Mô hình kinh tế Ứng Xử Ra Sao Với Vacxin CGC

Ứng Xử Ra Sao Với Vacxin CGC

Ngày đăng 01/03/2012

Viện trưởng Viện Chăn nuôi Hoàng Văn Tiệu: “Vacxin là để phòng dịch, có thì cứ tiêm”

Đứng trên phương diện của một nhà khoa học nghiên cứu về chăn nuôi, tôi cho rằng vacxin vẫn là một giải pháp phòng trừ dịch bệnh tốt. Ta cứ nói rằng, thế giới khuyến cáo không tiêm vacxin, rồi thì so sánh tại sao nhiều nước, mà đơn cử như Thái Lan không tiêm phòng nhưng dịch CGC ở họ đã khống chế rất tốt? Như thế là bởi đặc điểm chăn nuôi, an toàn sinh học, hệ thống kiểm soát dịch bệnh và các giải pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, lẫn việc thực thi các quy định pháp luật về thú y và kiểm dịch của họ rất nghiêm. Còn ở ta thì sao, có thể nói là hết sức lỏng lẻo.

Tôi chưa rõ virus biến chủng thế nào, hiệu quả bảo hộ của vacxin ra sao, nhưng vừa qua, tôi chủ trì đoàn công tác vào kiểm tra dịch tại các tỉnh Bắc Trung bộ, thấy chỗ nào tiêm vacxin thì không có dịch xẩy ra, còn những chỗ xẩy ra dịch thì đều là không được tiêm vacxin. Điều này đương nhiên là cũng phản ánh gì đó về tác dụng của vacxin quá đi chứ! Ngay như ở các đơn vị của Viện, thời gian qua chúng tôi vẫn cho duy trì tiêm phòng đều đặn, chứ không bỏ được.

Tóm lại thì quan điểm của tôi, vacxin là để phòng bệnh, nếu nhà nước có kinh phí, có vacxin tiêm đại trà được thì càng tốt. Còn nếu không thì vẫn phải hỗ trợ tiêm vacxin có trọng điểm cho các vùng có nguy cơ cao, các vùng kinh tế khó khăn thì nên được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn vacxin. Thậm chí, còn cần phải xã hội hóa, để người dân tự mua vacxin nhằm giảm gánh nặng cho nhà nước nữa.

Đối với quyết định tiêm phòng cho các tỉnh miền Bắc hiện nay, cần phải cân nhắc thật kỹ. Bởi vấn đề nằm ở chỗ, muốn tiêm vacxin hiệu quả thì ngành Thú y phải đẩy mạnh việc xác định virus lưu hành thế nào, để tìm ra vacxin có kháng nguyên tương ứng với virus ở từng địa phương. Lúc xác định chính xác virus rồi, thì vacxin phải có hiệu quả bảo hộ cao, đạt 90% trở lên mới nên tiêm, nếu không cứ tiêm bừa, hiệu quả không trúng thì rất lãng phí.

Cái yếu của chúng ta là chưa giám sát được dịch, chưa nắm bắt chính xác được virus lưu hành như thế nào. Về vấn đề này, việc lấy mẫu để xét nghiệm virus có quy mô và bài bản có ý nghĩa quyết định. Nhưng công việc này, Viện Chăn nuôi từ cách đây 3 – 4 năm đã được trang bị máy xét nghiệm, rồi giải trình tự gen đàng hoàng, nhưng mấy năm nay có thấy được ai giao nhiệm vụ, hay nhờ chúng tôi làm xét nghiệm gì đâu?

Trưởng phòng Khoa học - Viện Thú y Chu Văn Thanh: “Sang năm đừng tiêm nữa, tập trung cho dự báo dịch”

Đứng trên phương diện của nhà khoa học về Thú y, theo tôi giải pháp vacxin không phải là giải pháp tốt, và ta nên rút dần việc tiêm phòng vacxin CGC, thậm chí chỉ tiêm hết đợt này nữa thôi, sang năm thì nên chấm dứt, để tập trung cho công tác điều tra, giám sát và dự báo dịch bệnh.

Vừa qua, Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên, rồi thì Chi cục Thú y Quảng Trị và nhiều tỉnh khác nói tiêm phòng vẫn có hiệu quả, nhưng bằng chứng đâu? Có ai chứng minh được gia cầm của họ không bị dính dịch là nhờ tiêm phòng không?

Về bản chất, quyết định tiêm phòng để dập dịch vào thời điểm hiện tại là cần thiết. Bởi thực chất, tiêm vacxin có kháng nguyên phù hợp với virus ở nơi đang có dịch, hoặc vùng biên có virus đang lưu hành thì có tác dụng tốt cho việc tiêu diệt và cô lập vùng dịch, tránh làm cho dịch lây lan ra diện rộng. Nói nôm na thì khi tiêm vacxin vào gia cầm đang sắp chết vì bị dịch, sẽ làm cho nó chết ngay, còn gia cầm đang ủ mầm bệnh và mang virus, thì sẽ chết nhanh hơn, còn gia cầm không mang bệnh sẽ kháng được bệnh. Điều này khiến đối tượng bị bệnh bị tiêu diệt nhanh gọn, và virus sẽ không lây lan thêm ra các vùng khác, gia cầm khỏe mạnh sẽ sống sót.

Tuy nhiên về lâu dài, sau khi tiêu diệt xong một lớp gia cầm bị dịch, nếu không có các giải pháp an toàn sinh học quyết liệt, thì mầm bệnh lại bùng lên bất kỳ lúc nào có điều kiện. Vì thế, sau khi dập dịch xong trong năm nay, cần tập trung hàng đầu cho công tác giám sát dịch tễ, đặc biệt là công tác dự báo để chủ động đưa ra các giải pháp ngăn ngừa ngay khi dịch chưa bùng phát. Công tác này của ta hiện nay rất yếu, thực chất là chỉ mới bắt đầu khởi động mà thôi. Ở các nước, chỉ có một con thiên nga ở một cái hồ nào đó nhiễm virus CGC thôi, thì cơ quan dự báo dịch họ đã hô toáng lên. Còn ở ta, đàn gia cầm cả nghìn con bị chết vì dịch cũng chẳng ai quan tâm.

Công tác dự báo dịch này, vừa qua Bộ NN-PTNT đã giao cho Viện Thú y xây dựng kế hoạch triển khai. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai thí điểm tại 2 tỉnh là Lạng Sơn và Tiền Giang...

+ Ông Chu Văn Thanh:

“Việc quan trọng nhất trong nhóm yếu tố kỹ thuật để dự báo được dịch, đó là phải lấy được mẫu và xét nghiệm virus lưu hành ra sao. Nhưng việc lấy mẫu từ trước đến nay Viện Thú y làm gì có quyền thực hiện, chỉ có Cục Thú y là có toàn quyền làm việc đó mà thôi, vì họ là cơ quan quản lí nhà nước!

Vừa rồi, Cục Thú y nói mấy máy xét nghiệm của Viện chỉ mới chạy rốt – đa, rồi thì cán bộ chưa làm được gì… Nhưng xin nói rằng Viện Thú y vẫn là nơi tập trung thiết bị kỹ thuật lẫn cán bộ giỏi nhất về thú y. Máy xét nghiệm virus, giải trình tự gen đã có từ lâu. Nhưng Viện làm gì được phép lấy mẫu, được xét nghiệm? Trước đây, Viện cũng đã nhiều lần kiến nghị với Cục Thú y được phép phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm virus trong chống dịch, nhưng có được Cục đồng ý đâu?

Mới đây, chỉ sau nhiều lần kiến nghị, họp lên họp xuống nát nước, phải được sự đồng ý của tất cả 6 cơ quan, trong đó phải có Cục Thú y đồng ý thì Viện mới được giao quyền đi lấy mẫu để xét nghiệm virus phục vụ việc xây dựng bản đồ dịch tễ theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT đấy chứ!”

 + Ông Hoàng Văn Tiệu: 
 

Mới đây, Cục Thú y nói máy móc của Viện mới chạy “rốt-đa”, rồi cán bộ mới đào tạo… Cái đó không sai, nhưng cũng xin nói cách đây mấy năm, Viện cũng đã từng nhiều lần đặt vấn đề với Cục Thú y được phối hợp triển khai xét nghiệm virus, nhưng không nhận được sự hợp tác. Chỉ vừa mới đây, Bộ NN-PTNT giao cho Viện phối hợp với Cục Thú y thực hiện xét nghiệm mẫu để làm bản đồ lưu hành virus CGC, thì hiện tại Viện mới đang chuẩn bị rà soát lại để khởi động công việc này mà thôi. Viện có máy, có nhân lực, nhưng không được thực hành, không có cơ hội được tiếp thu thực tế thì không thể đòi hỏi là làm tốt ngay được.

 + Ông Bùi Quang Anh – nguyên Cục trưởng Cục Thú y:   

- Vấn đề tự chủ SX vacxin trong nước, nếu tạo điều kiện tốt cho các DN trong nước làm thì tôi khẳng định là đã làm được lâu rồi, kể cả vacxin CGC hay vacxin LMLM. Việc tới nay, vẫn chưa có vacxin CGC SX trong nước, là do lâu nay, người này người kia vẫn còn tư tưởng thích dắt díu nhau đi nhập khẩu mà thôi!

- Vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ xét nghiệm, nói hiện nay thiếu là không đúng. Máy xét nghiệm virus và giải trình tự gen, từ thời tôi làm Cục trưởng đều đã được đầu tư cũng như các tổ chức quốc tế hỗ trợ đầy đủ. Lúc chống dịch cấp bách, chúng tôi còn phải nhờ cả máy xét nghiệm của Viện Lúa ĐBSCL để hoàn thành công việc cấp trên giao. Vấn đề xét nghiệm, ngành Thú y hiện nay có làm hay không mà thôi. Chỉ cần có cấp trên thúc sau lưng, cấp dưới được giao nhiệm vụ căn cơ rốt ráo, thì sẽ làm được hết.
 


Có thể bạn quan tâm

du-bao-dich-benh-tai-sao-khong Dự Báo Dịch Bệnh, Tại… gia-cao-su-dat-76-trieu-dong-tan Giá Cao Su Đạt 76…