Mô hình kinh tế Vĩnh Thái Được Mùa Biển

Vĩnh Thái Được Mùa Biển

Ngày đăng 22/09/2014

Sau một thời gian dài bị cuốn theo “cơn lốc ti tan”, gần đây nhiều ngư dân ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã quay trở lại với nghề biển của cha ông. Nhờ kinh nghiệm đi biển dày dạn, thuyền chài, ngư lưới cụ được chú trọng đầu tư, thời tiết thuận lợi… mà những mùa biển gần đây ngư dân Vĩnh Thái liên tiếp thắng lợi. Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2014, nhiều ngư dân đã có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng nhờ tích cực bám biển.

Khi “cơn lốc ti tan” đi qua

Khoảng từ những năm 2008 đến 2013, khi những guồng máy khai thác ti tan hiện diện ở những làng chài ở xã Vĩnh Thái, nhiều ngư dân đã lần lượt úp thuyền treo lưới đi làm công nhân khai thác ti tan. Bỏ nghề biển của cha ông để đi làm công nhân khai thác ti tan, nhiều người dân địa phương có thể kiếm từ 2-3 triệu đồng/ tháng.

Tuy nhiên những hệ lụy để lại do nạn khai thác ti tan ồ ạt ở Vĩnh Thái là thấy rõ. Những rừng phi lao chắn gió bão, chắn cát bay cát nhảy hàng chục năm tuổi đã bị đốn hạ không thương tiếc, gốc rễ chất thành đống dọc theo những làng chài.

Nguồn nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, hậu quả để lại sau khi những giàn khai thác ti tan rút đi là những hố sâu hoắm, những đụn cát khô khốc cao ngất, vào mùa nắng bị gió thổi tứ tung, bồi lấp làng mạc, ruộng vườn.  
Chuẩn bị ra khơi

Theo một cán bộ UBND xã Vĩnh Thái cho hay, có một thời gian dài, rất nhiều ngư dân đã bỏ biển để xin vào làm tại các công ty khai thác ti tan. Thời điểm 2010-2011, trong tổng số khoảng gần 400 lao động biển của xã thì đã có 100 ngư dân bỏ hẳn nghề biển chuyển sang làm công nhân khai thác ti tan lâu dài và khoảng thêm 100 người khác làm công nhân thời vụ. Người dân tham gia làm công nhân khai thác ti tan nhiều nhất là ở các thôn Tân Thuận, Tân Hòa, rải rác là ở các thôn Đông Luật, Tân Mạch.

Thời điểm đó, hình ảnh thường thấy ở những làng chài ở Vĩnh Thái là những giàn khai thác ti tan gầm rú suốt ngày đêm, những chiếc vòi sục sâu vào trảng cát thi nhau hút ti tan, xe tải vận chuyển ti tan chạy rầm rập trên đường... Cả xã biển này dường như bị cuốn theo “cơn lốc ti tan”. Nghề biển theo đó cũng trở nên đìu hiu.

Thế rồi khi những trảng cát đã cạn kiệt ti tan, các công ty khai thác ti tan lặng lẽ rút đi thì ngư dân các làng chài ở Vĩnh Thái bắt đầu “tỉnh ngộ”. Họ đã được những gì sau khi “cơn lốc ti tan” qua đi?. “Thú thật là chẳng được gì nhiều, bởi trong khoảng gần 5 năm làm công nhân khai thác ti tan, tiền lương của tôi cũng chỉ đủ trang trải hàng ngày. Nghĩ lại làm công nhân ti tan có khi còn thua nghề đi biển.

Nhưng hồi đó, khi các công ty khai thác ti tan về làng, thấy người ta hồ hởi cố chen chân làm công nhân ti tan, tôi cũng cố để xin đi làm với hi vọng cuộc sống sẽ ổn định lâu dài. Ngờ đâu chỉ được mấy năm, khi hết ti tan, các công ty rút đi thì mình mới bắt đầu cảm thấy hụt hẫng. Bởi hậu quả để lại sau khai thác ti tan quả thật nghiêm trọng”, anh Nguyễn Văn Giang, thôn Đông Luật tâm sự.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Lương, 40 tuổi ở thôn Tân Hòa cũng đã có một thời gian dài bỏ nghề biển làm công nhân khai thác ti tan. Anh Lương nói: “Thời điểm khai thác ti tan còn thịnh hành, cả làng chài chúng tôi ai cũng háo hức đi làm công nhân mà chẳng ngó ngàng gì nghề biển bởi họ hi vọng cuộc sống sẽ khá hơn nhờ các công ty khai thác ti tan. Thời điểm ấy cả làng tôi có khoảng 26 thuyền thì có đến 50% ngư dân treo thuyền bỏ biển. Bây giờ nghĩ lại cũng thấy chẳng được gì khi làm công nhân khai thác ti tan. Khấm khá đâu không thấy mà chỉ thấy cả vùng cát xác xơ, tiêu điều vì ti tan”.

Quay lại nghề biển

Sau một thời gian rầm rộ, khi nguồn ti tan trong cát cạn kiệt thì các công ty khai thác ti tan lần lượt rút đi. Bây giờ những làng chài ở Vĩnh Thái đã dần trở lại bình yên như vốn có, những rừng cây dần xanh trở lại dù chưa hoàn toàn nguyên vẹn như xưa. Nhiều ngư dân bỏ biển năm nào bây giờ đã bắt đầu quay lại nghề biển của cha ông. Họ sửa sang lại thuyền, đầu tư mua thêm ngư lưới cụ để ra khơi đánh bắt hải sản.

Xã Vĩnh Thái có 7 thôn với 740 hộ dân, 3.140 nhân khẩu thì có đến trên 300 hộ có cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề biển. Vĩnh Thái là xã bãi ngang nên ngư dân chủ yếu hành nghề đánh bắt ở ven bờ, vào ra khơi trong ngày.

Ông Trần Văn Thận, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết: “Sau một thời gian bị xáo trộn thì hiện nay nghề biển của xã đã có dấu hiệu phục hồi. Hiện tại toàn xã có gần 200 thuyền đang khai thác hải sản và đang tiếp tục tăng trở lại. Tuy nhiên so với thời điểm 2010-2011 (khoảng 250 thuyền) thì số thuyền vẫn còn thấp.

Địa phương đang tiếp tục thực hiện một số chính sách để hỗ trợ phần nào đó giúp ngư dân trở lại nghề biển”. Ngoài sự hỗ trợ về vay vốn từ một số kênh tín dụng thì hiện nay nhiều ngư dân xã Vĩnh Thái trước đây từng làm công nhân khai thác ti tan đã đầu tư ngư lưới cụ để trở lại nghề biển.

Anh Nguyễn Văn Giang ở thôn Đông Luật từ khi bỏ làm công nhân khai thác ti tan đã dồn vốn liếng sửa chiếc thuyền 8 CV của mình, mua thêm ngư lưới cụ để ra khơi. Anh Giang cho biết: “Từ đầu năm đến nay tôi cũng như những ngư dân khác ở Vĩnh Thái liên tiếp trúng lớn những loại hải sản có giá trị. Bình quân mỗi ngày tôi thu được từ 500 ngàn-700 ngàn đồng, nói chung thu nhập rất ổn định. Mùa biển năm nay rất thuận lợi nên ai cũng cố gắng bám biển để tăng thu nhập”.

Về những làng chài ở Vĩnh Thái thời điểm này ai cũng vui lây với niềm vui được mùa biển của bà con ngư dân. Thuyền xuất cập bến liên tục. Những mẻ hải sản như tôm hùm, cá bớp, cá chim, mực lá, cá thu, ốc hương, sò các loại… đầy ắp thuyền khiến ngư dân rất phấn chấn.

Anh Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Thái và cũng là một ngư dân dày dạn kinh nghiệm tại địa phương bày tỏ niềm vui với chúng tôi: “Liên tiếp khoảng 5 năm trở lại đây nghề biển ở địa phương rất thuận lợi. Đặc biệt năm 2014 này, ngư dân ai cũng có thu nhập cao từ nghề biển. Từ đầu năm đến nay, tính bình quân mỗi thuyền cho thu nhập từ 15- 20 triệu đồng/tháng.

Tôi năm nay 40 tuổi, có thâm niên theo nghề biển ngót 20 năm nhưng quả thật chưa thấy năm nào thắng lợi toàn diện cả về sản lượng và giá cả hải sản như hiện tại. Riêng thuyền tôi từ đầu vụ cá Nam đến nay luôn có thu nhập từ 700 ngàn- 800 ngàn đồng/chuyến, có chuyến được gần 2 triệu đồng”.

Anh Trường cho biết thêm, ngư dân Vĩnh Thái đánh bắt ven bờ nhưng chủ yếu đánh bắt những loại hải sản có giá trị nên thu nhập rất cao và ổn định. Hiện giá bán tại chỗ của một số loại hải sản chủ yếu ở Vĩnh Thái như: Mực lá 160 ngàn-200 ngàn đồng/kg, cá thu, cá bớp từ 140 ngàn- 150 ngàn đồng/kg, cá chim từ 150 ngàn-170 ngàn đồng/kg, cá chim bạc có giá tới 700 ngàn-900 ngàn đồng/kg... Nghề biển ở Vĩnh Thái khá đa dạng, hết loại hải sản này đến loại hải sản khác ngư dân đều năng động bám biển luân phiên. Phổ biến là các nghề mực đáy, rê cá thu, con ruốc, rê ngừ, vây lừ, mực lá, sòng…

Trở lại nghề biển của cha ông sau “cơn lốc ti tan”, những ngư dân Vĩnh Thái đã hăng hái hơn, quyết tâm bám biển hơn để làm giàu.


Có thể bạn quan tâm

chuyen-giao-cong-nghe-biogas-thai-lan-cho-nong-dan Chuyển Giao Công Nghệ Biogas… ngu-dan-mong-som-tiep-can-von-vay-nghi-dinh-67 Ngư Dân Mong Sớm Tiếp…