Vua cá chẽm của vùng đất Sóc Trăng
"Theo anh Võ Điền Trung Dũng, ngoài con tôm, tiềm năng nuôi thủy sản nước lợ của Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung còn rất lớn; trong đó có con cá chẽm. Tuy nhiên, chúng ta không nên phát triển tràn lan mà cần có sự chọn lọc những giống loài bản địa có giá trị cao, đặc biệt là những giống loài mà tự nhiên đang khan hiếm để phát triển nhằm tạo cơ hội cho nông dân."
Để theo đuổi được với nghề nuôi cá chẽm, đòi hỏi người nuôi cần phải có sức chịu đựng nhất định để vượt qua những thời điểm. Đó là chia sẻ của anh Võ Điền Trung Dũng, chủ trang trại nuôi trồng thủy sản Ngọc Hường, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Sau 10 tháng nuôi, cá chẽm được thu hoạch với trọng lượng 1 - 1,5 kg/con
Xác định thị trường tiêu thụ
Nhắc đến nghề nuôi cá chẽm ở Trần Đề, đầu tiên phải kể đến là anh Tài Phong và Út Huy (từ năm 2007 - 2008), sau đó mới tới ông Phạm Minh Tiền, ông Hứa Thành Hưng... Tuy nhiên, do thời điểm này cá chẽm tự nhiên ở vùng Bạc Liêu, Cà Mau còn nhiều, nên giá cá rẻ, người nuôi không có lời, một số người rời bỏ con cá chẽm lấy con tôm làm đối tượng nuôi chính. “Trong thời gian này, tôi bắt đầu làm quen với con cá chẽm, bằng việc đi học quy trình ương nuôi và trực tiếp nuôi cho ông Út Huy”, anh Dũng mở đầu câu chuyện nuôi cá chẽm của mình.
Năm 2011, tôm nuôi bị thiệt hại lớn do dịch bệnh EMS, anh Dũng chuyển 3,5 ha nuôi tôm và thuê thêm 10 ha nữa sang nuôi cá chẽm. Công việc trước tiên của anh vẫn là tiếp tục thử nghiệm tính thích nghi của đối tượng này tại vùng nuôi tôm, kế đến là khảo nghiệm thị trường và cuối cùng là tổ chức sản xuất và phân phối hàng hóa. Anh Dũng chia sẻ: “Lúc này, vẫn chưa có những dự báo sáng sủa gì về thị trường cá chẽm, nhưng tôi xác định cho mình thị trường chính là chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), với số lượng cung ứng mỗi ngày khoảng chục tấn cá. Đến năm 2014, tôi bắt đầu hoàn thiện quy trình nuôi cá chẽm quanh năm để chuyển giao cho những hộ nuôi trong khu vực, sau đó thu mua lại sản phẩm của họ để phân phối cho chợ Bình Điền”.
“Sản lượng bình quân hàng năm trang trại tôi cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 tấn; trong đó, cá nuôi từ trang trại khoảng 600 tấn và liên kết thu mua từ các hộ nuôi trong khu vực khoảng 900 tấn. Thị trường chủ yếu vẫn là nội địa chiếm khoảng 80% do có giá bán cao hơn so bán cho nhà máy chế biến xuất khẩu”, anh Dũng cho biết.
Phụ thuộc vào người nuôi
Vài năm gần đây, do tình hình nuôi tôm phát triển mạnh, nguồn cá chẽm tự nhiên từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu giảm, nhờ đó, thị trường cá chẽm tốt hơn. Chất lượng cá chẽm nuôi cũng ngày một nâng lên và được nhiều người tiêu dùng trong nước chấp nhận. Cũng có những thời điểm nghề nuôi cá chẽm gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng khó nhất vẫn là giá và thị trường tiêu thụ, mà nguyên nhân chủ yếu theo anh Dũng là do cung vượt cầu. Vì vậy, để theo đuổi được với nghề nuôi cá chẽm đòi hỏi người nuôi cần phải có sức chịu đựng nhất định để vượt qua những thời điểm này.
Mật độ nuôi cá chẽm thường 2 - 5 con/m2, cao nhất khoảng 8 - 10 con/m2; thời gian nuôi khoảng 8 - 9 tháng cá đạt trong lượng 1 - 1,5 kg/con. Năm 2018, giá cá chẽm tương đối ổn định và ở mức cao, bình quân 70.000 - 80.000 đồng/kg, người nuôi lời gần 20.000 đồng/kg, trong khi các nhà máy chế biến chỉ thu mua với 60.000 - 65.000 đồng/kg. Cá chẽm tuy có thị trường và giá bán tốt, nhưng phải có sự cân đối, nếu không lại rơi vào cảnh cung vượt cầu, làm mất giá, khó tiêu thụ, bởi giá cá chẽm còn cao nên đối tượng tiêu dùng là có giới hạn. Anh Dũng cho biết: “Muốn giảm giá thành sản xuất, trước hết phải cải thiện được chất lượng và giá thành con giống; quản lý tốt về thức ăn; kỹ năng vận chuyển, phân phối và sau cùng là phải biết khai thác thế mạnh, xu hướng thị trường theo từng mùa vụ trong năm. Để con cá chẽm “bơi” ra thị trường thế giới được, giá thành nuôi phải về mức 50.000 đồng/kg trở lại”.
Đối với thị trường xuất khẩu, hiện con cá chẽm có thể thay thế một số sản phẩm cá thịt trắng khác, nhưng do giá thành cao nên việc cạnh tranh còn khó. Do đó, việc tiến tới xuất khẩu cá chẽm như một số đối tượng thủy sản khác vẫn còn là một chặng đường dài với nhiều chuyện phải làm, như: sản xuất con giống, quản lý thức ăn, các cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp, nhà khoa học… cùng tham gia vào chuỗi giá trị con cá chẽm.
Trong quá trình cung ứng cá chẽm cho chợ đầu mối Bình Điền, anh Dũng luôn quan sát, đánh giá thị trường cũng như sự phát triển của nghề nuôi tại địa phương để có sự điều chỉnh kịp thời, nhằm nắm bắt cơ hội và hạn chế rủi ro.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ