Xen canh sầu riêng - Nguồn thu hấp dẫn với nông dân Tây Nguyên
Hàng loạt các loại cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên bị chết hoặc xuống giá, không ít nông dân loay hoay tìm hướng chuyển đổi thích hợp thì ông Nguyễn Văn Lập (làng Hrak, xã Đăk Djirăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) lại thành công với mô hình xen canh cây sầu riêng trong vườn hồ tiêu và cà phê.
Mô hình xen canh sầu riêng đang mang lại thành công.
Xen canh để "cứu" nhau"
Năm 2006, ông Nguyễn Văn Lập (lúc đó sinh sống ở Đăk Lăk) chuyển đến lập nghiệp ở làng Hrak (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai). Ở đây, gia đình ông trồng 5ha cà phê, xen canh với 450 cây sầu riêng và một ít hồ tiêu. Vườn nhà ông được đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho từng loại cây trồng để không ảnh hưởng với nhau. Vừa làm, ông vừa tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc… qua đài, báo và những kỹ sư nông nghiệp để áp dụng vào thực tiễn vườn nhà mình.
Khi còn sinh sống ở Đăk Lăk, ông Lập thấy giống sầu riêng DoNa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất Tây Nguyên, song ở Đăk Lăk khó tìm được diện tích đất rộng lớn để trồng xen canh các loại cây có giá trị kinh tế cao cùng nhau. "Đó là lý do tôi tìm đến vùng đất này" - ông lập cho biết.
Theo ông Lập thì “Làm nông nghiệp khó đoán lắm, không thể biết cây nào được giá cao vào năm nào. Để cho... chắc ăn, tôi trồng cùng lúc ba loại cây là sầu riêng, hồ tiêu và cà phê, với hy vọng lấy cây này bù cây khác".
Cái suy nghĩ "chắc ăn" có tự ngàn đời của nông dân đã vận vào ông Lập, đưa đến thành công cho ông: Qua nhiều năm trồng và thu hoạch thì đến nay, cả 3 loại cây trồng đều tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, khi hồ tiêu và cà phê xuống giá và chết vì sâu bệnh, sầu riêng đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu chính.
Tính riêng năm 2016, với 450 cây sầu riêng đã cho thu nhập 200 triệu đồng, năm 2017 tăng lên 500 triệu đồng và năm 2018, gia đình ông thu hoạch được 34 tấn sầu riêng, với giá bán 85.000 đồng/kg, ông ung dung "bỏ túi" 3 tỷ đồng tiền lãi - cao hơn rất nhiều lần so với 8 tấn hồ tiêu và 4 tấn cà phê nhân trong vườn.
Mô hình được lan tỏa
Thành công từ mô hình xen canh của ông Lập đã được không ít nông dân trong vùng biết đến. Họ tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, ông lập sẵn sàng chia sẻ. Ông Vũ Văn Lâm (thôn 2, xã Đăk Sơmei, huyện Đak Đoa), cho biết: “Từ mô hình xen canh của ông Lập, năm 2008, gia đình tôi cũng trồng xen canh 300 cây sầu riêng vào 2ha hồ tiêu. Năm vừa rồi (2018 - PV), chỉ tính 300 cây sầu riêng đã thu được được 1,2 tỷ đồng".
Thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai: Toàn tỉnh hiện có khoảng 712ha sầu riêng, chủ yếu trồng xen canh trong vườn cà phê và hồ tiêu. Trong số này có một nửa diện tích đang kinh doanh, số còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và hứa hẹn trong thời gian tới sẽ mang lại nguồn thu tốt cho nông dân.
Cũng theo ông Lâm thì vốn đầu tư cho cây sầu riêng không nhiều; công chăm sóc và thu hoạch cũng ít hơn các loại cây trồng khác…
"Với 300 cây sầu riêng trồng xen canh, chỉ đầu tư béc tưới nước khoảng 100 triệu đồng. Khi cây bắt đầu ra hoa thì tập trung điều chỉnh sinh lý cho cây ra hoa kết trái đồng loạt để đảm bảo số lượng theo hợp đồng với khách hàng" - ông Lâm cho biết. Cũng theo ông Lâm thì mỗi năm thu hoạch khoảng 4 đợt, mỗi đợt từ 4 - 5 tấn sầu riêng. Đây là nguồn thu không hề nhỏ đối với nông dân Tây Nguyên, đặc biệt là trong cơn "bĩ cực" này.
Còn ở làng Tung Blai (Ia Dreng, huyện Chư Pưh), ông Đào Văn Chủy đã trồng xen canh 200 cây sầu riêng vào vườn cà phê, được chia làm nhiều đợt khác nhau. Năm 2018 có 60 cây cho thu hoạch được 9 tấn. "Với giá bán năm chục ngàn đồng mỗi ký, tôi thu được bốn trăm rưởi triệu đồng, chưa kể trái chín lai rai bán cho người dân xung quanh. Trồng sầu riêng xen canh với cà phê hiệu quả kinh tế rất tốt, cả hai loại cây đều hỗ trợ cho nhau, mang lại nguồn thu nhập ổn định” - ông Chủy vui vẻ nói.
Định hướng cho nông dân
Từ thành công của ông Lập cũng như nhiều hộ nông dân khác mà mới đây, tại vườn cà phê trồng xen canh hồ tiêu và sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Lập, Sở NN-PTNT Gia Lai đã tổ chức cho 200 nông dân tại 9 huyện, thành phố tham quan học tập mô hình, định hướng nông dân chủ động trồng xen canh các loại cây trồng hợp lý để có thị trường tiêu thụ ổn định, giảm thiểu rủi ro và nâng cao thu nhập.
Tại đây, nhiều nông dân đưa ra ý kiến, rồi những thắc mắc xung quanh việc trồng xen canh, các biện pháp đầu tư phân bón, nước tưới để đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt, cho thu hoạch cao... Đại diện các đơn vị của Sở NN-PTNT, các chuyên gia đã giải đáp toàn bộ những thắc mắc của nông dân, đồng thời tận tình hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc, thu hái… để người dân tiếp cận trong việc trồng xen canh cây sầu riêng với cây cà phê và hồ tiêu trong những năm tới.
Từ mô hình xen canh của ông Lập và một số vườn cây xen canh khác, có thể khẳng định hiệu quả kinh tế từ trồng xen canh cà phê, sầu riêng và hồ tiêu đang mang lại những kết quả hết sức khả quan. Song để lường trước những bất trắc có thể xảy ra, cơ quan chuyên môn cũng đã khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích sầu riêng ồ ạt.
Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ chất lượng cây giống, cây giống phải có nguồn gốc rõ ràng; nên trồng xen các loại cây phù hợp nhằm đa dạng hóa cây trồng, hạn chế rủi ro và tăng thu nhập, hướng đến sản xuất có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP...
Ông Trịnh Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai: "Mô hình trồng xen canh của hộ nông dân Nguyễn Văn Lập rất tốt, trồng đúng mật độ, sử dụng 3 hệ thống tưới độc lập cùng lúc cho 3 loại cây trồng, việc chăm sóc 3 loại cây chủ lực rất khoa học và hiện đại nên hiệu quả kinh tế mang lại cao. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang thực hiện việc tái canh cà phê, vì vậy nhiều mô hình xen canh như thế này đang bắt đầu xuất hiện trong những năm tới”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ