Tin nông nghiệp Xa vời mục tiêu: 250 triệu đồng/ha

Xa vời mục tiêu: 250 triệu đồng/ha

Tác giả Nam Tùng Sơn, ngày đăng 16/09/2016

Đầu tư mạnh vào công nghệ cao

Chúng tôi về xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì) vào một ngày đầu tháng 9 và tìm tới thăm trang trại trồng nấm có quy mô 3ha của bà Bùi Thị Kính. Trang trại được chủ hộ xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu cách nhiệt nhằm kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm cho nấm.

Bà Kính cho biết, trang trại của bà hiện đang sử dụng công nghệ men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh; nước phục vụ cho sản xuất nấm cũng được xử lý bằng hệ thống RO; có phòng lạnh để bảo quản nấm tươi cũng như sản xuất bịch nấm. Với trang thiết bị hiện đại, việc trồng nấm ở đây hoàn toàn chủ động, không phụ thuộc vào thời tiết.

Ngành nông nghiệp cần tập trung vào một số dự án đầu tư phát triển nông nghiệp CNC. Tuy nhiên muốn phát triển nông nghiệp CNC hiệu quả, cần tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, lắng nghe những đóng góp của họ về khó khăn, kiến nghị để có giải pháp tháo gỡ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp chính là đối tượng chủ lực trong đầu tư, phát triển nông nghiệp CNC của Hà Nội".

Ông Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội

“Hiện bình quân mỗi ngày, trang trại sản xuất 5.000 bịch nấm, mỗi tháng thu về 13 tấn nấm tươi, doanh thu mỗi năm đạt từ 10 - 12 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi 1 – 1,2 tỷ đồng. Trang trại đang tạo việc làm cho 5 – 8 lao động, với thu nhập bình quân 3 – 4 triệu đồng/người/tháng” – bà Kính cho hay.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, trang trại nấm của bà Kính là một trong các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hiệu quả của Thanh Trì. “Từ mô hình trồng nấm của bà Kính, huyện đang chỉ đạo nhân rộng các mô hình vệ tinh để tạo vùng sản xuất nấm, xây dựng thương hiệu nấm Thanh Trì để cung cấp cho các siêu thị và xuất khẩu” – bà Anh chia sẻ.

Tại huyện Phú Xuyên, với đặc thù vùng chiêm trũng, ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp đã được huyện xác định là 1 trong 2 khâu đột phá trong phát triển sản xuất và trở thành một trong những huyện đi đầu thành phố về ứng dụng cơ giới hóa.

Ông Nguyễn Đình Chiêu - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, huyện có chính sách hỗ trợ 50% tiền mua máy cấy, máy gieo hạt cho các HTX, hộ nông dân. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có hơn 140 máy cấy, 455 máy làm đất và hơn 500 máy tuốt lúa. Diện tích sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của huyện đạt trên 5.200ha.

Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cũng chia sẻ, với địa bàn chủ yếu còn thuần nông, biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao thu nhập cho người nông dân chính là phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, CNC. Vì vậy, Phúc Thọ đã mạnh dạn cử cán bộ, nông dân đi học hỏi mô hình sản xuất CNC ở Đà Lạt (Lâm Đồng) để về ứng dụng tại địa phương.

Cần “kích cầu” cho nông nghiệp

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT), việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa CNC, cơ giới hóa vào sản xuất tại nhiều địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, cơ sở hạ tầng đã được Nhà nước quan tâm đầu tư khá mạnh mẽ, góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, giúp đời sống người dân vùng nông thôn của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển nông nghiệp của thành phố, vốn đầu tư vẫn còn ở mức thấp (chỉ chiếm khoảng 4 - 6% trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản) nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp CNC theo hướng sản xuất hàng hoá.

Đặc biệt, một số nơi mặc dù đã hoàn thành DĐĐT, song thành phố lại chưa có hướng dẫn chuyển dịch cơ cấu cây trồng cụ thể, nên nông dân còn lúng túng trong việc chọn lựa trồng cây gì, nuôi con gì? Về vấn đề này, ông Trần Văn Khánh – Chủ tịch UBND xã Tự Lập (Mê Linh) cho biết thêm: “Theo quy định, đối với vùng chuyển đổi sang trang trại xa khu dân cư 10ha trở lên sẽ được hỗ trợ điện và vay vốn. Sau DĐĐT, xã đã quy hoạch vùng sản xuất trang trại, vận động 47 hộ dân tham gia. Tuy vậy, từ đó đến nay khu vực này vẫn chưa được đầu tư điện. Người dân bức xúc, phải tự góp tiền để kéo điện nên niềm tin vào chính quyền địa phương giảm sút”.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, để giải quyết những vướng mắc trên, Sở đã ban hành các văn bản, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau DĐĐT, trên tinh thần phát huy những thế mạnh của vùng. Bên cạnh đó, vừa qua HĐND thành phố cũng đã có nghị quyết về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2016-2020, đồng thời phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016-2020.


Có thể bạn quan tâm

dot-pha-don-dien-doi-thua Đột phá dồn điền đổi… tang-thu-nhap-tu-trong-trien-xen-lua-ray Tăng thu nhập từ trồng…