nghiệm và đầu tư vốn nuôi lươn.

Ba năm qua, ông Nhật tham gia làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã An Thạnh.

Ông tổ chức nhiều buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi.

Trang trại của ông Nhật được nhiều nông dân trong và ngoài địa phương tìm đến học hỏi.

Có bao nhiêu kinh nghiệm, ông Nhật đều chia sẻ bởi tính ông vốn cởi mở, vui vẻ, nhiệt tình.

Không chỉ vậy, ông còn hỗ trợ vốn, con giống không tính lãi cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ thoát nghèo.

Từ lúc ăn nên làm ra, ông Nhật còn tích cực ủng hộ địa phương rất nhiều về vật chất lẫn tinh thần.

Ông là một trong những người thường xuyên ủng hộ cho các nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo, vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa… “Việc tôi ủng hộ quỹ cho Hội Nông dân xã cũng như góp phần hỗ trợ vật chất cho địa phương, hay giúp đỡ những anh em hội viên nghèo khó là việc làm tất nhiên, thể hiện đạo lý ở đời mà thôi…”-ông Nhật bày tỏ.

 


Có thể bạn quan tâm

ty-phu-8x-giup-dan-tieu-thu-nong-lam-san Tỷ phú 8X giúp dân… nhieu-nha-co-xe-hoi-biet-thu-tu-nghe-nuoi-ngua-bach Nhiều nhà có xe hơi,…