Tin nông nghiệp Vào nhóm cải thiện sinh kế có bò và vốn làm ăn

Vào nhóm cải thiện sinh kế có bò và vốn làm ăn

Tác giả Chúc Ly, ngày đăng 24/08/2016

Hỗ trợ cải thiện kinh tế

Nhà không ruộng đất, quanh năm làm thuê nên việc nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi học với gia đình ông Danh Minh, ngụ ấp Tràm Chẹt, xã Bàn Tân Định là một gánh nặng.

Cơ hội đổi đời đã đến khi gia đình ông Minh là một trong số 300 hộ được chọn hỗ trợ từ dự án cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo tỉnh Kiên Giang (gọi tắt là dự án).

Không chỉ được hỗ trợ bò, hộ ông Danh Minh còn được hỗ trợ 2 triệu đồng để trồng rau cải, có thu nhập hàng ngày.

“Được hỗ trợ bò, vợ chồng tôi mừng lắm vì lâu nay làm mướn chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

Giờ có thêm bê con được 4 tháng tuổi, ráng nuôi bê được 12 tháng rồi trả cho dự án để chuyển cho hộ khác” – ông Minh chia sẻ.

Đến nay, dự án đã cấp phát 300 bò cái và 8 bò đực (giống lai Sind) cho các hộ dân trong thời gian 3 năm.

Mỗi hộ tham gia dự án còn được hỗ trợ kỹ thuật, cỏ giống, tiêm vaccine, chi phí làm chuồng bò và vốn vay 2 - 3 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh, mua bán nhỏ nhằm góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Theo tính toán của nhiều nông dân, sau khi chuyển giao sản phẩm, mỗi hộ tham gia dự án sẽ còn lại sản phẩm là 1 bò mẹ (trị giá trên 20 triệu đồng), nếu từng hộ tiếp tục khai thác bò mẹ, mỗi năm gia đình có nguồn thu là 1 bê con trị giá trên chục triệu đồng.

Ông Danh Khởi (ngụ ấp Nguyễn Tấn Thêm, xã Bàn Tân Định) cho biết: “Nhà nghèo nên được cho mượn bò nuôi, hai vợ chồng quyết tâm nuôi bò khỏe mạnh, mau lớn.

Nuôi bò không khó đâu, 2-3 ngày mới đi cắt cỏ một lần để cho ăn dần.

Giờ lại được dự án cho mượn tiền khoan giếng nước nên vợ chồng tôi mừng lắm, không còn phải tắm sông nữa rồi”.

Lập nhóm tương trợ

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, từ tháng 7.2013, Ban quản lý dự án đã chọn 2 xã có tỷ lệ hộ Khmer cao của huyện Giồng Riềng là Bàn Thạch, Bàn Tân Định để triển khai thực hiện dự án và chọn 300 hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ vừa thoát nghèo nhưng chí thú làm ăn để lập 12 nhóm tương trợ.

Tại mỗi nhóm đều có nội quy sinh hoạt hàng tháng, đóng quỹ tiết kiệm và xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm mục đích giúp đỡ các thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tổng mức đầu tư của dự án tại 2 xã là hơn 19,34 tỷ đồng, trong đó Tổ chức phi chính phủ Heifer Việt Nam hỗ trợ 5,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 3,2 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ cộng đồng.

Theo những hộ tham gia, hàng tháng, Ban quản lý dự án đều tổ chức tập huấn cho nông dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và lồng ghép các kiến thức liên quan đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe…

Thạc sĩ Huỳnh Văn Nhân - cán bộ kỹ thuật Phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang), trợ lý dự án cho biết: “Đầu tư bằng vật nuôi tránh được việc người dân sử dụng vốn không đúng mục đích, việc thu hồi vốn bằng sản phẩm sẽ tạo tâm lý yên tâm cho người tham gia.

Mặt khác, sản phẩm thu hồi được tái đầu tư cho hộ dân khác trong cộng đồng, cứ như thế dự án sẽ không kết thúc mà tiếp tục được nhân ra để ngày càng có nhiều người dân được hưởng lợi từ dự án”.


Có thể bạn quan tâm

nang-nong-rau-ngo-tang-gia-gap-doi Nắng nóng, rau ngò tăng… gia-che-viet-nam-xuat-khau-re-bang-mot-nua-the-gioi Giá chè Việt Nam xuất…