Ưu điểm của nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”
Tận dụng diện tích ao nuôi cá khoảng 1 ha, từ năm 2017 ông Đỗ Xuân Quy ở thôn Nhị Trai, xã Trừng Xá (Lương Tài) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”. Đây là phương pháp nuôi cá thâm canh có nhiều ưu điểm nổi bật, góp phần quản lý tốt dịch bệnh, nâng cao năng suất, sản lượng cá, đồng thời bảo vệ môi trường ao nuôi.
Ông Đỗ Xuân Quy cho cá ăn theo mô hình công nghệ “sông trong ao”.
Thời gian gần đây, khu vực ao nuôi cá của gia đình ông Quy trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi cá theo công nghệ còn khá mới mẻ này. Vừa cho cá ăn, ông Đỗ Xuân Quy vừa chia sẻ với chúng tôi: “Trước đây, với 1 ha mặt nước nuôi cá theo phương pháp truyền thống, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch được khoảng 4-5 tấn, trừ chi phí còn lãi khoảng 30-40 triệu đồng”. Năm 2017, sau khi được Chi cục Thủy sản tỉnh mời đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” tại tỉnh Hải Dương, ông Quy mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng 2 hệ thống bể rộng 5 mét, dài 25 mét, sâu 2,5 mét/bể và các thiết bị sục khí tạo ôxy, bơm nước để thả nuôi 2 loại cá là: Trắm cỏ, chép. Theo đó, thay vì nuôi ở môi trường nước tĩnh trong ao, cá được nuôi trong hệ thống bể được xây dựng bằng xi măng lắng đáy, tạo tường bê tông ngăn nước trong một ao nuôi lớn. Những chiếc máy bơm ở đầu góc bể đẩy nước lưu thông một chiều tạo thành một dòng sông nhỏ trong ao. Khi nước chảy liên tục cá trong bể sẽ hình thành thói quen bơi ngược dòng 24/24h; đây là điểm khác biệt của mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” so với phương pháp nuôi truyền thống.
Cũng theo ông Quy, mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” thực chất là tạo một dòng sông trong ao tĩnh, dùng máy tạo khí hình thành dòng chảy tuần hoàn để nước luôn lưu chuyển khắp ao. Sau khi cho cá ăn, toàn bộ chất thải của cá theo dòng nước đến cuối bể và đọng lại ở bể phía sau và được hút lên hố trên vườn có thể làm phân hữu cơ cho cây trồng. Cuối bể, ông Quy còn thả ươm một số loại cá giống tận dụng thức ăn và dòng chảy, đồng thời thả nuôi bèo tây để xử lý triệt để những chất thải được lọc chưa hết. Như vậy môi trường nước ao nuôi luôn được giữ trong sạch, cá sinh trưởng nhanh và ổn định. Vì vậy việc quản lý thức ăn, quản lý môi trường, quản lý sức khỏe cá cũng trở nên dễ dàng hơn. Mặc dù chi phí để xây một bể nuôi trong ao mất khoảng 150.000.000 đồng, cao gấp 2-3 lần ao nuôi truyền thống nhưng thời gian sử dụng ao nuôi có thể được khoảng 10 năm. Từ khi thả cá đến nay (khoảng 3 tháng) cá không có dấu hiệu bệnh, tỷ lệ sống đạt khoảng 95%, trọng lượng trung bình của cá đạt 2-3 con/kg.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, mặc dù công nghệ còn khá mới mẻ với các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, hiện tại chỉ có 4 hộ đã và đang triển khai công nghệ này tuy nhiên qua thực tế sản xuất cho thấy đây là công nghệ nuôi cá có nhiều ưu điểm: Hầu như nước trong ao không cần phải thay thế nhưng vẫn có sự tuần hoàn, chỉ cần xử lý nước ở ngoài khu vực nuôi và sử dụng men vi sinh để quản lý chất lượng nước ao nuôi. Hệ số sử dụng thức ăn giảm, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, thịt cá săn chắc, chu kỳ chăn nuôi ngắn, năng suất cao hơn 3 lần so với cách nuôi cá truyền thống. Sau thu hoạch cá cho phép thả con giống nuôi mới ngay mà không cần xử lý đáy ao. Với nhiều ưu điểm, hi vọng công nghệ mới này mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực nuôi thủy sản và giúp người nuôi thủy sản khai thác tối đa diện tích ao nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ