Tin thủy sản Vùng nuôi tôm thâm canh trước cơ hội và thách thức

Vùng nuôi tôm thâm canh trước cơ hội và thách thức

Tác giả Hữu Đức, ngày đăng 22/03/2018

Đến những ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2018, giá tôm thẻ và tôm sú ở ĐBSCL phục hồi, tăng trở lại. Theo thương lái mua bán tôm, trước đó, có thời điểm các mối thu gom hàng chạy chợ cuối năm sang Trung Quốc đột ngột ngưng sớm, giá tôm giảm 15-20%. Tuy nhiên, do chợ tết hút hàng, nhất là các loại tôm tươi, đã phần nào kích hoạt vùng nuôi tôm ven biển vừa ra Giêng bắt nhịp vào mùa.

Vùng nuôi tôm thâm canh ở Sóc Trăng vào mùa. Ảnh: Hữu Đức

Khởi động sớm

Ở vùng ven biển Vĩnh Châu tập trung nhiều ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh với diện tích lớn nhất vùng. Hiện nay, tôm thẻ chân trắng (TCT) đã vào mùa thả giống. Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, lịch thời vụ thả tôm giống TCT từ 19-1 đến 30-9-2018; từ 1-4-2018 đến 30-8-2018 vào vụ thả nuôi tôm sú. Năm 2018, Sóc trăng có kế hoạch nuôi trồng thủy sản 68.600ha. Trong đó, tôm nước lợ 45.500ha (tôm sú  17.900ha và tôm thẻ 27.600ha) và nhắm tới mục tiêu đạt tổng sản lượng 239.330 tấn (tôm nước lợ 110.000 tấn: tôm sú 19.000 tấn, tôm thẻ 91.000 tấn).

Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết sẽ thường xuyên cập nhật tình hình nuôi, diễn biến môi trường, thời tiết và cảnh báo dịch bệnh; đồng thời khuyến cáo người nuôi tôm tiếp tục vận dụng và có những cải tiến phù hợp các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, mô hình ứng dụng vi sinh, mô hình nuôi kết hợp cá rô phi/cá chẽm/cá đối mục hoặc tôm càng xanh toàn đực với tôm TCT hoặc tôm sú, đặc biệt là mô hình đa dạng hóa sinh học trong ao nuôi.

Vụ tôm năm nay, người nuôi tôm ĐBSCL lạc quan trước chủ trương Chính phủ xem đây là một lĩnh vực ưu tiên đầu tư và con tôm là sản phẩm quốc gia. Để vùng nuôi tôm phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, việc đầu tư kết cấu hạ tầng (hệ thống kinh cấp-thoát nước, điện, lộ giao thông...) là chuyện đầu tiên; tiếp theo là người nuôi tôm đang trông đợi chính sách vốn và sự hỗ trợ về kỹ thuật.

Dự đoán và thách thức

Hiện nay, tại Sóc Trăng, giá tôm TCT tại các đại lý thu mua: tôm loại 50 con/kg khoảng 120.000 đồng/kg; loại 60 con/kg giá 110.000 đồng/kg và loại 100 con/kg giá 95.000 đồng/kg. Tính bình quân, các mức giá này chỉ giảm 5.000-10.000 đồng/kg so tháng trước Tết. Trong khi đó, tôm sú ít nguồn cung, tôm cỡ lớn 20-40 con/kg đang có giá cao, loại ướp đá giá 170.000-290.000 đồng/kg; tăng 20.000-50.000 đồng/kg.

Tuy thời giá thị trường đang tốt dần lên nhưng đối với người nuôi tôm không chỉ lo lắng, chuẩn bị thật tốt về mặt kỹ thuật, con giống để trúng mùa mà rất cần yếu tố ổn định giá tôm thương phẩm. Bởi vừa qua vào thời điểm cuối tháng Chạp (trước Tết), tôm thương phẩm bất ngờ giảm giá 10.000-20.000 đồng/kg tùy theo cỡ tôm thu hoạch so một tháng trước đó. Một số người nuôi tôm và thương lái đều biết nguyên nhân do sau đợt thương lái Trung Quốc sang mua hàng tôm đông lạnh xuất tiểu ngạch về bán chợ Tết và chỉ thu mua hút hàng mạnh một thời gian ngắn.

Việc một số thương lái Trung Quốc lùng mua tôm Việt Nam không cần xem xét về dư lượng chất cấm khiến người nuôi tôm có suy nghĩ chủ quan, không quan tâm đến chất lượng tôm nuôi sạch. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến khi thực hiện kế hoạch thu mua tôm nguyên liệu.

Theo một số doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xuất khẩu tôm Việt Nam, bước qua năm 2018, con tôm VN sẽ gặp thách thức lớn trên thương trường thế giới. Đó là sự đòi hỏi ngày càng nghiêm ngặt hơn về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó các cơ chế để minh bạch và nhanh chóng truy xuất nguồn gốc từng gói hàng chặt chẽ hơn. Trong khi khoảng 90% tôm Việt Nam nuôi trong điều kiện nhỏ lẻ manh mún, khó kiểm soát. Do đó, giải pháp cần thiết là dồn điền để tạo ra các trang trại nuôi tôm lớn hoặc tập hợp các hộ nuôi tôm tổ chức thành hợp tác xã.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), nhận định: Tình hình thị trường năm 2018, do vụ kiện bán phá giá tôm vào thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là một trở ngại, khiến tôm Việt Nam giảm sức cạnh tranh về giá với tôm từ các nước không bị kiện hoặc tôm từ các nước bị kiện nhưng có mức thuế thấp hơn. Tôm Việt Nam có lợi thế ở thị trường EU do còn ưu đãi thuế quan và nếu mùa hè 2018 Hiệp định V-EFTA được ký kết thì EU trở thành thị trường chiến lược. Thị phần từ Hoa Kỳ sẽ chuyển qua EU. Vào thời điểm này tiêu thụ tôm vào EU đã chiếm thị phần khá cao. "Nuôi tôm VN còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết rất lớn. Nếu thời tiết tốt, chắc chắn sản lượng tôm nuôi năm 2018 của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, theo dự báo năm 2018, sản lượng tôm toàn thế giới cũng tăng mạnh. Nếu tất cả dự báo đúng, người nuôi tôm có thể sẽ đứng trước thánh thức trúng mùa rớt giá" - ông Hồ Quốc Lực nói.


Có thể bạn quan tâm

thach-thuc-thuy-san-viet-nam-tai-my Thách thức thủy sản Việt… bac-lieu-vung-dat-nuoi-tom-cong-nghe-cao Bạc Liêu: Vùng đất nuôi…